.
.

Dấu ấn khó phai


Tôi nhớ đến những thời Kinh Lăng Nghiêm vừa dứt, bọn trẻ con như tôi đã lén tựa góc cột ngủ gật gù. Nhưng rồi không trốn vào đâu được, sư cô lôi chúng tôi dậy và cứ thế mà lạy một thời Hồng Danh sám hối. Lúc đó, chỉ còn biết nháy mắt với nhau: “ráng cuốc cho xong”.

Mười lăm năm trước, theo di nguyện của nội, tôi cùng gia đình rời Sài Gòn trở về nơi mà ba mẹ cất tiếng khóc chào đời. Hà Nội với tôi là niềm ước ao, dù chỉ một lần thôi được sống trong không khí mùa thu Hà Nội, được sải bước trên con đường Hoàng Diệu xào xạc lá vàng rơi, được tận hưởng cái nồng nàn của hương hoa sữa. Tuổi thiếu thời của tôi khi đó là vậy, cũng tất bật vội vã trở về với một tâm trạng tràn đầy háo hức như thế!

Mẹ đã đến Tu viện đón tôi và xin phép sư bà để trở về Hà Nội. Tôi đã thấy những giọt nước mắt lăn dài trên má mẹ và sự tĩnh lặng của sư bà. Chợt nhớ đến sư cô, tôi vội chạy đi tìm. Các dãy phòng của Tu viện sao cứ dài dằng dặc đến thế. Càng tìm, càng lặn sâu vào không gian tĩnh lặng! Tôi đến tượng đài Quan Âm, đôi bàn chân cứ lấn bấn một chỗ, và dường như không cất bước nổi. Một vệt nắng chiếu xuyên qua cành lá, lao xao lẫn tiếng gió là giọng nói âm trầm của sư bà và lời dẫn dụ của mẹ. Cuối cùng, tôi theo mẹ về khi khi trời chạng vạng tối. Dòng chữ vội vàng viết trên mẩu giấy nho nhỏ tôi gửi lại: Học song đại học, con xin trở về Tu viện, sư cô nhớ cho con nương theo học đạo với nhé!

Thế rồi, tôi đã được sống nơi phố phường Hà Nội, cái nơi mà luôn có trong giấc mơ của tôi khi còn ở đất trời phương Nam. Tôi thích nghi dần với môi trường mới, có những người bạn mới.Năm ấy, tôi thi đậu vào đại học Luật, phần thưởng mẹ cho là được vào Nam, và dĩ nhiên là trở về thăm Tu viện. Nhưng niềm vui bỗng trở nên hụt hẫng khi tôi biết tin sư cô đã du học ở Ấn Độ, nghe nói cô đi nhiều năm lắm vì phải làm xong luận án mới về nước. Tôi biệt tin cô từ đây! Mẹ cũng tất bật hơn với công việc chăm lo cho mấy chị em tôi. Mặc dù giới trẻ Hà Thành đã biết lên chùa nghe pháp, nhưng tôi không có thời gian đến chùa vì bắt đầu bận rộn đủ thứ và thậm chí là cả việc mải lo vui chơi cùng đám bạn. Cứ thế, tôi xa dần những lời dạy của sư cô…

Thời gian thấm thoát trôi nhanh, tôi tốt nghiệp đại học và được làm việc ở một cơ ngang quan bộ. Cuộc sống với tôi là một sự đủ đầy và hạnh phúc, nhưng sao vẫn thấy trống rỗng và nhiều phiền não. Tâm hồn tôi nhuốm nhuộm các màu xanh đỏ lẫn những gam màu đau khổ khi con tim biết yêu. Những khi ấy, ký ức lần hồi trỗi dậy gợi về những tháng năm tươi đẹp sống tại Quan Âm Tu Viện ngày xưa. Nhớ tiếng sư già khai chuông vang vọng giữa đêm khuya, từng câu, từng chữ như hòa vào mỗi con tim, khối óc mà thức tỉnh:

Đêm khuya chuông đóng chớ mê man

Phủi giũ lòng son đến trước bàn

Mỗi niệm mỗi câu xưng hiệu Phật

Tây phương đã trổ một bông vàng.

Nam Mô A Di Đà Phật….

Tôi nhớ đến những thời Kinh Lăng Nghiêm vừa dứt, bọn trẻ con như tôi đã lén tựa góc cột ngủ gật gù. Nhưng rồi không trốn vào đâu được, sư cô lôi chúng tôi dậy và cứ thế mà lạy một thời Hồng Danh sám hối. Lúc đó, chỉ còn biết nháy mắt với nhau: “ráng cuốc cho xong”.

Cuộc sống bình dị ngày gối ngày liên tiếp trong khuôn viên Tu viện trong lành, khi bình minh về còn ngập tràn trong sương sớm, tôi hay lấy tay đùa nghịch dưới ánh nắng vàng đậu bên song cửa và ngâm nga hát: “một hôm có người hỏi em lý do xuất gia tu tầm đạo, sao em tu còn trẻ?…”  Và rồi, sau tô cháo trắng nấu đặc ăn với dưa kho, tôi lại chạy theo sư cô quét sân chùa, rải thóc cho bồ câu ăn, rồi khiêng đất, trồng cây, sửa kiểng… Công việc không ngơi tay lúc nào, nhưng sư cô luôn vui vẻ và còn kiên nhẫn kể cho tôi nghe những câu chuyện về cuộc đời Đức Phật, chuyện Ngài dạy La Hầu La không được nói dối, và trả lời hàng tá câu hỏi ngây ngô con trẻ của tôi, để rồi trưa nào tôi cũng thiếp đi trong giấc mơ tu hành.

