.
.

“Quản lý Tăng Ni: Giáo hội địa phương giữ vai trò quan trọng”


Trước thực trạng, lời cảnh báo về hiện tượng tu sĩ phạm pháp và nhân Hội thảo Tăng sự toàn quốc 2016 diễn ra tại Hà Nội vào hôm nay và ngày mai, 24, 25-9, HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư đã nhiều lần khẳng định vai trò của các cấp Giáo hội địa phương trong quản lý Tăng Ni khi trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ. Hòa thượng cho biết:

– Trong hệ thống tổ chức hành chính Giáo hội kể từ sau Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần VII (2012-2017) và Hiến chương tu chỉnh được thông qua, chúng ta phân ra làm 3 cấp: Trung ương, tỉnh / thành và quận / huyện.

thich-thien-phap

Theo lý luận cũng như thực tiễn, cấp quận-huyện được xem như là cấp hạt nhân, đóng vai trò quan trọng đối với mọi hoạt động Phật sự địa phương. Không phải ngẫu nhiên mà Phật giáo cấp quận huyện được nâng tầm, trở thành cấp hành chính và có con dấu riêng để xử lý các vụ việc liên quan thuộc thẩm quyền. Tất cả đều xuất phát từ vai trò của cấp này và quan trọng hơn, Phật giáo quận huyện có mạnh thì Phật giáo tỉnh, thành mới phát triển và ngôi nhà chung của Giáo hội mới xương minh.

Trong ý nghĩa đó, việc quản lý và giám sát Tăng Ni tại địa phương tu học, hành đạo đúng Chánh pháp, tuân thủ pháp luật, Hiến chương Giáo hội và các chuẩn mực chung tại địa phương, Phật giáo quận huyện đóng vai trò hết sức quan trọng.

* Hòa thượng vừa nói đến vai trò của Phật giáo cấp huyện trong quản lý Tăng Ni, vậy vai trò xử lý việc Tăng Ni sai phạm sẽ được thực hiện ra sao?

– Khi một Tăng Ni có những biểu hiện sai phạm, trước hết cần phải xác định đó là sai phạm gì. Nếu là những vi phạm về giới luật và Hiến chương Giáo hội thì các cấp Giáo hội phải đưa ra các biện pháp xử lý cho phù hợp.

Trong phương diện này, Tăng Ni nào vi phạm giới, luật, Trưởng ban Tăng sự GHPGVN cấp tỉnh có nhiệm vụ thẩm tra, tổng hợp dữ kiện, đề nghị Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thành lập Hội đồng Yết-ma theo luật Phật và áp dụng Điều 67 Hiến chương Giáo hội, nội quy Tăng sự để xử lý. Hội đồng Yết-ma chỉ có hiệu lực trong thời gian xét xử vấn đề đó.

Trường hợp Tăng Ni có hành vi làm tổn thương đến thanh danh, vi phạm Hiến chương, và các quy định của Giáo hội, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm tra mức độ phạm lỗi nặng hay nhẹ để xử lý theo một trong các hình thức: (a) Chỉ đạo cho Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện tiến hành phê bình, kiểm điểm trên cơ sở tinh thần đoàn kết hòa hợp, chân tình xây dựng, giúp người có lỗi thấy được lỗi lầm, thành thật nhận lỗi và quyết tâm khắc phục, sửa chữa lỗi lầm đã phạm. Lần thứ nhất: Phê bình, kiểm điểm trước Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện. Sau thời gian tối đa 6 tháng, nếu người có lỗi chưa chuyển biến tốt, tiến hành lần thứ hai để phê bình kiểm điểm trước toàn thể Tăng, Ni trong quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; (b) Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thực hiện việc phê bình, kiểm điểm, cảnh cáo trực tiếp, người phạm lỗi phải viết bản tự kiểm, lưu trữ tại văn phòng Ban Trị sự để giám sát sự chuyển biến của người phạm lỗi; (c) Thông tri trong toàn Tỉnh, Thành hội Phật giáo biết về Tăng, Ni đã phạm lỗi với đầy đủ các hành vi phạm lỗi; (d) Tẩn xuất, khai trừ khỏi Giáo hội.

Một khi Tăng Ni phạm lỗi bị cảnh cáo và được thông tri trong toàn Giáo hội thì không còn tư cách được bổ nhiệm trụ trì tại các cơ sở tự, viện và không được phân công vào các nhiệm vụ khác trong Giáo hội. Nếu đã bổ nhiệm trụ trì thì thu hồi lại quyết định.

Còn nếu Tăng Ni vi phạm pháp luật hiện hành thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ vào các quy định để có biện pháp xử lý phù hợp. Nếu Tăng Ni đã bị pháp luật xử lý, kết án theo luật pháp, bị mất quyền công dân, đương nhiên không còn tư cách là Tăng, Ni trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Khi quyền công dân được phục hồi thì được xin xuất gia lại nhưng phải chấp hành đúng các quy định của Hiến chương Giáo hội và Nội quy Tăng sự Trung ương. Cũng cần lưu ý, khi Tăng Ni vi phạm pháp luật bị xử lý, bị đưa ra xét xử trước tòa án thì không được sử dụng sắc phục, danh hiệu và tư cách Tăng Ni GHPGVN.

nhap gioi truong  (1).JPG
Quản lý Tăng Ni là một trong những Phật sự trọng tâm của Giáo hội
(trong ảnh, các giới tử làm thủ tục nhập giới trường Đại giới đàn Trí Đức) – Ảnh: Q.Hậu

* Vừa qua, Phật giáo TP.HCM đã tiến hành thành lập Hội đồng Yết-ma để thi hành giáo luật và sau đó đã quyết định diệt tẩn tu sĩ Thích Quảng Hội (Tôn Thất Huy) ra khỏi đoàn thể Tăng-già. Nhận định của Hòa thượng về sự việc này thế nào?

