.
.

8 yếu tố nguy cơ của chứng mất trí nhớ


Theo thống kê của Tổ chức Bệnh Alzheimer Thế giới, toàn cầu có khoảng 47 triệu người sống chung với bệnh suy giảm hoặc mất trí nhớ và tốn gần một nghìn tỉ USD hàng năm để chăm sóc cho các bệnh nhân mắc bất ổn này.


 

Riêng Hoa Kỳ, đang có khoảng 4,5 triệu người mắc chứng sa sút và mất trí nhớ; con số này sẽ lên đến khoảng 14 triệu người vào năm 2050 – theo dự báo.

mattrinho.jpg
Ngày càng có nhiều người bị chứng mất trí nhớ – Ảnh minh họa

Mất trí nhớ chỉ đến một nhóm các biểu hiện như mất trí nhớ, các bất ổn về trí nhớ và giao tiếp. Đó là kết quả của những thay đổi trong não bộ của chúng ta. Nhiều bệnh lý và điều kiện có thể gây ra bệnh mất trí nhớ, trong đó có Alzheimer.

Ngoài yếu tố nguy cơ gây bệnh không thể điều chỉnh như gene thì các thay đổi nhỏ trong thói quen sống mỗi ngày cũng có thể hữu ích cho não bộ và giữ cho não được tinh anh trong những năm tháng tuổi cao về sau.

Dưới đây là những yếu tố nguy cơ có thể tác động đến bệnh mất trí nhớ mà chúng ta cần lưu ý để điều chỉnh – nhằm giảm nguy cơ mất trí nhớ cho bản thân, theo các chuyên gia.

1 – Ngáy

Chứng ngưng thở tắc nghẽn (obstructive sleep apnea – OSA) được cho là có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ mắc chứng Alzheimer, theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Giấc ngủ, phát hành vào tháng 5-2017.

OSA là trạng thái hơi thở bắt đầu và dừng lại trong khi đang ngủ. Những sự gián đoạn nhỏ này có thể làm giảm lượng khí oxy cung cấp đến các cơ quan quan trọng của cơ thể, có liên quan đến huyết áp cao và bệnh tim mạch.

Chứng này còn làm giảm khả năng tư duy, làm tăng nguy cơ mất trí nhớ. Do đó, điều trị chứng ngừng thở khi ngủ sẽ làm giảm nguy cơ mất trí nhớ.

2 – Các loại soda kiêng

Theo tạp chí Đột quỵ, số tháng 4-2017, soda kiêng (loại ít đường và năng lượng dành cho người ăn kiêng) cũng làm tăng nguy cơ mất trí nhớ, thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với các loại soda bình thường.

Nghiên cứu có sự tham gia của 3.000 người trên 45 tuổi, ghi nhận việc sử dụng các loại thức uống qua bảng câu hỏi. Sau khi xem xét các yếu tố liên quan như tuổi tác, giới tính, hoạt động thể chất, thói quen hút thuốc,… lá thì người có mức hấp thu các thức uống có chất làm ngọt nhân tạo (có trong các loại soda kiêng) có gấp 3 lần nguy cơ phát triển chứng mất trí nhớ so với người ít uống các loại soda kiêng.

3 – Ít học tập, suy giảm thính lực

Cách chúng ta sống cũng ảnh hưởng quan trọng đến nguy cơ mất trí nhớ. Theo nghiên cứu phát hành tháng 7-2017 trên tạp chí Lancet, 1/3 số ca mất trí nhớ có thể ngăn chặn được bằng việc điều chỉnh lối sống (thói quen hàng ngày).

Một số yếu tố như học tập, suy giảm khả năng nghe khi ở tuổi trung niên hay sự cô lập về mặt tương tác xã hội cũng mang đến nguy cơ mất trí nhớ tương đương như với nghiện thuốc lá, béo phì và huyết áp cao.

Các chuyên gia khẳng định, duy trì sự học tập và điều trị suy giảm thính lực ở tuổi trung niên có thể giúp giảm được 8-9% nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.

Tăng cường học tập là sự rèn luyện não bộ, tăng sự phục hồi từ các phá hủy trong não bộ do lão hóa. Còn điều trị suy giảm thính lực sẽ giúp giảm sự khủng hoảng và cô lập với xã hội – đều có tác dụng giảm chứng mất trí nhớ.

