.
.

Đau lòng với những nhãn hiệu nhang in hình Phật, Bồ tát


Theo khảo sát của chúng tôi, ngoài những cơ sở sản xuất “chui” còn lại những cơ sở khác chuyên sản xuất hương đốt dùng nhãn hiệu với hình Phật, Bồ tát có cơ sở pháp nhân, pháp lý rất rõ ràng được in trên bao bì. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi có sự kiến nghị, can thiệp một cách kiên quyết của Giáo hội với nhà nước; với cơ quan chứng nhận, cấp phép đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và với các cơ sở sản xuất.

HỎI :

Là những người con Phật, chúng tôi rất buồn khi hiện nay có khá nhiều nhà sản xuất nhang (hương đốt) sử dụng hình ảnh Phật và Bồ tát làm nhãn hiệu cho sản phẩm. Đau lòng hơn, khi thấy những Phật tử đến chùa hoặc tại tư gia thắp nhang để lễ bái và cầu nguyện thì những nhãn hiệu có hình ảnh Phật, Bồ tát bị vất bỏ ra đất, bị giẫm đạp thật thương tâm và tội lỗi. Để tránh sự suy giảm phước đức vì tội vô tình hủy báng, giẫm đạp “tôn tượng” đồng thời giữ trọn niềm tôn kính Phật và Bồ tát, chúng tôi kính mong chia sẻ một giải pháp khả thi để khắc phục tình trạng này.

ĐÁP :

Vấn đề hình ảnh Phật, Bồ tát bị lạm dụng làm nhãn hiệu hàng hóa (nhang, đèn, thực phẩm chay…) và bị chính những người con Phật đi chùa đốt nhang vô tình hủy phạm thật đáng để chúng ta trăn trở, ưu tư và tìm cách khắc phục.

Tất cả mọi người ai cũng biết rằng tôn tượng, hình ảnh Phật, Bồ tát là đối tượng kính thờ, rất thiêng liêng và bất khả xâm phạm của tăng tín đồ Phật giáo. Tôn kính, lễ bái, bảo vệ hình, tranh, tượng Phật, Bồ tát là trách nhiệm và bổn phận của mỗi người con Phật.

Trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng có khá nhiều người đốt hương lễ Phật rồi xả bỏ nhãn hiệu, bao bì các loại hương đèn có in hình Phật, Bồ tát ra nền đất, bị những người vô ý giẫm đạp là chuyện có thật. Nhất là vào những dịp Tết và các ngày lễ lớn, người đốt hương tấp nập thì thực trạng này lại càng nghiêm trọng hơn. Dù các hình ảnh Phật và Bồ tát ở đây chỉ là nhãn hiệu và bao bì của hàng hóa nhưng nếu bất cứ ai dù vô tình dẫm đạp lên cũng bị tổn giảm phước đức.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, biện pháp khả thi trước mắt là mỗi chùa phải thực sự lưu tâm, trực tiếp giáo dục, giảng dạy cho Phật tử ý thức tôn trọng, kính ngưỡng hình ảnh Phật, Bồ tát. Ở gia đình, khi đốt hương xong, người Phật tử phải đem hình Phật, Bồ tát cất giữ hoặc đốt cháy. Tuyệt đối không được đem bỏ vào sọt rác hoặc vứt bỏ bừa bãi. Khi Phật tử đến chùa thắp hương, để góp phần làm giảm thiểu và hướng đến chấm dứt việc hình ảnh Phật và Bồ tát bị quăng bỏ vung vãi, bị giẫm đạp nơi chùa mình bằng cách nhà chùa phải thiết lập một nơi riêng để Phật tử đốt nhang trước khi vào dâng hương lễ Phật. Chính tại nơi này, bên ngọn lửa là chiếc hộp (thùng) đựng bao bì, nhãn hiệu hương, kèm theo bảng hướng dẫn hoặc cử người trực tiếp hướng dẫn. Khi thùng đựng bao bì đầy, nhà chùa mang đi hỏa hóa (tìm một nơi thích hợp đốt cháy sạch sẽ). Chúng tôi nghĩ rằng, giải pháp này tuy có tính tạm thời nhưng nếu mỗi chùa đều nỗ lực thì sẽ giải quyết được tình trạng xúc phạm hình ảnh Phật, Bồ tát do việc thắp hương tấp nập gây ra.

Một vài chùa có sáng kiến khá hay góp phần giảm thiểu rất lớn tình trạng đã nêu bằng cách mua hương về phân thành những bó nhỏ, bọc giấy vàng hoặc đỏ, để trên kệ trước cửa chùa cùng với đèn và thùng rác. Phật tử đến chùa lúc nào cũng có nhang đèn sẵn sàng, chỉ “tuỳ hỉ” mà không cần mua hương bên ngoài. Với phương thức này, nếu những ai thiếu ý thức giữ gìn trang nghiêm nơi chùa tháp thì chỉ có giấy rác thuần tuý mà không hề có hình ảnh Phật và Bồ tát.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề thì phải hướng đến sự chấm dứt việc lạm dụng hình ảnh Phật, Bồ tát làm nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hóa. Theo khảo sát của chúng tôi, ngoài những cơ sở sản xuất “chui” còn lại những cơ sở khác chuyên sản xuất hương đốt dùng nhãn hiệu với hình Phật, Bồ tát có cơ sở pháp nhân, pháp lý rất rõ ràng được in trên bao bì. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi có sự kiến nghị, can thiệp một cách kiên quyết của Giáo hội với nhà nước; với cơ quan chứng nhận, cấp phép đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và với các cơ sở sản xuất.

Thiết nghĩ, ngăn chặn việc lạm dụng hình ảnh Phật, Bồ tát vì mục đích thương mại là điều tối cần và điều này chỉ duy nhất các cấp Giáo hội mới làm được. Trong khi chờ đợi sự can thiệp của Giáo hội, mỗi người con Phật, mỗi chùa có thể vận dụng các phương thức đã nêu hoặc tự tìm ra một giải pháp cho riêng mình để giảm thiểu đến ít nhất sự vô tình hủy phạm hình, ảnh Phật và Bồ tát đang phổ biến, làm tổn giảm phước đức và tổn thương lòng kính trọng đối với tất cả những người con Phật.

Quảng Tánh