– Việc Tăng Ni sai phạm giáo luật, pháp luật không phải bây giờ mới có nhưng lâu nay, chúng ta vẫn chưa thể hiện sự quyết tâm và đồng bộ trong quá trình xử lý, kỷ luật. Có nhiều trường hợp do nôn nóng khi sự việc xảy ra hoặc hiểu sai khái niệm dẫn đến tiến hành các bước kỷ luật sai phạm thiếu thuyết phục và không đúng với quy định.

Ban Tăng sự T.Ư đánh giá cao các động thái vừa qua của Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đối với sai phạm của một vài cá nhân cụ thể. Việc làm đó cho thấy quyết tâm của Phật giáo TP.HCM trong việc thanh lọc lại hàng ngũ người xuất gia, góp phần tịnh hóa Tăng đoàn tại một thành phố đông đúc và sôi động nhất nước. Các bước tiến hành kỷ luật vị tu sĩ này thể hiện khá chặt chẽ với sự tham gia đầy đủ của chư tôn túc lãnh đạo có uy tín của Phật giáo thành phố.

* Tuy nhiên, sau đó có thông tin cho rằng, đối tượng bị kỷ luật vẫn sinh hoạt bình thường như trước khi vi phạm và vẫn thực hành hoạt động hành vi tôn giáo. Trường hợp như thế, phản ứng của Giáo hội ra sao?

– Qua trường hợp này, chúng ta lại thấy tầm quan trọng của cơ quan Phật giáo cấp quận. Khi một cá nhân Tăng Ni vi phạm đã được các cấp trên xử lý thì Ban Trị sự GHPGVN cấp quận cần có kế hoạch giám sát và theo dõi. Một khi đã bị Hội đồng Yết-ma ra quyết định diệt tẩn thì cá nhân đó đã bị tước bỏ tư cách Tỳ-kheo, không được dự vào hội chúng Tăng-già.

Chính vì hậu quả này nên đối tượng bị diệt tẩn sẽ không còn bị điều chỉnh bởi các quy định của Hiến chương, Nội quy Tăng sự và các văn bản liên quan của Giáo hội sau đó. Mọi vấn đề phát sinh sẽ áp dụng pháp luật Nhà nước mà xử lý. Do vậy, dù không thể tiếp tục quản lý đối tượng nhưng Phật giáo cấp quận huyện có quyền nhân danh là cơ quan đại diện giới Phật giáo địa phương đề nghị cấp chính quyền có trách nhiệm triển khai các biện pháp phù hợp ngăn chặn các biểu hiện, hành vi tôn giáo bất hợp pháp.

* Năm nay, Ban Tăng sự tiếp tục tổ chức hội thảo chuyên ngành và vấn đề quản lý Tăng Ni một lần nữa được đặt ra, Hòa thượng kỳ vọng gì từ hội thảo lần này?

– Trong hội thảo lần này, Ban Tổ chức mời chư tôn giáo phẩm, những học giả, nhà nghiên cứu, các vị chuyên gia đầu ngành về quản lý cùng ngồi lại thảo luận giúp Giáo hội lập phương án thống kê Tăng Ni, tự viện, số lượng tín đồ một cách nhanh chóng, chính xác và phù hợp nhất. Nội dung của hội thảo không chỉ liên quan đến Tăng Ni mà còn đề cập đến tự viện, tín đồ tuy nhiên các nội dung về Tăng Ni vẫn được ưu tiên hơn cả. Qua đó, chúng tôi tin tưởng rằng, trước những hiến kế của chư tôn đức và quý chuyên gia, Giáo hội ngày càng hoàn thiện hơn trong lĩnh vực quản lý sinh hoạt, tu học của chư Tăng Ni cả nước.

* Chân thành cảm ơn Hòa thượng!

Ht thich Minh Thong.jpg

HT.Thích Minh Thông

HT.Thích Minh Thông, Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh Khánh Hòa:

Ngay từ thời Đức Phật, một khi Tăng Ni đã vi phạm pháp luật hoặc các chuẩn mực chung của xã hội thì Tăng đoàn chắc chắn sẽ tiến hành cử tội. Tuy nhiên trong trường hợp này cần thực hiện một cách cẩn trọng nghiêm túc. Nếu đó là những vi phạm nhẹ thì xử theo tội Tăng tàn hoặc Ba-dật-đề. Ngược lại, sẽ áp dụng hình thức cử tội Ba-la-di đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tác động xấu đến các chuẩn mực xã hội mà không thể tha thứ được.

Ở một số trường hợp, trong quá trình cử tội với những chứng cứ rõ ràng nhưng đương sự vẫn tỏ thái độ không phục, không hợp tác, nói quanh thì Hội đồng Yết-ma có thể sử dụng biện pháp tội xứ sở. Có nghĩa là Tăng đoàn chính thức Yết-ma trị tội có thể trị nặng hơn tội đương sự vi phạm mặc dù đối tượng không chịu nhận.

Sơn Thoại thực hiện (GNO)