.
.

Một vài vấn đề về hướng sinh hoạt Phật tử của Hà Nội


Tại Đại hội Phật giáo thủ đô Hà Nội lần thứ VIII, trong phần trình bày các tham luận của các đơn vị Phật giáo, ĐĐ.Thích Di Sơn, UV Ban HDPT T.Ư, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban HDPT TP.Hà Nội đã có tham luận trình bày về những hoạt động của sinh hoạt Phật tử tại Hà Nội. Chia sẻ với PV Giác Ngộ sau đại hội, Đại đức cho biết:


dddison.jpg

ĐĐ.Thích Di Sơn trình bày tham luận về ngành HDPT tại ĐH Phật giáo Thủ đô Hà Nội vừa qua

– Phật giáo thủ đô là sự hợp nhất của Phật giáo Hà Tây và Phật giáo Hà Nội cũ từ năm 2008. Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc được chia thành hai khu vực: nông thôn và thành thị. Hà Nội hiện có 11 quận, 1 thị xã, 18 huyện. Đó chính là những nét cơ bản để hình thành nên bức tranh sinh hoạt Phật pháp của các Phật tử trên địa bàn thủ đô.

Đối với các quận nội thành, văn hóa làng xã bị phai mờ nên Phật tử đến chùa không như các chùa ở quê. Đặc biệt, Hà Nội là nơi tập trung phần lớn các trường đại học, cao đẳng, thu hút nhiều thanh niên trẻ tuổi trên cả nước về sinh sống và làm việc. Vì thế, việc hình thành những nhóm, câu lạc bộ (CLB), đạo tràng đã thu hút được sinh viên, học sinh trẻ tham gia. Như CLB Cựu quân nhân chùa Quán Sứ, CLB Thanh thiếu niên Phật tử chùa Đình Quán…

Đối với các huyện ngoại thành, Phật tử sinh hoạt chủ yếu đến tại chùa nơi họ sinh sống, thông thường gọi là “chùa làng”. Lớp người đến chùa sinh hoạt Phật pháp phần lớn từ 50 tuổi trở lên. Họ quy y và làm vãi (công quả – PV) ở chùa, thường đến chùa tu học chính vào những ngày rằm và mùng một. Các chùa ngoại thành Hà Nội phần lớn đều có những tổ chức nhỏ thu hút các Phật tử – già vãi như vậy đến chùa tu học. Tên của các nhóm này có nhiều cách gọi khác nhau, như: hội chư già, hội Phật tử, hội quy, tổ Dược Sư, tổ Di Đà, tổ Quan Âm, hội con hương (theo tín ngưỡng thờ mẫu ở chùa), đạo tràng niệm Phật… Và, tình hình sinh hoạt của các tỉnh miền Bắc nhìn chung cũng giống như vậy.

1 (1).jpg
Một khóa lễ của Phật tử trẻ tại chùa Quán Sứ – Ảnh: Cẩm Vân

Những đặc điểm sinh hoạt của Phật tử như thế đã dẫn đến những thực trạng gì, thưa Đại đức? 

– ĐĐ.Thích Di Sơn: Thứ nhất, đối với Phật tử sinh hoạt Phật pháp tại các chùa quê. Nhìn chung, Phật giáo tại các huyện còn theo tín ngưỡng truyền thống: “Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Người dân ở làng nào, chỉ quy y và tham gia tín ngưỡng tại chùa làng mình. Họ có thể đi lễ, đi tham gia các hoạt động tín ngưỡng tại các chùa khác, nhưng chỉ mang tính nhất thời. Các việc sinh-lão-bệnh-tử của cuộc đời họ khó tách khỏi ngôi chùa làng nơi họ sinh sống.

Một số người dân chưa quy y Tam bảo, nhưng bất cứ việc gì của chùa họ cũng đều tham gia tích cực, như xây dựng, lao động công quả, đóng góp tâm, lực… Khi trong gia đình họ có việc gì, họ cũng đều sửa lễ lên chùa nhờ thầy trụ trì dâng sớ, làm lễ cầu nguyện.

Với Phật tử tại các chùa làng, việc tu học, lễ bái diễn ra thường vào ngày vọng sóc. Ngày thường thỉnh thoảng họ mới đi lễ, không thường xuyên, chủ yếu để cầu xin may mắn và chút lộc từ cửa chùa. Họ ít được nghe giảng thuyết về ý nghĩa đi chùa lễ Phật, sắm lễ, tụng kinh, niệm Phật ra sao. Phần lớn họ đi theo thói quen và mang tính truyền thống.

Đối với việc tu bổ, xây dựng chùa làng, người dân coi đó là trách nhiệm của mỗi người. Trong tâm thức họ “ngôi chùa là mộ tổ của nhân dân”. Vì vậy, việc công quả, xây dựng, chuyển ngói, san nền, xây chùa… được người dân nhiệt tình tham gia lao động, không lấy tiền công. Việc này thể hiện trách nhiệm của họ với ngôi chùa làng mình sinh ra và lớn lên, dù họ có quy y hay không.

Xét về lứa tuổi và giới thì đối tượng tham gia, lễ bái, tu tập ở các chùa quê thường là phụ nữ và người già. Lực lượng thanh thiếu niên, trung niên, nam giới… chỉ đi chùa khi chùa có công việc. Đa phần vẫn quan niệm “chùa là của các bà, đình là của các ông”. Ý thức này đã tạo ra sự phát triển chưa phổ quát của lực lượng tín đồ Phật tử và khó hình thành nên “Gia đình Phật tử” như ở các tỉnh miền Trung, miền Nam. Nếu thầy trụ trì nào trẻ trung, năng động, có năng lực thu hút tín đồ thì ngôi chùa đó đông lực lượng trẻ, nam giới, trung niên hơn.

