.
.

Phim phản cảm với Phật giáo bị lên tiếng tại Singapore


“Loạt phim xếp loại R21 không dành cho người dưới 21 tuổi với những cảnh về tình dục và khỏa thân thì không phù hợp với Phật giáo trong bất cứ sự kiện nào liên quan”.


 

Đó là khẳng định của HT. Seck Kwang Phing, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Singapore trong phát biểu về Liên hoan phim Phật giáo sẽ diễn ra tại đảo quốc Sư tử. Theo đó, HT.Seck Kwang Phing thể hiện sự quan ngại sâu sắc về thể loại phim có cảnh nóng được chọn trình chiếu nhân liên hoan phim. “Bộ phim có những cảnh khỏa thân và tính dục không phản ánh đúng về tiến trình tu tập của đạo Phật”.

film.jpg
Một cảnh trong bộ phim đang gây tranh cãi

Vị giáo phẩm đứng đầu Phật giáo Singapore cho hay, qua những gì được xem trước từ phần giới thiệu, bộ phim này không phù hợp để dán nhãn phim Phật giáo bởi nó hoàn toàn không giới thiệu các phương diện thực tập khác nhau của đạo Phật.

Bộ phim do Nhật Bản sản xuất, có tựa đề “Suffering Of Ninko”, kể về câu chuyện một tu sĩ trẻ Phật giáo đấu tranh để sống chuẩn mực, mặc dù có những tác động, dụ dỗ từ nhiều nam giới lẫn nữ giới cùng độ tuổi.

“Đạo Phật không yêu cầu bạn phải kìm nén hoặc nuông chiều tâm ham muốn của bạn”, HT. Seck Kwang Phing lưu ý khi thông tin rằng các thành viên khác trong Liên đoàn Phật giáo Singapore cũng thể hiện sự quan ngại. “Bộ phim dường như không gì liên quan đến đạo Phật. Không có yếu tố, nội dung về Phật giáo”, ngài chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, các nhà tổ chức liên hoan đã ra sức bảo vệ sự lựa chọn này, và cho biết đây sẽ là bộ phim được dán nhãn R21 đầu tiên có mặt trong sự kiện 10 năm này.

Theo Chủ tịch của Ủy ban Tổ chức liên hoan phim, ông Teo Puay Kim, truyền thông đưa tin và lôi kéo sự chú ý vào bộ phim được dán nhãn R21 đã làm người xem xao lãng thông điệp chính của bộ phim. Ông cũng cho biết, những người tổ chức muốn sử dụng bộ phim như là tiền đề quan trọng nhằm thảo luận những lời dạy mang tính nhập thế của Đức Phật, đặc biệt là về tâm ham muốn.

“Bộ phim sử dụng Ninko như là một nhân vật đại diện cho một người đấu tranh giữa sự kìm nén và nuông chiều tâm ham muốn của họ. Theo lời dạy của Phật, cả hai đều không thích hợp và điều cốt lõi là phải hiểu rõ ham muốn cùng những nguyên nhân gốc rễ của nó để không bị nó kiểm soát”, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Teo Puay Kim nhấn mạnh.

Ông Teo Puay Kim cũng khẳng định quý khán giả sẽ được cảnh cáo về nội dung dành cho người lớn của bộ phim.

Đây là liên hoan phim được tổ chức 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 2009, quy tụ các bộ phim mang nội dung về Phật giáo nhằm khuyến khích tinh thần tự do vấn đáp trong đạo Phật. Cũng theo Teo, tại mỗi liên hoan, các bộ phim được chọn dựa theo giá trị bộ phim thể hiện chứ không phải bởi đánh giá xếp hạng.

Một thành viên khác của Ủy ban Tổ chức mong muốn khán giả sẽ đến với liên hoan bằng tinh thần cởi mở và trân trọng các giá trị Phật giáo. Liên hoan phim sẽ được tổ chức từ 22-9 đến 29-9 tại Shaw Theatres Lido, Singapore.

Bình luận viên tự do, Paige Lim, 24 tuổi cho biết cô sẽ xem bộ phim này, bởi nó đã tạo nên tiếng vang lớn tại các liên hoan phim ở nhiều quốc gia khác nhờ vào sự thử nghiệm về hình thức và cách kể chuyện.

“Tôi đánh giá cao liên hoan phim trên phương diện thể hiện cách nhìn bao quát và tư tưởng cởi mở nhờ vào việc xem xét các yếu tố khác nhau cũng như biểu thị giá trị nghệ thuật thật sự của nó”, Paige Lim cho biết.

Kỹ sư vi tính Lin Rong Xiang, 36 tuổi, một Phật tử, cho biết bộ phim có thể giúp anh hiểu thêm về cách người Nhật thực hành lời dạy của Đức Phật. Bộ phim được quay tại Nhật với bối cảnh thời kỳ Edo (1603-1868) và nhân vật chính là một tu sĩ người Nhật.

Bảo Thiên – Bảo An 
(theo The Straits Times)