.
.

Lễ hội cúng dường các đền thần “Ganga Aarti” tại sông Hằng


Rời Delhi, Thánh Tích thiêng liêng đầu tiên mà Quý Vị Đại Biểu Hội Nghị “Ấn Độ – Xứ Sở Đức Phật” 2016 đến là Sông Hằng và tham dự Hội Lễ cúng dường “Ganga Aarti” tại đây vào đêm 03/10/2016.

Varanasi là xứ sở của 3 Tôn Giáo nổi tiếng tại Ấn Độ :Bà La Môn Giáo, Phật Giáo và Kỳ Na Giáo. Varanasi là nơi đặc biệt cho Giáo Dục, thực hành tâm linh tôn giáo, nhất là Thiền Định, Yoga, lễ cúng, và chuẩn bị cho các chết và sẽ được thả xuống sông Hằng. Chúng ta thường nghe Đức Phật giảng nhiều bài Kinh liên quan đến sông Hằng : Hằng hà sa số, Sám Hối (tắm nước sông Hằng có hết tội không?), khổ hạnh,…Với khách du lịch nước ngoài, sông Hằng có thể là nơi ô nhiễm môi trường, nhưng với những người tâm linh tôn giáo Ấn Độ họ xem sông Hằng là nơi thiêng liêng tâm linh, nơi có thể thực hành thâm sâu nhất về các phương pháp trong Tôn Giáo.

Nói tới Ấn Độ chúng ta lập tức liên tưởng đến dãy núi Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ như là chí khí vững chãi của con người trong tu tập hướng đến chân lý và trước mọi nghịch cảnh cuộc đời, liên tưởng đến Sông Hằng hài hòa, thiêng liêng, kỳ bí, góp phần điều hòa thời tiết Ấn Độ, cung cấp nguồn nước cần thiết cho nông nghiệp. Đặc biệt nơi núi cao hay là bên cạnh bở sông là những nơi thực hành chuyên sâu, quên mình của những tu sỹ màn trời chiếu đất, con người sống một cách đơn giản nhất, hài hòa với thiên nhiên, chịu đựng mọi khắc nghiệt thách thức trong bước đường tầm cầu chân lý.

“Ganga Aarti” là lễ dâng cúng hằng đêm tại Sông Hằng thực hiện bởi các đạo sỹ Bà La Môn (pandit). Như trong diễn văn khai mạc của vị đại diện tiểu bang Uttar Pradesh nói rõ :Đó là nghi thức dâng đất, nước, lửa gió, hoa, cúng dường đến Mẹ Sông Hằng, biểu tượng cho Lòng Từ (karuna) ôm ấp chở che cho cuộc sống nhân loại.Nếu như ở Việt Nam có các đạo thờ Địa Mẫu, hoặc các Lăng Miếu bên sông biển vẫn có cúng tế thì cúng dường tại Sông Hằng có ý nghĩa sâu sắc tương tự như thế. Đó là biểu hiện lòng tri ân đối với dòng sông, dòng sông trải dài xuyên qua nhiều tiểu bang Ấn Độ và là chứng nhân của bao nhiêu thăng trầm lịch sử, là nơi các đạo sỹ tu tập miệt mài, là nơi con người có thể tìm được sự bình yên và gửi gắm biết bao nhiêu lời cầu nguyện, tâm sự…Hơn nữa trong 3 thập niên trở lại đây, một số người vô ý thức đã vung vãi bừa bãi xuống sông Hằng gây ra sự ô nhiễm, nghi thức cúng dường Sông Hằng để nhắc mọi người đối với Sông Hằng như đối với Mẹ của mình, như đối với thần thánh. Điều này khiến chúng ta nhớ đến Đức Phật đã đứng yên suốt 1 tuần tại Bồ Đề Đạo Tràng để tri ân cây Bồ Đề che chở cho Ngài khi mưa khi nắng suốt 40 ngày đêm tu tập. Tri ân, trân trọng, báo ân, hiểu được mối tương quan, tương tức, tương nhập, tương sinh tương tồn, trong một hạt cát bao hàm tam thiên đại thiên thế giới, trong một giọt nước có cả dải ngân hà và nuôi dưỡng bao nhiêu mầm sống, chúng ta mới thấy hết được ý nghĩa của Lễ Cúng Dường, Hơn nữa, mọi người hãy chánh niệm tỉnh giác, mỗi món chúng ta bỏ trên bở sông, mặt đất hay vào dóng sông hãy trân trọng xứng đáng như là nghi thức cúng dường hôm nay để tránh ô nhiễm môi trường.

