.
.

Việc làm tưởng chừng đơn giản, lại có thể giúp một người cải tử hoàn sinh


Trong các việc làm phước thiện thì biên chép và ấn tống kinh điển luôn được khuyến khích và ca ngợi. Thời xưa, khi các phương tiện ấn loát còn thô sơ thì chép tay kinh sách là hình thức phổ biến, cũng mang đến công đức không ngờ.


sát sinh, kinh điển, công đức,

Người có thể sao chép Kinh Phật sẽ tích được công đức vô lượng. (Ảnh: Pinterest)

Vào triều nhà Đường có một người tên là Lý Khâu Nhất, ông thường rất thích dắt chó và chim ưng đi săn. Năm Vạn Tuế Thông Thiên (696 – 697), khi đó Lý đang đảm nhận chức huyện lệnh Dương Châu, bỗng nhiên gặp bạo bệnh rồi qua đời.

Lý Khâu Nhất trông thấy có hai người đến bắt mình mang đi, một người tự xưng là họ Đoàn. Trong nhóm cùng bị bắt đi khi đó có đến hơn một trăm người, nam thì mang gông, nữ thì bị dây thừng chói chặt tay. Lý bị đeo gông đi ở phía trước.

Đoàn người đi chừng hơn 10 dặm, thì đến một nơi có rất nhiều cây hòe lớn, phía dưới còn có chuồng ngựa. Người họ Đoàn nói: “Năm đạo đại thần mỗi khi tuần tra sự tình thiện ác tại nhân gian, đều dừng ngựa nghỉ chân tại chốn này”.

Lý Khâu Nhất nghe xong, mới biết được mình đã chết rồi, hiện tại là đang bị áp tải.

Khi đi tới cửa lớn của điện Diêm Vương, họ Đoàn chỉ vào một tiểu quan lại, nói với Lý Khâu Nhất: “Người này họ Tiêu tên Sách, là người chưởng quản việc phán xét tội trạng của ông”. Sau đó, Lý Khâu Nhất bị dẫn đến trước mặt Diêm Vương.

Diêm Vương trách tội Lý Khâu Nhất: “Ngươi là kẻ tàn nhẫn vô tình, dám tàn sát sinh linh, lại còn cho đó là thú vui”. Một lát sau, Lý Khâu Nhất thấy những con chim, con thú mà đã từng bị mình giết chết đều dùng ngôn ngữ của con người mà lên tiếng: “Thỉnh cầu Diêm Vương hãy nhanh chóng xử lý hắn”.

Lúc này, Tiêu Sách tiến lên nói: “Lý Khâu Nhất vẫn chưa đáng chết”.

Diêm Vương thấy lạ, bèn hỏi Khâu Nhất: “Ngươi khi còn sống đã từng lập được công đức gì?”

Lý Khâu Nhất đáp: “Tôi chỉ là đã từng sao chép và đóng thành sách một quyển kinh Kim Cang”.

Diêm Vương liền hợp thập nói: “Âm phủ coi kinh Kim Cang là công đức bậc nhất, ngươi có thể viết nó, hẳn là công đức không nhỏ”.

sát sinh, kinh điển, công đức,

Làm việc thiện ác trên đời đều được ghi chép cẩn thận, không bao giờ sai lạc. (Ảnh: Fortresspress)

Nói rồi liền lệnh cho Tiêu Sách đưa Lý Khâu Nhất đến lầu kinh tạng để đối chiếu sự thật. Bọn họ đi vào một tòa bảo điện, các loại kinh sách được chất thành từng đống. Lý Khâu Nhất tiện tay rút một quyển, thì đúng là quyển kinh Kim Cang mà ông đã từng biên tạo.

Bọn họ trở về gặp Diêm Vương. Diêm Vương biết việc biên tạo kinh sách là có thật, liền cho gọi những cầm thú đã bị sát hại tới, nói Lý Khâu Nhất hãy khẩn cầu bọn họ tha thứ, hứa rằng sẽ vì họ mà tạo công đức.

Lý Khâu Nhất y theo mệnh lệnh của Diêm Vương, nguyện vì những cầm thú bị giết kia mà biên tạo 100 quyển kinh Kim Cang. Chúng cầm thú nghe vậy liền vui vẻ giải tán ngay lập tức.

Diêm Vương nói với Tiêu Sách: “Hiện tại có thể thả hắn ta đi được rồi”. Tiêu Sách đưa Lý Khâu Nhất ra khỏi cổng thành, nói: “Ta vì ngươi như vậy đã là tận sức rồi, ngươi lẽ nào không muốn báo đáp sao?”

Lý Khâu Nhất liền hứa sẽ cho Tiêu Sách 300 quan tiền. Tiêu Sách nói không cần:“Ba trăm quan tiền chi bằng biên tạo cho ta 20 bộ kinh Kim Cang còn hơn”. Lý Khâu Nhất liền đồng ý.

Bọn họ đi đến một cái hố lớn, Tiêu Sách liền đẩy Lý Khâu Nhất xuống đó, họ Lý liền sống lại, thấy mình đang ở trong quan tài, chung quanh chỉ nghe thấy tiếng kêu khóc, bởi ông đã chết ba ngày rồi. Ông lớn tiếng kêu lên, mọi người nghe thấy liền mở nắp quan tài, đưa ông ra ngoài.

Mười ngày sau, ông đã viết xong 20 bản kinh Kim Cang. Tiêu Sách vô cùng biết ơn, nán lại nói rất nhiều lời hữu ích rồi mới rời đi. Ông cũng nhanh chóng hoàn tất 100 bản kinh Kim Cang dành cho đám chim thú mà ông đã sát hại.

Thứ sử Dương Châu sau đó đã đem câu chuyện của Lý Khâu Nhất tấu lên triều đình. Triều đình vì cổ vũ mọi người hướng thiện, kính Phật, đã hạ chỉ ban cho Lý Khâu Nhất chức quan ngũ phẩm, gọi là Gia Châu chiêu thảo sử. Đây đều là công đức từ việc sao chép Kinh Kim Cang mà được.

Trích trong “Thái Bình quảng ký”.

Tuệ Tâm