.
.

Hà Nội: Lễ khai pháp PL2562 tại trường hạ Bồ Đề


Thực hiện tinh thần thông tư của TW Giáo hội và công văn hướng dẫn của BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 2018 (nhằm ngày 23 tháng 04 năm Mậu Tuất), tại Tổ đình chùa Bồ Đề – phường Bồ Đề – quận Long Biên – Hà Nội, toàn thể Tăng Ni, quận Long Biên và huyện Gia Lâm đã long trọng tổ chức lễ Khai pháp an cư kết hạ PL2562 – DL2018.

Về chứng minh và chủ trì buổi giảng Pháp đầu tiên có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội, Thủ tọa của trường hạ và 137 hành giả Tăng Ni cùng đông đảo Phật tử đã trang nghiêm làm lễ Khai pháp.

Đúng 6 giờ, ba hồi chuông trống thượng đường được thỉnh lên, chư tôn đức trong ban kinh sư đã trang nghiêm lên trước Đại hùng bảo điện làm lễ cúng dường Tam bảo và trở về Tổ đường cúng dàng lịch đại tổ sư.

Đúng 7h00, toàn thể chư tôn đức Tăng Ni hạ trường vân tập về Đại Hùng Bảo Điện làm lễ cầu gia bị, sau đó trở về giảng đường bắt đầu nghi thức khai pháp. Tại đây, Hòa thượng thủ tọa cùng đại chúng đối trước Pháp tòa vọng bái Đức đệ tam Pháp chủ, ngôi đường chủ của Trường hạ, cũng là chủ pháp để cầu pháp ngài. Sau đó đại chúng đã ra làm lễ Hòa thượng thủ tọa và ban giảng sư để cung thỉnh ban giảng sư thùy từ hứa khả giảng pháp cho 3 tháng hạ an cư tại tổ đình Bồ Đề.

Tiếp theo, Hòa thượng thủ tọa cùng đại chúng đối trước Pháp tòa vọng bái Đức đệ tam Pháp chủ, ngôi đường chủ của Trường hạ, cũng là chủ pháp để cầu pháp ngài. Sau đó đại chúng đã ra làm lễ Hòa thượng thủ tọa và ban giảng sư để cung thỉnh ban giảng sư thùy từ hứa khả giảng pháp cho 3 tháng hạ an cư tại tổ đình Bồ Đề.

Điều đặc biệt, năm nay Phật giáo Hà Nội có tất cả 18 trường hạ an cư với hơn 1400 vị Tăng Ni, đều thống nhất tiền an cư (16/4 – 16/7 năm Mậu Tuất). Như vậy, tất cả các trường hạ đều làm lễ khai pháp vào ngày 23/4 và sẽ tạ pháp vào ngày 8/7, tự tứ vào ngày 14/7/Mậu Tuất. Tất cả các trường hạ đều giảng bộ “Từ Bi Đạo Tràng Lương Hoàng Sám Pháp” và “Kinh Dược Sư”.

Tại buổi lễ, Hòa thượng thủ tọa Thích Bảo Nghiêm đã chia sẻ cho đại chúng hiểu về tầm quan trọng của việc an cư kết hạ đối với người đệ tử xuất gia, đồng thời giảng giải cho đại chúng hiểu về nội dung tóm tắt của bộ “Từ Bi Đạo Tràng Lương Hoàng Sám Pháp”.

Phép hạ an cư được truyền trì bởi các bậc Tổ sư, đặc biệt Phật giáo phía bắc bao đời nay đều thực hành phép an cư tập trung. Cứ mùa hạ, chư tôn đức tăng ni trở về một Tổ đình trú xứ kết giới cấm túc an cư, hoặc 3 tháng tiền an cư từ 16/4 đến 16/7, hoặc 3 tháng hậu an cư từ 16/5 đến 16/8. Trong 3 tháng an cư đó có 2 nhiệm vụ tu Phúc và tu Tuệ. Tu Phúc là hàng ngày chư tôn đức Tăng Ni tòng tăng an cư, đều ngày đêm 6 thời chuyên tâm tu tập và làm các việc thiện phụng sự Tam Bảo. Tu Tuệ là khai giảng vô thượng Pháp Bảo là Kinh tạng – Luật tạng – Luận tạng để tuyên dương chính pháp, ngõ hầu chư tôn đức Tăng Ni nương vào Tam Tạng Thánh Giáo để tu học tam vô lậu học, phúc tuệ song tu là người Phật tử bước theo chân Phật. Truyền thống đó được truyền trì trong các trường hạ an cư, và cứ mỗi năm trường an cư của các tỉnh thành đều chọn một bộ trong Tam Tạng Thánh Giáo để giảng nhưng thông thường buổi sáng giảng đại trường (giảng cho tất cả thiền gia thất chúng được nghe), còn giảng Luật tạng riêng cho giới xuất gia thì giảng tiểu trường. Trường hạ Phật giáo Hà Nội cũng tuân theo quy củ thiền gia đó, hàng năm ban chức sự đều về đỉnh lễ Đức Đệ Tam Pháp Chủ để cầu xin Ngài chỉ thị giảng sách mùa hạ an cư năm đó. Năm nay, Ngài dạy cho Tăng Ni Phật giáo Hà Nội đọc bộ Lương Hoàng Sám và bộ Kinh Dược Sư.