4 – Bổ sung calcium

Calcium có thể giúp ích cho xương nhưng bổ sung calcium vẫn là chuyện gây nhiều tranh luận trong những năm qua.

Một nghiên cứu phát hành năm 2016 trên tạp chí Thần kinh học cho thấy người đã có những biểu hiện của bệnh mạch não (cerebrovascular disease) nếu dùng bổ sung calcium có thể có gấp đôi nguy cơ phát triển chứng mất trí nhớ so với người không bổ sung thêm calcium.

Tuy các chuyên gia không khẳng định mối quan hệ nhân quả giữa bổ sung calcium và mất trí nhớ nhưng viên uống calcium có thể làm thay đổi các động mạch não và lưu thông máu đến não, gây ra những thay đổi dẫn đến mất trí nhớ.

5 – Chóng mặt, choáng váng

Thỉnh thoảng khi đứng lên đột ngột bạn sẽ cảm thấy choáng váng. Với nhiều người, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên thì bạn có thể bị chứng hạ huyết áp tư thế đứng (orthostatic hypotension) – nguồn cung máu đến não bị hạn chế khi đứng dậy.

Người trưởng thành bị chứng hạ huyết áp có thêm 15% nguy cơ phát triển chứng mất trí nhớ so với người bình thường, theo tạp chí PLOS Medicine phát hành tháng 10-2016.

Điều trị chứng bệnh này, cùng với những thay đổi trong thói quen sinh hoạt hàng ngày như: bước xuống giường chầm chậm, uống đủ nước và tập thể dục đều đặn sẽ giúp làm tăng lưu thông máu đến não,… giúp giảm nguy cơ mất trí nhớ – theo Bệnh viện Mayo.

6 – Rối loạn tăng động giảm chú ý

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) được xem là một rối loạn ở trẻ, có khoảng 4% trẻ em Hoa Kỳ mắc rối loạn này – theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH).

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Các rối loạn chú ý tháng 6-2017 đã kết luận, trẻ mắc chứng ADHD sẽ có nguy cơ mất trí nhớ và giảm khả năng tư duy nhẹ khi về già so với trẻ không bị ADHD. Cụ thể là, người từng bị ADHD có cao hơn 3,4 lần nguy cơ mất trí nhớ trong thời gian 10 năm so với người không bị rối loạn này.

7 – Quả tim không khỏe mạnh

Mối liên hệ giữa sức khỏe tim mạch và trí não đã được khẳng định. Các chuyên gia cho rằng giữ cho tim khỏe mạch sẽ giúp bộ não khỏe mạnh.

Sức khỏe các động mạch có thể bị hủy hoại khi bị các chứng như: huyết áp cao, tiểu đường và thậm chí là nghiện thuốc lá… không chỉ gây bất lợi cho tim mà còn làm tăng nguy cơ mất trí nhớ.

Báo cáo tại Hội nghị Quốc tế về Đột quỵ của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ tổ chức gần đây ở Houston, quan sát trên 50.000 người trong thời gian 25 năm, cho thấy: nguy cơ mất trí nhớ tăng lên 77% ở người tiểu đường và 41% ở người huyết áp cao.

Có chế độ ăn khoa học, kiểm soát huyết áp chính là cách bảo vệ não bộ khỏi các bất ổn mạch máu nhỏ trong não và sự hình thành nghẽn mạch vốn đóng góp đến sự phát triển chứng mất trí nhớ.

8 – Chấn thương vùng đầu

Sự va đập liên tục vùng đầu có thể dẫn đến bệnh nghiêm trọng cho não, như chứng tổn thương não mãn tính sau chấn thương (CTE). Các chấn thương ở não (cả có lặp lại hay không lặp lại) đều có liên quan đến các dạng khác của bệnh mất trí nhớ, như Alzheimer.

Một nghiên cứu khác năm 2017, đăng trên tạp chí PLOS ONE cũng cho thấy các chấn thương vùng đầu có liên quan đến nguy cơ cao hơn với mất trí nhớ, đặc biệt là bệnh Alzheimer. Nghiên cứu phân tích 32 nghiên cứu khác với 13.000 ca mất trí nhớ và 8.000 ca Alzheimer cho kết quả: người có lịch sử chấn thương đầu hay vùng não có thêm 60% mất trí nhớ và 50% nguy cơ Alzheimer so với người không bị chấn thương.

Đức Hòa (theo Reader’s Digest)