.
.

Khi cả hư không cùng niệm Phật với mình


Theo giáo điển Tịnh tông, đạt đến Niệm Phật tam muội thì chắc chắn thành tựu vãng sinh. Tuy nhiên, trong đại định thâm sâu của Niệm Phật tam muội, hành giả có cơ duyên sẽ bùng vỡ tuệ giác thể nhập Tự tính Di Đà (Chơn tâm, Phật tính hiện tiền), chứng ngộ giải thoát, an lạc, Niết-bàn ngay trong hiện tại.

HỎI:

Tôi nghe một người bạn tu theo pháp môn Niệm Phật nói rằng: Người tu theo pháp môn Niệm Phật đạt trình độ cao là nghe cả hư không cùng niệm Phật với mình. Tôi băn khoăn vì những kinh sách của lịch đại Tổ sư Tịnh tông mà tôi có dịp đọc không thấy diễn đạt cảnh giới này.

Tôi chỉ nghe HT.Thích Trí Tịnh nói là: Cố gắng đạt Bất niệm tự niệm để làm nhân cho Niệm Phật tam muội. Bất niệm tự niệm là công phu niệm Phật đến thuần thục, nó là cái ‘trớn’ làm cho tâm mình luôn niệm Phật mà không cần tác ý. Tôi suy nghĩ có thể vì công phu tu tập của mình còn kém nên không phát biểu gì về ý kiến trên. Mong được quý Báo chia sẻ rõ hơn.

(THÀNH TÂM, [email protected])

ĐÁP:

Bạn Thành Tâm thân mến!

Tổng quan lộ trình tu tập của một hành giả Tịnh tông, niệm danh hiệu Phật cầu vãng sinh Tịnh độ bao gồm chánh hạnh và trợ hạnh. Trợ hạnh là làm tất cả các hạnh lành, tu vô lượng thiện pháp để tích công bồi đức. Chánh hạnh là niệm hồng danh Phật A Di Đà (sáu chữ hoặc bốn chữ) theo lộ trình căn bản: Từ niệm danh hiệu Phật đến Nhập tâm, đến Bất niệm tự niệm, rồi đến Niệm Phật tam muội (Nhất tâm bất loạn), cho đến thể nhập Tự tánh Di Đà (giác ngộ, giải thoát).

Khởi sự công phu, hành giả niệm Nam-mô A Di Đà Phật hay A Di Đà Phật. Tập trung tâm ý vào Phật hiệu, duy trì chánh niệm với Phật hiệu càng nhiều càng tốt. Quá trình huân tu niệm Phật trải qua thời gian dài, tùy theo duyên nghiệp, tùy thuộc thiện căn và sự tinh tấn của mỗi người mà dần đạt đến Nhập tâm.

Nhập tâm là trạng thái tự nơi tâm mình bỗng nhiên nghe tiếng niệm Phật. Thoạt đầu, hành giả ngỡ rằng tiếng niệm Phật này ở bên ngoài hoặc do ký ức mình đã từng lưu giữ nhờ nghe ở đâu đó nhưng sau khi thẩm sát liền biết rõ tiếng Phật hiệu lưu xuất từ tâm. Tiếng Phật hiệu này khi biểu hiện có thể mạnh hoặc yếu, tồn tại lâu hoặc mau, biên độ rộng hoặc hẹp, giai điệu của mình hoặc người khác… đồng thời tạo ra một hiệu ứng định tĩnh, an lạc bao trùm khắp thân tâm.

Nhập tâm đến độ ‘nghe cả hư không cùng niệm Phật với mình’ là một tín hiệu tốt, tiến bộ tâm linh đáng khích lệ nhưng chưa phải là ‘đạt trình độ cao’ trong lộ trình tu Niệm Phật. Bởi lẽ thực chất tiếng niệm Phật này vốn lưu xuất từ nơi tâm, do các hạt giống niệm Phật đã huân tập trước đó tùy duyên mà biểu hiện ra, nó làm tiền đề cho Bất niệm tự niệm. Nếu không biết nuôi dưỡng và hướng đến Bất niệm tự niệm thì trạng thái Nhập tâm sẽ mai một, hành giả không còn nghe tiếng niệm Phật ấy nữa.

Người tu niệm Phật khi bước vào giai đoạn Nhập tâm thì chỉ ghi nhận, hoan hỷ với thành tựu bước đầu nhưng không tự mãn. Tiếp tục phát huy sự tinh tấn niệm Phật cho đến giai đoạn Bất niệm tự niệm. Bất niệm tự niệm là trạng thái không cần phải tác ý niệm Phật, không cần dụng công khởi niệm và duy trì chánh niệm nhưng trong tâm vẫn cứ niệm Phật tương tục không gián đoạn.

Từ Bất niệm tự niệm, hành giả cần dụng công nhiều hơn nữa để chứng đạt Nhất tâm. Tịnh tọa, chú tâm, lắng nghe tiếng niệm Phật của tự tánh chính là công phu của hành giả. Dùng tâm rỗng rang thanh tịnh lắng nghe từng tiếng, từng câu niệm Phật của tự tánh cho đến khi tiếng niệm Phật đông đặc thành khối, kiên trì lâu ngày như vậy sẽ thành tựu Niệm Phật tam muội hay chứng đạt Nhất tâm bất loạn.

Theo giáo điển Tịnh tông, đạt đến Niệm Phật tam muội thì chắc chắn thành tựu vãng sinh. Tuy nhiên, trong đại định thâm sâu của Niệm Phật tam muội, hành giả có cơ duyên sẽ bùng vỡ tuệ giác thể nhập Tự tính Di Đà (Chơn tâm, Phật tính hiện tiền), chứng ngộ giải thoát, an lạc, Niết-bàn ngay trong hiện tại.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn: Giacngo.vn