Qua đó, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã giới thiệu cho đại chúng về bộ Lương Hoàng Sám – thuộc về Luận tạng. Đây là phép sám hối, chứ không phải kinh Lương Hoàng. Kinh tạng là kim khẩu Đức Phật nói ra, hoặc là Ngài ủy thác cho các vị đại đệ tử nói, được Đức Phật ấn chứng. Luật tạng thì chỉ duy nhất có Đức Phật chế. Để hiểu rõ kinh tạng và luật tạng, các bậc tổ sư cũng như các bậc cao thiền thạc đức, các bậc trí giả chú giải lại, kết tập thành bộ Luận tạng. Lời nói đầu (bài tựa) của bộ Lương Hoàng Sám giới thiệu tóm tắt toàn bộ nội dung, ý nghĩa của bộ đó, và bao giờ cũng được giảng đầu tiên để mọi người nương vào sự tóm tắt đó lần lượt học theo nội dung.

Bộ Lương Hoàng Sám có tên là “Từ Bi Đạo Tràng Lương Hoàng Sám Pháp”, có 3 ý “Từ Bi Đạo Tràng” – “Lương Hoàng” và “Sám Pháp”. Phép sám hối là một trong các phương pháp tu tập của người đệ tử Phật, sám hối là sám kì khiên hối kì quá (sám hối tội lỗi gây ra và ăn năn hối hận, nguyện xin chừa bỏ không bao giờ lặp lại). Sám hối ở đây là sám hối 3 nghiệp và 6 căn kết hợp với nhau tạo nên tội từ bao đời bao kiếp cho đến ngày nay, tội gây ra do tự mình trực tiếp gây nên tội hoặc xui bảo người khác làm nên tội, hoặc thấy người khác làm nên tội mà đồng lòng tùy hỷ theo. Do đó, trong Bộ Thủy Sám, Tổ đã viết “hà nhân vô tội, hà giả vô khiên”, nghĩa là phàm đã là thân người thì ai dám nói mình không có tội, ai dám chắc mình không có lỗi. Sám hối có 3 phép, thứ nhất là nương vào vị hòa thượng đại tăng, cao thiền thạc đức để giãi bày sám hối (đối thú sám hối); thứ hai là người nào biết mình có tội lỗi nhưng ở nơi đó không có người xuất gia cao thiền thạc đức thì đối trước tượng Phật, Bồ Tát ngày đêm chí thành sám hối, bao giờ thấy hảo tướng xuất hiện thì phép sám trừ được thanh tịnh (thủ tướng sám hối); thứ ba là phép sám tối thượng của các bậc thượng căn thượng chí, hàng ngày hàng đêm hàng giờ tự bản thân biết tội do tâm tạo nên thì cũng do tâm diệt đi, quán pháp tất cả tội tính vốn không sinh không diệt không tăng không giảm (vô sinh sám). Hàng ngày, Tăng Ni và Phật tử nương vào phép thứ hai để sám hối qua nghi thức tụng kinh sám hối mỗi thời khóa. Sám hối đó để mình luôn biết rằng, tội lỗi đều do 3 nghiệp gây ra, không ngày nào là không có, nhưng chúng ta phải hàng ngày hàng giờ chú tâm tỉnh giác, ăn năn lỗi trước và nguyện không tái phạm lỗi nữa. Nếu ta không biết sám hối, nghiệp và tội sẽ đeo bám và theo chúng ta trong bao đời bao kiếp như Ngài Ngộ Đạt Quốc Sư mà còn phải trả oán thù Quan viên án và chuyện Tiều Thố của 10 đời trước. Phép sám hối không phải chỉ cho mình mình, mà sám hối cho cả mọi người, sám hối vì tất cả pháp giới chúng sinh. 

