.
.

Hiểu thế nào về câu: Ðại quỷ Vô thường không hẹn mà đến?


Những người tuy nói là tu hành nhưng không giữ giới thì không thể dự phần còn nếu phạm tội phỉ báng chính pháp, phạm 10 điều trọng thì cũng như người chẳng tu đều phải đọa vào địa ngục A Tỳ ngay tức khắc, khó có ngày ra nên nói: “Ðại quỷ vô thường không hẹn mà đến” là đạo lý này.


Các bạn đồng tu thân mến!

Muốn hiểu được lời Phật dạy ở trên chúng ta phải hiểu thế nào là vô thường đã. Vô thường là từ Hán ghép, gồm hai từ “vô” và “thường”. Vô nghĩa là không; thường là luôn luôn như vậy, vẫn là như vậy.

Như thế, vô thường là không bình thường, nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào không thể định trước được. Mọi thứ trên đời đều là vô thường, có sinh ra rồi phải có diệt vong. Ngay cả vũ trụ, trái đất, cho đến muôn loài cũng nằm trong quy luật này. Đó là quy luật bất biến.

Con người khi lâm chung thì tứ đại bị phân hủy và tan hoại, chỉ có thần thức là vẫn còn đó, nhưng cái khổ lại là do nghiệp dẫn mình đi, vì nghiệp mình làm mà vào các cảnh giới: Trời, A Tu La, Người, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh và nếu biết tu hành thì về cõi Phật.

Người ta có câu: “Sinh có hạn, tử bất kỳ” có nghĩa là sinh thì có ngày hẹn, còn chết thì bất kỳ lúc nào chẳng có hẹn chi. Già chết mà trẻ cũng chết. Nhiều khi người trẻ chết lại đến sớm hơn, nhiều hơn người già chết. Nếu ra nghĩa địa thì chúng ta thấy rõ mộ người tóc xanh nhiều hơn người tóc bạc. Chúng ta hãy quan sát cây nến nhiều khi còn đầy sáp mà tắt, nhưng có cây sáp sắp hết le lói mãi vẫn lại chưa tắt được; hay lá xanh trên cây lại rụng, lá vàng vẫn lưu lại trên cây. Cho nên không thể nói giờ tôi chưa thể tu hành niệm Phật được, còn trẻ phải làm ăn, khi già mới làm được việc đó. Vậy cái chết có chờ bạn không? Lúc đó hối hận đã quá muộn rồi.

Chúng ta cần biết! Trong đạo Phật thì ngoài con người, chúng ta còn có cả các vị Thần, Thánh ở trên trời và trên nhân gian còn có cả Thổ thần, thổ địa, ma, quỷ v.v… như trong kinh Đại Tạng Phật nói: “Lại có chư đại quỷ vương ở các cõi nước phương khác cùng thế giới Ta bà, như Ác Mục Quỷ Vương, Ðạm Huyết Quỷ Vương, Ðạm Tinh Khí Quỷ Vương, Ðạm Thai Noãn Quỷ Vương, Hành Bệnh Quỷ Vương, Nhiếp Ðộc Quỷ Vương, Từ Tâm Quỷ Vương, Phước Lợi Quỷ Vương, Ðại Ái Kính Quỷ Vương cùng lên cung trời Đao lợi dự hội…”

Cũng tương tự như nói về các vị Thần thì các vị Quỷ vương là những vị hình người mặt quỷ hay bay nhảy khắp nơi, có vị là thiện quỷ nhưng cũng có vị là ác quỷ gọi là A Tu La hay quỷ Dạ Xoa.

Dạ Xoa: Quỷ Dạ xoa là do phiên âm từ tiếng Phạn: Yakchas. Có nhiều hạng thiện và ác, như có vị tu hành Phật đạo luôn luôn theo Phật và chư vị Bồ Tát ủng hộ Phật pháp.

Nhưng có hạng thì lại là quỷ Dạ xoa hung ác, có hình thù kỳ dị, hoặc nhiều tay, nhiều mắt, hoặc nhiều chân, có nanh dài chìa ra bén nhọn như đao, chúng thích hãm hại người. Ở cõi địa ngục, quỷ Dạ xoa cầm các thứ khí giới để hành hình tội nhân. Dạ xoa có khả năng siêu nhân, thường là bất bạo động, tốt và hay được nhắc tới trong kinh điển Phật giáo.

