.
.

Từ câu chuyện tai nạn của các hiệp sĩ: Nghĩ về cái dũng trong đời thường


Câu chuyện các “hiệp sĩ” đường phố tử nạn trong khi liều mình bắt cướp đã làm cho tôi chấn động tâm can suốt những ngày qua. Là một đệ tử Phật gia, tôi đã hơn một lần tự nhủ, cần phải giữ tâm bình ổn khi quán sát những biến động từ cuộc đời. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ lại những biểu hiện từ nội tâm, tôi đã bàng hoàng khi nhận thấy hạt giống giận dữ chỉ tạm thời yên ắng và đã bùng lên khi gặp phải những cái xấu, ác đang diễn ra trong cuộc sống thường ngày.

Từ những nguồn thông tin dồn dập đó đây trên các phương tiện truyền thông trong những ngày qua, trong tôi đã khởi lên một tình thương chất ngất khi nghĩ về các anh, những người còn nặng nợ mưu sinh nhưng đã tự nguyện dấn thân vì sự bình yên cho bao người khác. Xét về bản chất, ai cũng mong mỏi bình an cho bản thân, gia đình, thân nhân và những người quen biết. Nhưng một khi chỉ biết tìm bình an cá nhân mà con tim chai sạn và không rung cảm trước cái xấu, cái ác thì làm sao có thể tìm thấy ý nghĩa tồn sinh của kiếp người?


Hiện trường nơi các “hiệp sĩ” tử nạn – Ảnh: Zing.vn

Người xưa từng bảo: Đất nước cường thịnh hay suy vong, kẻ thường dân cũng phải có trách nhiệm (Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách – Cố Viêm Vũ). Đứng trước những thử thách của quốc gia, dân tộc, xứ sở hay những điều bất xứng ý từ cuộc đời, mỗi chúng ta cần phải có thái độ ứng xử phù hợp tùy theo sở nghiệp của riêng mình. Trong cách nhìn liên hệ duyên sinh, cái xấu, ác của mỗi con người có những mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với những người khác, đến môi trường sống, trong đó có cả chúng ta. Sống là sống với, không thể sống bình an nếu như ai cũng cuộn chặt mình trong cái vỏ cầu an.

Tôi không đồng tình với cách hóa giải bạo lực chỉ thuần túy bằng bạo động, nhưng trong những trường hợp cần thiết thì việc vận dụng sự cứng rắn cũng là hành động cần làm. Câu chuyện tiền thân Đức Phật trong Kinh tạng Bắc truyền đã quả cảm đương đầu và hạ gục kẻ cướp để cứu đoàn thương buôn, theo tôi là một câu chuyện có thật (Kinh Tuệ Thượng Bồ-tát vấn Đại Thiện Quyền, do ngài Trúc-Pháp-Hộ, dịch). Ngày hôm nay, đứng trước những nỗi mất mát vô bờ mà người thân của các anh đang nếm trải, tôi đã bớt buồn khi thoáng thấy cái dũng đó đã bước ra ngoài trang kinh và đã hiện hữu nơi các anh, những người đã hiến tặng mạng sống của mình để cuộc đời thêm ánh sáng, niềm tin.

Tôi thực sự ấn tượng bởi câu kinh Pháp cú: Người tưới nước lo phần dẫn nước, thợ cung tên lo vuốt cung tên (Kinh Pháp cú, câu số 80)… vì dường như ngay từ thuở xưa, Đức Phật đã đồng tình với sự phân công lao động xã hội này và có những lời xác nhận, tán thán. Việc nhận thức chu toàn và có trách nhiệm đầy đủ với những phần việc mà mình phát nguyện đảm trách, là một cách sống đúng mực trong mọi thời kỳ.

Trong những ngày này, không khí Phật đản đã về trên nhiều ngôi chùa ở mọi miền đất nước, và ánh từ bi cũng được thắp sáng trong nhiều ngôi nhà, góc phố thân thương. Thiết nghĩ, trong những phương cách thiết thực để cúng dường Đức Từ phụ khi mùa Phật đản về, ngoài việc trưởng dưỡng tâm thương yêu thì cũng cần thắp lên và duy trì ngọn lửa đại hùng – không sợ hãi. Bởi lẽ, khi cái dũng có mặt cùng với tâm thương yêu và sự thấu cảm tột cùng thì sẽ mở ra những giá trị không thể kể bằng lời

Chúc Phú