Từ Bi trong lời Phật dạy tức là mang lại niềm vui và thương xót tất cả mọi người. Bộ Lương Hoàng này đáp ứng được 2 mặt Từ và Bi đó. Đạo Tràng tức là nơi tu tập. Còn Lương Hoàng, chữ Lương tức là đời nhà Lương, Hoàng tức là vị vua. Bản sám hối này vốn xuất xứ dưới thời vua nhà Lương – một vị vua bên Trung Hoa thời Nam Bắc Triều. Lúc đó, đất nước Trung Hoa chia làm 2 giai đoạn, thời kỳ Nam Triều và thời kỳ Bắc Triều vào thế kỷ thứ 5 và thế kỷ thứ 6 tây lịch. Bên Nam Triều có nhà Tống, Tề, Lương Trần. Nhà Lương nằm trong Nam Triều này. Dưới nhà Lương có vua Vũ Đế – vốn tên là Tiêu Diễn. Lịch sử Trung Hoa ghi lại rằng hai vị vua thọ nhất trong các triều đại Trung Hoa đó là vua Càn Long đời nhà Thanh và vua Vũ Đế. Vị vua này cũng được nhắc tới trong Phật giáo Trung Hoa. Việt Nam chúng ta tự hào về vị vua anh minh được tôn làm Phật hoàng là Đức Giác Hoàng Điều Ngự Phật Hoàng Nhân Tông. Trung Hoa cũng tôn vinh vua Vũ Đế nhà Lương bởi trong suốt hơn 40 năm trị vì đất nước đã mở ra một thời đại thịnh vượng, ổn định, phát triển nhất của Nam Triều. Nhưng hơn hết, ông cũng được nhắc đến như một vị Phật tử thuần thành. Trong lịch sử ghi lại rằng lúc đầu ông theo Đạo Nho, nhưng lại tôn sùng Đạo Giáo. Nhưng khi ông được các bậc cao tăng đương thời giảng giải Phật pháp cho nghe, thì ông ngộ đạo và đã làm lễ “xả đạo quy Phật”. Trong cuộc đời ông từ lúc làm lễ “xả đạo quy Phật” đã rất chăm lo cho đời sống của nhân dân, xây dựng đất nước, làm tròn bổn phận của một vị hoàng đế, nhưng mặt khác ông luôn nghiên cứu học hỏi kinh điển, tam tạng thánh giáo, mời các bậc cao tăng thạc đức vào trong cung hàng ngày để giảng dạy cho ông. Trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa còn ghi lại rằng, ông giỏi đến độ có thể giảng được Kinh Bát Nhã và giảng được Kinh Niết Bàn ở chùa Đồng Thái (một trong hai ngôi chùa được ông lập ra để làm nơi tu tập). Đặc biệt, trong cuộc đời hơn 40 năm trị vì của vua Vũ Đế có 4 lần ông xả tục xuất gia. Có lần ông tạm thời ngưng việc triều đình để vào chùa “xả tục xuất gia”, làm những việc như một vị Tăng, nhưng dài nhất chỉ được 21 ngày. Việc làm thành công nhất của ông đối với đạo Phật đó chính là khuyên răn ăn chay và xóa bỏ lễ tế tự bằng động vật. Còn ở Việt Nam, sau khi hoàn thành trách nhiệm của một vị hoàng đế, cầm quân chiến đấu đánh đuổi lại quân Nguyên Mông – một đế quốc mạnh nhất đương thời, xây dựng đất nước cường thịnh, mở mang bờ cõi, vua Trần Nhân Tông 15 năm ở ngai vàng, 5 năm làm Thái Thượng Hoàng để dạy con, sau đó Ngài đã đi xuất gia hoàn toàn, là người đầu tiên thống nhất Phật giáo trên đất nước Việt Nam. 