Cúng tế thường được xem là nghi thức quan trọng bậc nhất để bày tỏ lòng thành kính và là sợi dây giao cảm đến những bậc siêu nhiên.Sự tinh cần và thành kính các tín đồ ngoan đạo có thể thấy được biểu hiện thông qua tế lễ và tôn giáo nào cũng có các Nghi Lễ cần thiết. Hôm nay tế lễ sông Hằng được thực hiện đặc biệt bởi vì là mùa Lễ Hội cao điểm 9 ngày của Ấn Độ và cũng là tạo duyên cho đại biểu của 39 quốc gia trên thế giới trong kỳ Hội Nghị này chiêm ngưỡng và thâm nhập vào nếp sống tâm linh Bà La Môn Giáo và Ấn Độ. Lễ Hội này được tổ chức bởi : Ganga Seva Nidhi và chính phủ tiểu bang Uttar Pradesh. 9 bàn dâng cúng được dâng bày sẵn với những món thuần khiết nhất : Hương, hoa, đèn,… với 9 vị đạo sỹ mặc áo đỏ quần trắng, đeo chuỗi nơi cổ và 9 cô tín nữ mặc đồng phục màu đỏ. Các đạo sỹ say sưa theo tiếng nhạc và lời kinh, thần chú mà biểu diễn dâng hương, hoa, nước và các vật phẩm cúng dường. Tại Lễ “Ganga Aarti”, các đạo sỹ dâng đến Thần Thánh những gì tinh khiết nhất, với 9 cái đền thờ (Ghats) tượng trưng cho 9 hành tinh trong Thái Dương Hệ.

Tôi quan sát thấy một số lượng rất lớn tín đồ Bà La Môn Giáo tham gia kín hết khu vực xung quanh đó và họ leo lên các tầng cao, hoặc cả mái nhà để chiêm ngưỡng buổi lễ. Lễ Hội, lời kinh cúng tụng thực hành Tôn Giáo mọi ngày và khắp mọi nơi. Vẻ đặc sắc của đất nước Ấn Độ là thiên về triết học, tâm linh, tôn giáo, với những tín đồ sống và biểu hiện theo cách thức tôn giáo hằng ngày, Nét đẹp của văn hóa và tâm linh sâu sắc ấy biểu hiện rõ nét nơi sông Hằng thiêng liêng.
Với quang cảnh đó, âm nhạc của Đạo Bà La Môn (Hindu) đó, nhưng nếu chúng ta khéo biết vận dụng cơ hội quán sát, chẳng hạn nhắm mắt lắng nghe thần chú của họ và áp dụng quán niệm theo cách Phật Giáo, hành giả sẽ được phần thu hoạch lợi lạc không ngờ tới được vì ở nơi đây mọi tìm cầu về vật chất tầm thường đã được gác bỏ. Hành giả hướng đến những gì cao cả thiêng liêng hơn và hòa nhập Thiên – Địa – Nhân với vũ trụ thành tâm, thuần khiết, hiến dâng, phụng sự. Trong các cuộc cải hóa Đạo của Đức Phật với ngoại đạo cho thấy, những người Bà La Môn sau này đến với Phật Giáo, với căn bản hành trì và thành kính ấy, họ tiếp thu Phật Giáo rất nhanh và thực hành sớm có kết quả thăng hoa trên hành trình tu niệm.

Đến với Ấn Độ mà không đến Sông Hằng thì rõ ràng là thiếu đi một phần rất quan trọng. Đến Sông Hằng mà lại thấy lặng lẽ vắng vẻ thì làm sao cảm nhận được sự thiêng liêng, tác dụng của dòng Sông và con người đã cảm nhận tri ân thế nào? Cảm ơn Ban Tổ Chức Hội Nghị “Ấn Độ – Xứ Sở Đức Phật” tạo duyên cho chúng tôi sống và cảm nghiệm bên bở Sông Hằng trong một đêm. Chỉ là một đêm thôi nhưng mọi người sẽ tìm hiểu về ý nghĩa Lễ Cúng Dường, về vai trò của Sông Hằng trong dòng chảy lịch sử, tôn giáo, trong nhịp điệu cuộc sống hằng ngày của người dân Ấn Độ. Đất nước Ấn Độ tất nhiên chưa hoàn hảo, nhưng đã chinh phục hàng trăm triệu hàng tỷ con tim nhân loại bởi tánh cách bất bạo động, lòng bao dung, quan tâm giúp đỡ, sống hòa bình thân thiện, hướng đến những gì thiêng liêng cao cả vượt ra giới hạn của con người. Những ai trân quý Lễ Hội hôm nay chắc chắn họ sẽ trân quý cuộc sống và mọi nhân duyên trong cuộc sống, chỉ lo xây đắp cho nhau chứ không bao giờ làm tổn hại cho nhau. Đó là những nguyên tắc căn bản nhất để xây dựng thế giới hòa bình, tứ hải giai huynh đệ và hướng đến Chân Thiện Mỹ – những gì có giá trị chắc thật và dài lâu.

1-vao-ks-amayaa-copy 2-ks-amayaa-copy 2-x-ben-den-linh-thieng-copy 3-nguoi-ngoi-copy 12-khach-moi-danh-du-copy 18-banner-le-hoi-copy 20-a-mc-gioi-thieu-song-hang-copy 21-a-nhom-vn-tang-tham-du-copy 21-u-dang-lua-copy 22-nhom-tang-vn-voi-chuoi-copy 26-cu-sy-vn-tham-du-copy 29-dang-cung-xuong-song-hang-copy 32-nhom-vn-du-copy 41-ky-niem-voi-2-nhac-sy-da-hoi-copy dsc06277-copy dsc06285-copy dsc06300-copy dsc06310-copy dsc06325-copy dsc06332-copy dsc06337-copy dsc06375-copy dsc06461-copy

Sông Hằng, Varanasi, đêm 03/10/2016

Thích Đồng Trí