.
.

Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới


Bộ sách bạn đang cầm trên tay là một món quà đặc biệt quan trọng – hay nói cách khác là một sự trao truyền – từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh trao tặng vào giai đoạn chín muồi của một nhân cách vĩ đại. Bạn sẽ thấy rằng nó là kết tinh tình thương sâu sắc của Thiền sư đối với những người trẻ và sự mong mỏi không ngừng về một nền giáo dục bồi dưỡng tài và đức cho các thế hệ mai sau. 


 

Ở mỗi trang, bạn có thể cảm được sự tôn vinh dành cho những con người đang thực hiện sứ mệnh này, thường là âm thầm không ai biết và khối lượng công việc khổng lồ mà họ gánh vác từng ngày nhằm phục vụ cho công cuộc kiến tạo, chuyển hóa và hàn gắn thế giới của chúng ta từ dưới lên, từ thế hệ này sang thế hệ khác – đó là những người thầy, người cô.

Đây cũng đồng thời là tác phẩm được kết tinh từ sự cộng tác đầy cảm hứng với giáo sư Katherine Weare, một nhà giáo dục và cũng là một giáo viên về chánh niệm, người đã có nhiều năm nghiên cứu những tác động của thực tập chánh niệm trong môi trường học đường và đội ngũ các cây bút cố vấn, những học trò lớn của Thiền sư từ Làng Mai. Cùng nhau họ đã thiết kế một cẩm nang thiền tập mang tính đa diện và rất dễ sử dụng, để giúp các thầy cô giáo có thể đem chánh niệm vào lớp học cũng như vào đời sống của chính mình bằng nhiều hình thức. Thực tập chánh niệm có thể giúp người học ở mọi lứa tuổi điều chỉnh công cụ học tập của mình. Điều đó có nghĩa là toàn bộ con người của họ – cơ thể, tâm trí, trái tim và não bộ cũng như các mối quan hệ giữa họ với tư cách là những người học, vì vậy khía cạnh xã hội/môi trường cũng rất quan trọng để đạt kết quả học hỏi và tìm tòi tốt nhất.

Điều cốt yếu là phải nuôi dưỡng chính khả năng tập trung chú ý. Thầy cô cần các em tập trung và tìm tòi với sự sáng suốt để thấy được cái gì là quan trọng nhất. Việc chú trọng phát triển khả năng này trở thành một kỹ năng là điều thật sự hữu ích. Kỹ năng này có thể khơi dậy và duy trì trí tò mò cùng niềm đam mê học hỏi suốt đời, cũng như giúp cho người học nắm bắt một cách hiệu quả và hiểu sâu bất cứ bài học cụ thể nào.

Ngày càng có nhiều giáo viên trên khắp thế giới nhận thấy điều này… Vì sao không dạy các em làm thế nào để tập trung và lắng nghe sâu, thay vì chỉ đòi hỏi các em phải tập trung như thường thấy trong lớp học khi bản thân các thầy cô lại bị căng thẳng quá mức? Phương pháp thực tập chánh niệm được đưa ra trong bộ sách này là con đường phát triển khả năng đó một cách tự nhiên. Điều cốt yếu của sự thực tập chánh niệm là sự chú tâm, nhận diện, tìm tòi, khám phá và làm phát khởi cái thấy sâu sắc bằng sự có mặt cẩn trọng, đầy tình thương.

Thực tập lắng nghe và nhìn sâu gắn liền với việc học cách tiếp nhận những tri giác và kinh nghiệm của bản thân. Những hoạt động này khơi dậy trí tưởng tượng và óc sáng tạo, giúp chúng ta lột bỏ những lớp vỏ bên ngoài và làm hiển lộ những gì đang thực sự diễn ra ở bên dưới. Đi đôi với các kỹ năng xã hội thiết yếu được trau dồi trong quá trình thực tập chánh niệm, sự thực tập lắng nghe và nhìn sâu giúp chúng ta có thể mở lòng chia sẻ cả những giây phút đầy tuệ giác cũng như những giây phút khó khăn với các đồng nghiệp hoặc học sinh của mình.