Vua Lương Vũ Đế bên Trung Hoa có một bà Hoàng hậu tên là Hy Thị. Vì được vua yêu quý nên bà thường kiêu ngạo và đố kỵ với tất cả mọi người trong cung. Bà thường hay ganh tị với các cung phi, độc ác với mọi người và phỉ báng Tam Bảo. Sau bà bệnh nặng, các lương y đều thúc thủ, bà đành phải lìa trần …Một hôm vào lúc đêm khuya, đang ngồi trong cung tịch mịch, vua Vũ Đế nghe có tiếng người kêu rên thảm thiết ở bên ngoài khung cửa. Dưới ánh đèn mờ, vua chợt thấy lạnh cả người, vừa sợ vừa lên tiếng hỏi :”Ai vậy?”… Ngoài cửa có một giọng đáp lại :”Thưa Chàng! Thiếp đây mà!”… Vua giật mình hỏi :”Đêm hôm khuya khoắt thế này sao Hoàng hậu lại vào đây được?”. Hy Thị trả lời :”Chàng ơi! Thiếp bây giờ không còn là người nữa, mà hóa kiếp làm thân con mãng xà. Ngày đêm đau khổ, thân thể tanh hôi, vi vảy đều bị sâu trùng rúc rỉa, nhức nhối không thể chịu được. Có lẽ trước kia thiếp đã gây tạo quá nhiều nghiệp ác nên bây giờ mới đọa làm loài bò sát! Nhớ lại tình cầm sắt xưa kia nên thiếp mới quay trở về đây mong nhờ chàng tìm phương cứu giúp!”… Nói rồi con mãng xà liền biến mất …Vua Vũ Đế nghe xong như bừng tỉnh cơn ác mộng, ruột đau như cắt. Hôm sau, khi lâm triều vua kể lại câu chuyện ấy cho bá quan nghe để tìm phương cứu giúp Hy Thị. Trong số các quan có người đề nghị: Xin cung thỉnh Hòa thượng Chí Công lo việc này. Vua Lương Vũ Đế ưng thuận ngay và rất vui mừng … Hòa thượng Chí Công là một cao tăng đắc đạo và có uy tín đương thời, thể theo lời thỉnh cầu của nhà vua và toàn thể bá quan trong triều, Ngài liền triệu tập các danh tăng soạn ra bộ Lương Hoàng Sám và lập đàn tràng làm lễ sám hối cho hoàng hậu Hy Thị. Cho nên nhân vật thứ 3 làm ra bộ sám này là Ngài Chí Công – một vị cao tăng lúc đó, nhưng hiện nay thông tin về Ngài còn rất ít. 

Tóm lại, bộ này gồm có 10 quyển chia ra làm 40 chương, trong đó từ chương 1 đến chương 14 dạy cho phép từ bi sám hối, sám hối cho mình và cho người, nhưng đầu tiên trong phép sám này là phải quy ngưỡng Tam Bảo. Cho nên chương đầu tiên, phép sám đầu tiên chính là quy y Tam Bảo. Từ chương 14 đến chương thứ 37 là vị tha, đạo Phật bao giờ cũng tự giác – giác tha để giác hạnh viên mãn. Chương 37 chính là hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sinh. Chương 40 là chương chúc lũy, tức là nhớ lại lời Phật dạy để cùng nhau tu tập.

Hòa thượng nhấn mạnh “Tôi giải nghĩa về Từ Bi Đạo Tràng Lương Hoàng Sám Pháp này để chúng ta hiểu được, chúng ta đang ở trong Từ Bi Đạo Tràng nơi đây để thành tâm sám hối, cầu nguyện và hối hướng cho bản thân ta và cha mẹ, tông thân quyến thuộc, sư trưởng phụ mẫu, cho khắp pháp giới chúng sinh. Chúng ta đọc sẽ thấy từng chương một là sám hối và giãi bày tội lỗi từng người”.

Sau cùng, Hòa thượng mong muốn rằng “các bậc tăng ni chúng ta tu hành điều đầu tiên cần phải xả đó chính là xả luyến ái, bởi người xuất gia là phải cắt ái từ thân, đừng luyến tiếc điều gì, đừng tham chấp và đắm đuối vào điều gì. Các Phật tử chúng ta cũng phải buông bỏ muôn duyên một lòng niệm Phật, hãy tha thứ bao dung, đừng oán hận ai. Oán hận và luyến ái là hai thứ các Phật tử dù xuất gia hay tại gia đều phải nhớ buông bỏ thì cuộc sống mới giải thoát”.

Sau đây là 1 số hình ảnh ghi nhận được tại buổi lễ: