.
.

Bi kịch của tình yêu


Tình yêu thật sự phải là sự hi sinh cho người mình yêu mà không nhất định người kia phải đền đáp. Tình yêu đó là sự mong muốn người mình yêu được hạnh phúc, vui vẻ dù người đó không yêu mình. Tình yêu nếu chứa đựng sự chiếm hữu kiểu như ăn không được thì đạp đổ đó là loại tình yêu vô cùng nguy hiểm và mù quáng.


Xã hội hiện tại có rất nhiều vụ giết người rất thương tâm, một trong số đó là sự việc giết người yêu của một thầy giáo dạy thể dục đâm chết một cô giáo dạy toán, cả hai đều là giáo viên trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh). Vụ việc xảy ra vào ngày 23.4.2018, đối tượng Võ Minh Thắng 27 tuổi đã đâm chết cô NNT 26 tuổi, lý do vì cô NNT phát hiện Võ Minh Thắng bắt cá hai tay, nên cô đã từ chối làm đám cưới. Vào trưa ngày 23.4, người dân trên đường Hoàng Sa (đoạn gần cầu Bông, phường 3, quận Bình Thạnh) thấy cô gái bị thanh niên chặn xe máy dùng dao đâm nhiều nhát vào người rồi bỏ chạy nên họ đã báo công an.

Vào cuộc điều tra, công an xác định nạn nhân là cô T, tử vong với hơn 10 vết đâm trên người. Trong khi cảnh sát đang truy xét thì đối tượng Võ Minh Thắng đến Công an quận Bình Thạnh đầu thú, khai nhận hành vi của mình. Thật đáng thương cho cô giáo ấy, vì nhiều học sinh và đồng nghiệp trong trường đều nói cô rất hiền, dạy bài dễ hiểu. Chúng ta đặt câu hỏi đây có phải là tình yêu hay không? Tại sao trong xã hội hiện tại có nhiều vụ án giết người vì tình mù quáng như vậy?

Trước hết, tôi cho rằng anh thanh niên này chỉ yêu chính bản thân mình, cho nên khi không sở hữu được món đồ mình yêu thích đã hủy hoại nó không thương tiếc. Nếu anh ta xem người mình yêu là một con người thì anh ta đã không giết hại cô ấy dã man như vậy. Nếu một người có học và hiểu Phật Pháp thì chuyện này đã không xảy ra một cách đau lòng đến thế!

Tình yêu thật sự phải là sự hi sinh cho người mình yêu mà không nhất định người kia phải đền đáp. Tình yêu đó là sự mong muốn người mình yêu được hạnh phúc, vui vẻ dù người đó không yêu mình. Tình yêu nếu chứa đựng sự chiếm hữu kiểu như ăn không được thì đạp đổ đó là loại tình yêu vô cùng nguy hiểm và mù quáng.

Phật giáo không cấm người Phật tử tại gia yêu nhau, nhưng Phật giáo định hướng quan điểm nhận thức đúng đắn cho mọi người về một tình yêu đúng đắn hợp lý, lợi mình lợi người.

Tinh thần vô thường – vô ngã và đạo lý nhân – duyên – quả trong nhà Phật giúp con người hiểu rõ, nhận thức đúng đắn về bản chất của tình yêu. Sự gắn kết của hai con người đều do nhân duyên từ nhiều kiếp trong quá khứ cũng như hiện tại. Vì vậy người học Phật nhận thức được rằng tất cả mọi kết quả mà ta nhận được đều xuất phát từ hành vi suy nghĩ ở thân khẩu ý của chính mình mà thôi, không có một thế lực nào có thể ban phước giáng họa cho ta cả. Nhân nào quả nấy, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Anh thanh niên này tạo ác nghiệp giết người, quả báo trước mắt là bị tù tội hoặc tử hình, sau khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục.

Xã hội ngày nay con người càng ngày càng đắm chìm trong thế giới của truyền hình, ca nhạc, internet và nhiều thú vui khác. Mọi người ít có nhiều thời gian tiếp xúc với giáo lý nhân quả, nhân duyên của nhà Phật. Từ đó không tin nhân quả luân hồi, không chế ngự bớt tham lam và hận thù, dẫn đến những hành vi tội ác bất chấp thủ đoạn tàn bạo hại người đồng thời cũng hại luôn chính bân thân mình. Nhà Phật dạy con người nếu làm được mười điều sau sẽ có cuộc sống tốt lành. Thứ nhất là ý nghĩ có ba điều: không tham lam, không sân hận, không si mê. Thứ hai là thân có ba điều: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Thứ ba là miệng có bốn điều: không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời thô ác, không nói thêu dệt.

Nếu cả xã hội có khoảng bảy mươi phần trăm số người thực hiện được mười điều lành trên thì xã hội sẽ hạnh phúc, bình an biết bao. Xã hội sẽ bớt đi rất nhiều những bi kịch giết người mà báo chí và mạng internet đã đưa tin như ví dụ điển hình ở trên.

Hiện nay ở một số nước phương Tây như Anh, Mỹ, Úc đã đưa giáo dục Phật giáo vào nhà trường để dạy cho các em học sinh. Điều đó cho thấy được tầm quan trọng của việc giáo dục nhân quả nói riêng và giáo dục Phật giáo nói chung trong việc giáo dục nhân cách đạo đức của một con người ở xã hội hiện đại. Trong nước ta, một số ngôi chùa đã tổ chức những khóa tu mùa hè cũng như những khóa tu ngắn ngày cho các bạn sinh viên học sinh và các em thiếu nhi, điển hình như chùa Hoằng Pháp ở Hồ Chí Minh; chùa Bằng, chùa Hòa Phúc, chùa Khai Nguyên ở Hà Nội; chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh, chùa Cự Linh ở Hải Dương v.v… Đồng thời cũng có những câu lạc bộ của người Phật tử tại gia tổ chức để truyền bá đạo đức Phật giáo và đạo đức con người. Điều đó cho thấy xã hội, các tổ chức giáo dục đã chú trọng, quan tâm hơn đến việc đào tạo con người về mặt đạo đức dựa trên giáo pháp của Đức Phật. Đây là những tín hiệu đáng mừng để xây dựng, phát triển nhân cách con người một cách hoàn thiện hơn, đồng thời là giải pháp căn bản để ổn định trật tự xã hội. Nếu việc giáo dục Phật Pháp được lồng ghép vào các tổ chức xã hội ngày càng nhiều hơn thì xã hội tương lai sẽ bớt đi rất nhiều những cảnh cha con giết nhau, anh em vợ chồng giết nhau hay những vụ giết người vì tình như vụ án trên.
Ngũ Uẩn