Tỉnh thức (chánh niệm) là một khả năng tự nhiên của con người mà trong môi trường giáo dục có lẽ chưa được chú trọng bằng khả năng tư duy. Như các tác giả đã chỉ ra và trích dẫn trong bộ sách này, có một nền tảng chứng cứ khoa học ngày càng phát triển mạnh mẽ cho thấy hiệu quả của việc rèn luyện các năng lực căn bản của tâm thức (tất cả các giác quan và chính sự nhận thức, cũng như các cảm xúc về tình thương, lòng từ bi), thậm chí ngay từ tuổi nhỏ, để chúng có thể vừa thúc đẩy khả năng học tập tối ưu vừa kích thích sự tò mò không ngừng về bản thân cuộc sống.

Nhà trường phổ thông và đại học từ lâu đã nhận ra được tầm quan trọng của giáo dục thể chất, bởi ai cũng biết lợi ích của việc vận động và tập luyện thể lực từ thuở nhỏ cho đến suốt cuộc đời. Tuy nhiên mọi người đều hiểu rằng nếu chỉ có nói và nghĩ về chuyện vận động hay tập luyện thì không đủ. Phải thực sự vận động cơ thể và tập luyện cơ xương khớp hằng ngày thì những lợi ích thực sự mới có thể tích lũy dần và trải nghiệm được. Giáo dục thể chất và thể thao cũng giúp ta giảm căng thẳng khi phải tập trung hoạt động trí óc quá mức trong khoảng thời gian quá dài và cho phép học sinh, sinh viên có cơ hội phục hồi sự cân bằng giữa thể lực và trí óc.

Tương tự như vậy, việc thực tập chánh niệm trong trường học có thể được xem như một hình thức rèn luyện trí óc hay giáo dục trí óc để những “cơ bắp” chánh niệm được thức tỉnh, đào luyện và củng cố thông qua sự thực hành chánh niệm một cách liên tục.

Thế giới đang thay đổi quá nhanh đến nỗi chúng ta không thực sự biết được nền tảng tri thức và kỹ năng nào sẽ là quan trọng nhất mà các thế hệ kế cận cần phải trau dồi. Nhưng điều mà chúng ta có thể biết chắc là muốn sáng tạo, yêu nghề, thích nghi với thời đại kỹ thuật số và học hỏi suốt đời thì người trẻ ở lứa tuổi nào cũng cần phải phát triển kỹ năng sống với giây phút hiện tại. Điều này bao gồm kỹ năng làm bạn với chính mình, tin tưởng những trải nghiệm trong nội tâm và học cách làm chủ môi trường bên trong, gồm thân và tâm của mình, cũng như biết cách thích nghi với môi trường học tập bên ngoài khi tương tác với những người khác. Đánh thức khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của bản thân trong suốt cuộc đời theo cách thức này là một yếu tố quan trọng dẫn tới thành công và hạnh phúc như tiêu đề của bộ sách.

Một trong những nguyên tắc chính ở đây là các thầy cô giáo cần thực tập chánh niệm trong đời sống của chính mình trước khi có thể đưa nó vào lớp học một cách hiệu quả. Nếu bạn làm nghề giáo và mới biết đến phương pháp chánh niệm, bộ sách này sẽ hướng dẫn hết sức chi tiết cách bạn thực tập cho chính mình, cũng như cách bạn có thể đưa nó vào lớp học theo cách riêng của mình để giúp học sinh phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần, biết cách chăm sóc cảm xúc và có niềm vui trong khi học.

Cần lưu ý rằng không có một phương pháp nào là phù hợp cho mọi hoàn cảnh. Cái hay của cách nhìn này là cho bạn một loạt các lựa chọn để thử nghiệm và trên hết là nhắc bạn nhớ rằng chính sự sáng tạo của riêng bạn, được nuôi dưỡng bởi sự thực tập chánh niệm, sẽ mang đến muôn vàn những cơ hội mới và đầy thú vị. Nói một cách thực tế thì học trò của bạn sẽ là người giúp khơi mở nguồn tuệ giác đó trong bạn. Các em chính là những người thầy chánh niệm vĩ đại nhất của bạn.

Điểm hay của phương thức tiếp cận này là nó có thể bắt nguồn từ tình yêu nghề và tấm lòng mong mỏi học trò tiến bộ, được ấp ủ và truyền đạt bởi chính trực giác và kinh nghiệm thực tiễn của bạn; tất cả những điều này đều dựa vào công phu thực tập trong từng thời khắc của bạn.

Trân quý gửi tới các bạn sách quý cùng những chia sẻ từ Thầy Thích Nhất Hạnh!

Hà Nga