Chính việc tu tập, gắn bó với ngôi chùa làng của mỗi người dân như vậy nên vai trò của thầy trụ trì là rất lớn. Thầy trụ trì phải hướng dẫn, giáo hóa dân làng nơi ấy. Nhưng cũng từ tính làng xã này mà tín đồ định hướng tu học theo cách của thầy trụ trì, chứ khó thống nhất theo kiểu tập trung như ở đô thị.

Thứ hai, với Phật tử tại thành phố, khu đô thị mới. Đối với những Phật tử tại các quận nội thành, Phật tử sinh hoạt Phật pháp không khác nhiều như Phật tử chùa quê. Chỉ khác là lượng dân nhập cư vào sống tại Hà Nội ngày càng đông, lượng người này thường đến những ngôi chùa nào mà họ quen biết, hoặc những ngôi chùa nổi tiếng. Họ không có khái niệm chùa là của riêng khu dân cư, vùng mình sinh sống. Thầy trụ trì có duyên với họ thì họ đến, không thì họ đi chùa khác.

Tại trung tâm thành phố, các đạo tràng tu tập nhiều hơn so với chùa quê. Các đạo tràng như: Tu thiền, tu Tịnh độ, tu Pháp hoa, lớp giáo lý, CLB thanh niên Phật tử… là môi trường tốt để thu hút lực lượng tín đồ Phật tử.

Một thực trạng đang diễn ra tại các đô thị mới là hiện nay tại Hà Nội có rất nhiều khu chung cư, khu dân cư mới mọc lên. Những khu chung cư cao tầng có đến hàng nghìn nhân khẩu tương đương với dân số của một ngôi làng nhỏ. Họ là dân tứ xứ tập trung về Hà Nội sinh sống làm ăn. Họ theo nhiều tín ngưỡng tôn giáo. Những công ty xây dựng khu chung cư chỉ lo xây dựng trường học, công viên, bệnh viện, siêu thị… mà quên mất xây dựng những công trình tâm linh như đình, chùa cho người dân nơi đây. Lượng người dân này có tín ngưỡng truyền thống ở quê theo chùa làng, theo đạo Phật của ông bà thì cũng có tìm đến những ngôi chùa lớn, ngôi chùa gần nơi mình ở để đi lễ chứ không theo một ngôi chùa nhất định nào. Còn những ai chưa theo tín ngưỡng đạo Phật thì họ cũng không đi lễ chùa, không được các thầy quan tâm.

Phần lớn ở những khu chung cư là những hộ gia đình trẻ, lên Hà Nội mua nhà, đi làm, sinh con… họ hình thành nên thành phần dân cư mới trên địa bàn thủ đô, nhưng họ chưa trung thành với một tôn giáo nhất định nào. Họ đã tách khỏi cuộc sống “tam đại đồng đường”, họ ít được bố mẹ truyền trao những kinh nghiệm truyền thống của ông bà; họ đang học theo nếp sống trẻ hóa, hiện đại. Do vậy trong tương lai họ sẽ lựa chọn tôn giáo mà nhu cầu họ cần. Các tôn giáo bạn đã đáp ứng được nhu cầu của họ và họ đã theo. Giáo hội hiện chưa khai thác hiệu quả lực lượng này nên còn nhiều khoảng trống trong việc thu hút, giáo hóa họ.

1 (2).jpg
CLB Cựu quân nhân Phật tử – Một nét riêng của sinh hoạt Phật tử tại Thủ đô

Với thực trạng thực tế như vậy, những vị phụ trách hướng dẫn Phật tử có những giải pháp gì không? 

– Ban Hướng dẫn Phật tử cần định hướng lại cách hoạt động tại Hà Nội cũng như miền Bắc, vì nơi đây có một đặc trưng vùng miền và văn hóa làng xã riêng. Để từ đó có sự hoạt động hiệu quả hơn hiện tại.

Cần thống kê lại số lượng Phật tử và tín đồ có tín ngưỡng đạo Phật để từ đó có hướng hoạch định phát triển. Để làm việc đó thì vai trò thầy trụ trì rất quan trọng. Nếu không có sự hợp tác từ cơ sở thì việc này khó thực hiện.

Duy trì, mở rộng số lượng các CLB, nhóm tu học Phật pháp tại các chùa, các quận huyện. Tổ chức lớp đào tạo tập huấn huynh trưởng, chúng trưởng, người đứng đầu các nhóm, đạo tràng và CLB.

Tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức Phật pháp ngắn ngày cho Phật tử các chùa. Đối tượng học là tổ trưởng, hội trưởng, vãi trưởng tại các chùa. Chương trình học là những kiến thức cơ bản về lễ nghi, phép thức của nhà chùa như: chắp tay, xưng hô với chư Tăng, cách lễ Phật, tụng kinh, niệm Phật, thờ Phật tại gia, quy y Tam bảo… Phân loại và ưu tiên phát triển các nhóm Phật tử theo trình độ, lứa tuổi: Phật tử trẻ, Phật tử nam giới, Phật tử sinh viên – trí thức… Tập trung hoằng pháp, giáo hóa tại các khu đô thị mới, khu chung cư.

Tại các khu đô thị, chung cư mới, Giáo hội nên tạo điều kiện để Tăng Ni có thể mua một hoặc vài căn hộ, rồi hoàn thiện cơ sở pháp lý để thành ngôi chùa hoặc Niệm Phật đường, nhằm phục vụ tín ngưỡng cho người dân ở đó. Đây là sự phát triển theo xu hướng thời đại và đã được thực hiện tại một số quốc gia phát triển.

Pháp Đăng thực hiện