Hình ảnh sư cô vẫn luôn hiện hữu trong trái tim bé nhỏ của tôi, ấy là bộ nâu sồng giản dị, là nụ cười hiền hậu, là phong thái khiêm hòa. Niềm thương kính của tôi tăng lến gấp bội khi tôi biết đến sự khắc nghiệt nơi sư cô tu học trong cái nóng và cái lạnh của đất Ấn. Thức ăn chính là chapati và ca ri, một xứ sở của vô vàn bức tranh tương phản giữa giàu và nghèo, hạnh phúc và khổ đau, thậm chí cả thiên đường và địa ngục… Nơi mà dường như chẳng có gì ngoại trừ hoa xương rồng trên sa mạc (?). Sự mường tượng nỗi thống khổ của sư cô nơi viễn xứ khiến tôi đôi lúc rùng mình, mặc dù tôi biết ý chí và nghị lực vốn là sức mạnh tiềm tàng luôn hun đúc một niềm tin bất diệt vào đạo pháp sẽ giúp sư cô vượt qua tất cả, và cho cả tôi. Tôi đã sống lại với tuổi thơ tươi đẹp dưới mái hiên chùa, tôi muốn bước đi trên con đường mà lời hứa xưa kia tôi còn bỏ ngỏ. Tôi sống chậm lại và ngóng tin cô.

Thời gian và khoảng cách có thể khiến ta lãng quên lời hứa, bởi cuộc sống có nhiều nét chấm phá mà chính ta là người tạo nên bức tranh muôn màu sinh động. Với tôi, cũng vậy. Năm tháng trôi đi, chờ đợi mãi cuối cùng tôi chẳng còn chút kiên nhẫn để đợi chờ. Tình yêu và sự nghiệp là một quy luật tự nhiên, nên tôi đã yên bề gia thất và có địa vị trong xã hội. Hành trang của tôi hôm nay, với những gì tôi đang có cũng là nhờ vào những năm tháng luôn nhớ đến lời dạy của sư cô, nhớ đến nghị lực nơi cô một mình sống ở xứ sở nghiệt ngã như loài hoa xương rồng trên sa mạc!

Rồi đến một ngày, vô tình tôi đọc được thông tin về cô trên một trang mạng, cộng đồng giới trẻ mến mộ cô như một “ sư cô Idol” và như một “người mẹ thứ hai”. Lúc đó, tâm trạng tôi đang rối bời vì cuộc sống của tôi là những ngày đen tối của cuộc hôn nhân tan vỡ. Sự kiêu hãnh của tôi quá lớn, khiến cả hai làm thương tổn nhau, để rồi vết thương hằn sâu không bao giờ liền sẹo, mặc dù chúng tôi biết rằng, dẫu có chia tay thì trái tim vẫn cứ trọn về nhau.

Tôi đi tìm và gặp được sư cô, nơi ấy là một Tịnh thất nho nhỏ nằm sâu trong vùng ngoại ô với bốn bề cây xanh râm mát. Cô đã chia sẻ cho tôi những gì đã, đang đi và những gì cuộc sống đang chờ đợi mình phía trước. Từng lời, từng lời của cô như một sự bảo trợ tinh thần cho tôi vượt qua sóng gió.

Sau bao năm tháng gian nan và thử thách… cho đến bây giờ, sư cô vẫn rộn như ngày xưa. Nhưng lạ thay! Sư cô luôn bình dị, an lạc, tự tại với cuộc sống tu hành. Nhớ có lần tôi tâm sự với Người về sự bề bộn của cuộc sống hiện tại, sư cô nhìn tôi mỉm cười khẽ nói: “Hãy tìm hạnh phúc giản đơn”!

Mỗi khi nghe câu nói ấy tôi lại giật mình. Tôi đã hoang phí thời gian và cứ mải đắm chìm trong nỗi cô đơn vô vọng. Một lần nữa sư cô lại đưa tôi ra khỏi rừng u minh đó với lời khuyên nhủ: không  luyến tiếc quá khứ, không vọng tưởng tương lai, hãy sống tốt với hiện tại.

Giờ đây tôi đang học, bài học của sự kiên nhẫn mà sư cô đã trải qua trong cuộc đời tu của mình, đặc biệt là những năm tháng trên đất Phật. Cho đến lúc này, tuy tôi không thể đi theo con đường của sư cô, nhưng tôi sẽ cố gắng đi thật tốt trên con đường mình đã chọn. Dù sao đi nữa trong cuộc đời, tôi vẫn còn nợ sư cô một món nợ. Món nợ đó là một ước mơ… ước mơ được sống đời tu sĩ, một cuộc đời thật đơn giản mà thanh thoát diệu kỳ.

 Phong Bình, Hà Nội – một ngày đầu thu