Cuộc sống trong bất cứ xã hội nào, thời đại nào, đều hướng đến mục đích cao đẹp hơn, hoàn thiện hơn và đạo đức hơn. Tuy nhiên, vẫn còn rơi rớt một vài thành phần có khuynh hướng tiêu cực, luôn đi xuống nhiều mặt, nhất là ý thức đưa đến hành động thiếu tích cực.
Nó cứ lan rộng dần vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của công việc quản lý và quản trị quốc gia, vào ngay trong các lĩnh vực mà trước đến nay thường được cho là trong sạch, thiêng liêng như: lĩnh vực dạy người, cứu người, an ninh quốc gia, nắm cán cân công lý để bảo vệ sự nghiêm minh, kể cả cơ quan ở cấp cao, cả nhà thờ, chùa chiền, cả lĩnh vực làm từ thiện, nhân đạo, chính sách đền ơn đáp nghĩa.v.v….
Hình ảnh tăng thân lý tưởng đó, khuôn vàng thước ngọc trong thánh giáo đó, ngày càng tục hóa để tương thích với hạt giống phàm phu. Phàm phu phát triển tối đa những hạt giống tiêu cực để đắp bồi thêm cao những tham vọng trần tục như những bầy mối vun cao khối đất làm tổ, điều đó là tất yếu nên gọi là chúng sinh, phàm tục.
Những bậc ẩn cư trên non sâu núi thẳm cũng chưa từng chết vì đói, phải chăng do cuộc sống thoát ly quá lý tưởng của người con Phật, buông bỏ tất cả quyền lợi thế gian để tìm đến thế giới siêu thế gian hầu phục vụ lại cho nhân sinh ở thế gian, làm giảm thiểu niềm đau nỗi khổ của nhân thế, vì vậy được gọi là “xuất sĩ”.
Một xã hội tự do phóng khoáng thì tính tiêu cực lại ít phát triển, hoặc phát triển một cách vừa phải, hợp lý, đó là quy luật tương phản. Cái gì càng cấm đoán, càng o ép thì càng bùng phát. Tâm lý chúng sinh là thế.
Tuy nhiên, một khi ai đó tự nguyện trong cuộc sống an thân thủ phận hoặc tự thân khép mình vào quy tắc tôn giáo, theo một lý tưởng nhất định, phủ nhận mọi cám dỗ Danh – Lợi – Tình, may ra những tiêu cực khó mà phát sinh. Những bậc chân tu lại càng không để hạt giống tiêu cực Danh – Lợi – Tình phát triển ngoài tầm kiểm soát của Giới – Định – Tuệ.
Khởi đầu hành động từ thiện là hướng đến sự khổ đau nghèo đói của kẻ khác, nhưng sau đó, hạt giống tham lam len lỏi vào, khiến hành động từ thiện che đậy ý đồ xấu bắt đầu phát sinh. Mọi lĩnh vực trong xã hội đều như thế nếu không tự kiểm soát thường xuyên ý tưởng, hành động của mình. Người tu theo nhà Phật được hướng dẫn tự quán chiếu để hạn chế đưa đến triệt tiêu Tham – Sân – Si, mà con đường giải thoát tự chọn.
![]() |
Những vị mang hình tướng giải thoát mà tâm phàm tục như thế, chư Tổ gọi là “cư sĩ trọc đầu”. Những tu sĩ giả sống nhờ chiếc áo, những tu sĩ từ thiền môn cũng sống nhờ chiếc áo mà tâm thoát khỏi thiền môn, đều giống nhau, nhưng khác nhau là được bá tánh trọng vọng và hợp thức hóa trong một tổ chức Giáo hội.
Một tu sĩ từ nước ngoài về thăm một thiền sư chân tu, – bạch Hòa thượng, con vừa tốt nghiệp tiến sĩ… Thiền sư hỏi – thầy học cao hiểu rộng, cho tôi biết đức Phật ngày xưa đã đậu bằng cấp nào vậy?
Xã hội cần bằng cấp để tiến thân trên địa vị xã hội hầu nuôi vợ con, hoặc cung cấp cho chân dài, tu sĩ cần bằng cấp để làm gì khi mà địa vị chức quyền đã không còn chỗ để tiến, (nói theo ngôn ngữ bình dân gọi là đã đụng nóc), chức sắc trong Giáo hội không có lương bổng, lộc Phật hưởng thụ cũng đã đầy đủ, thì cái bằng tiến sĩ như thế có thể thay giấy thông hành để vào Niết Bàn chăng?
Phát biểu, ban đạo từ đôi khi cần thư ký soạn sẵn, hướng dẫn tỉ mỉ…ôi, bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh vây quanh những loại tiến sĩ như thế thì luận án được bảo vệ thành công xuất sắc cũng là chuyện lạ trong những cái lạ của thế tục.
Nhìn lại như thế để thấy 35 năm Giáo hội hiện nay được điều hành bởi những tiến sĩ xuất sắc như thế, rồi mai đây, có lẽ không xa lắm, sẽ có hàng trăm tiến sĩ không cần thông qua trường lớp, các trụ trì lớn nhỏ đều tiến sĩ thì thế giới sẽ nghiêng mình bái phục Phật giáo Việt Nam như bái phục một tập thể từ hành tinh xa lạ. Phật giáo như thế sẽ không cần giải thoát, không thiết Niết Bàn, không cần giáo lý mà chỉ cần thế lý để vinh thân.
Đức Phật nếu biết hàng trưởng tử của Ngài đều là tiến sĩ, có lẽ Ngài không cần phải khổ công bỏ ngai vàng và suốt 49 năm truyền giảng giáo lý xuất sĩ để ngày nay biến thành tiến sĩ.
Tu tập tự thân và phát triển phật sự quan trọng hơn bằng tiến sĩ giấy. Bằng tiến sĩ vượt cấp càng nhiều thì Phật giáo càng bị thu hẹp, tín đồ càng bị mất, không xa lắm, Phật giáo Việt Nam chỉ còn lại trên trang giáo sử với danh xưng là Phật giáo tiến sĩ hay là đạo Phật tiến sĩ chứ không còn là đạo Phật giải thoát. Hãy để những vị tiến sĩ thực học, thực tài lãnh đạo Giáo hội thì may ra tránh khỏi cơn khủng hoảng virus tiến sĩ hiện nay.
Chú thích: Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn riêng của tác giả