Tuy nhiên cũng có những vị quỷ dữ hay lởn vởn ở các nơi hẻo lánh, thù địch với những ai sùng đạo, thường phá rối chùa chiền hay thiền định của chư tăng, ni bằng những tiếng la hét ồn ào. Nếu vị chư Tăng giữ giới, chùa chiền thanh tịnh thì sẽ có các vị Bồ tát, hộ pháp hay chư Thiên, Thần, Thánh đến bảo vệ. Chúng ma, quỷ thấy vậy liền phải bỏ chạy không dám phá nữa. Còn nếu chùa nào mà sư tăng không giữ giới, chẳng ăn chay thì ma, quỷ ùn ùn kéo đến lấy đây làm nơi đồn trú, người phật tử có trí tuệ không nên tiếp xúc thân cận.

Lại có những loài Dạ xoa là những loài quỷ dũng mãnh, bay đi rất nhanh lẹ và có phận sự canh giữ các cửa Trời. Những vị Thiện quỷ thường theo Phật hộ pháp, giúp Trời, Người làm những việc lợi ích. Nhưng với các vị Ác quỷ thì nhiều khi tính khí hung hăng, nữ thì xinh đẹp nhưng nham hiểm, nên Phật dạy chúng ta kính trọng các vị này mà không quy y các vị là vì lẽ này.

Khi con người mạng đã tận thì có hai vị quỷ là Thần Câu Sinh (Hay còn gọi là Thần chết hay Tử thần, Thần lưỡi hái v.v…) đó là người giúp việc của Chủ Mạng Quỷ Vương, là vị sứ giả của Diêm La Vương.

Thần chết thường mặc áo trắng và có một vị Thần mặt mũi hung dữ tay cầm quả chùy lớn, gọi đó là vị Ðại quỷ vương, tức là Chủ Mạng Quỷ Vương. Khi ai đó mạng hết là các vị này đến và dắt người đó đi xuống địa phủ, dù người đó muốn hay không muốn cũng phải theo, không thể cưỡng lại được, không thể khất hẹn. Thường là nhìn thấy các vị này đến là người ta phải tuân theo răm rắp, nếu chống cự thì vị Quỷ Thần dùng chùy đập lên đầu, còn hai vị quỷ kia trói mà lôi đi.

Nên nói mạng hết một phút không ở. Người chết bị dẫn đến nơi biển nghiệp dưới chân núi Tu Di trong 49 ngày để Diêm Vương xử tội. Nếu không có tội thì được trở về nhân gian, đầu thai làm người, nếu có phước báo thì sinh lên cõi trời nhập vào hàng Tiên, Thánh; nếu có tội thì tùy theo nặng hay nhẹ mà bị đọa vào ba đường ác là: Địa ngục, Ngạ quỷ (quỷ đói), Súc sinh (loài cầm thú).

Chúng ta cũng cần biết! Nếu là người tu hành giữ giới, lại chuyên tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, một lòng cầu nguyện vãng sinh về Tây phương Cực Lạc thì đến lúc đó họ chỉ cần niệm mười câu danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, thì tức khắc Phật A Di Đà và đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và hàng Thánh chúng đến tiếp dẫn về Tây phương Cực Lạc như lời nguyện của Phật A Di Đà đã nói. Cho nên, họ không phải chết như người thường mà họ sống mà đi là vì vậy!

Những người tuy nói là tu hành nhưng không giữ giới thì không thể dự phần còn nếu phạm tội phỉ báng chính pháp, phạm 10 điều trọng thì cũng như người chẳng tu đều phải đọa vào địa ngục A Tỳ ngay tức khắc, khó có ngày ra nên nói: “Ðại quỷ vô thường không hẹn mà đến” là đạo lý này.

Chúc quý bạn đồng tu thân tâm an lạc, công đức thêm nhiều, đạo hạnh tăng tấn và thâm nhập ngày càng sâu vào tri kiến Phật, thành tựu trên con đường tu hành Phật đạo.


Cư sĩ Quảng Tịnh