.
.

Cử nhân “xấu hổ”


Năm 2006, “xấu hổ” trước tấm bằng cử nhân của mình, tôi có viết bài CỬ NHÂN “XẤU HỔ” đăng trên chuyên mục Diễn đàn Giáo dục của báo www.vietnamnet.vn.

Có lẽ giờ đây, không chỉ có cử nhân “xấu hổ” mà còn có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ không biết xấu hổ là gì? Nhưng vì chưa có bằng tiến sĩ nên e rằng viết về Tiến sĩ “xấu hổ” thì không sát thực tế, nên xin phép đăng lại bài báo cũ.

Chuyện sính bằng cấp, học giả – bằng thật, học giả – bằng giả, bằng thật – kiến thức giả đang xảy ra đến mức báo động, chỉ còn một khoảng cách ngắn nữa thì những tiến sĩ giấy sẽ thành “trơ”, thành “hóa đá”.

Căn bệnh đồng phục đang hủy hoại biết bao nhân cách, trở thành tiêu chí thi đua mạnh liệt để có ghế, có ngai ở ngoài xã hội giờ đây lại xảy ra ở chốn thiền môn đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và cả trong Giáo hội

Bài báo đã đăng cách đây 10 năm: Cử nhân “xấu hổ” xin được đăng lại với tâm trạng xấu hổ đeo đẳng cả cuộc đời.

Xấu hổ không phải vì chưa có bằng cấp cao hơn, xấu hổ không phải vì bằng của mình là “bằng chạy”, “bằng giả” mà là bằng thật, bằng “xịn” 100% do Bộ GD & ĐT cấp. Tôi xấu hổ vì… 
 
Tốt nghiệp Đại học ra trường đã 8 năm, đi làm, tôi thường nói vui cùng bạn bè, nếu là nhà tuyển dụng, tôi sẽ tuyển lao động mà ít đặt tiêu chuẩn bằng cấp, thực lực công việc quyết định tất cả. Nói vậy, không phải nhằm ý phủ định việc có bằng cấp và học vị nhưng rõ ràng nhìn về tấm bằng cử nhân của mình, tôi cảm thấy xấu hổ. 
 
Theo quy định của Bộ GD & ĐT, tất cả sinh viên tốt nghiệp Đại học khi ra trường đều phải có trình độ tiếng Anh tương đương với bằng C. Nhưng ra trường, trình độ tiếng Anh của tôi chẳng biết liệt vào dạng nào, gần như tôi “mù” về ngoại ngữ. 
 
Dẫu xấu hổ nhưng tôi vẫn có niềm kiêu hãnh của mình khi trong suốt 4 năm học đại học, tôi không bao giờ phải đi chạy điểm một môn học nào, một thầy cô nào, trong khi việc chạy điểm, như tôi biết, là không hiếm.
 
Tôi xấu hổ về trình độ ngoại ngữ kém so với tiêu chuẩn của Bộ GD & ĐT nhưng lại “tự hào” khi có một số bạn bè tốt nghiệp đại học “loại giỏi”, học cao học. Thậm chí, vài bạn thân hiện đi du học ở Pháp, ở Úc mà khi làm một bài toán cấp I, thực hiện phép cộng phân số khác mẫu số cũng không làm được. 
 
Đúng là một sự “tự hào” đau lòng, vì mình còn hơn vài người bạn. 
 
Tôi không có ý phủ định những thành tựu của nền giáo dục nước nhà, nhưng tệ nạn chạy theo bằng cấp, mua bằng cấp mua điểm, phần lỗi không chỉ của ngành giáo dục mà có phần lỗi mang tính hệ thống của hiện trạng nói dối, của bệnh thành tích đang tràn lan trong mọi lĩnh vực của đời sống, có “nhắm mắt” cũng thấy được. 
 
Tuần vừa rồi, tôi có đứa em là sinh viên trường Đại học Tài chính đến nhà, ấp úng mãi, em nói cho em vay tiền để đi chạy điểm. Em tôi là một học sinh ngoan và hiền lành, tôi hỏi: “Em chạy làm gì ?”. Em tôi trả lời: “Cả lớp đều chạy mà anh”. Tôi tin điều em tôi nói là có thực dù có thể không phải 100%. Tôi tin, nhưng bố tối là một nhà giáo về hưu, ông không tin. 
 
Khoảng cách giữa bố tôi và tôi là một thế hệ, bố tôi không tin vì bố tôi tin vào lẽ công bằng, đạo thầy trò. Tôi tin vì tôi đã kiểm chứng qua hiện thực. Và nếu đà này, chắc đến đời con tôi thì điều mà tôi đang cho là tiêu cực là mặt trái của xã hội lại trở thành “chân lý”. Sự giả dối, lừa lọc ngự trị và sẽ thành “chuẩn mực” và quy luật phổ quát của xã hội nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ, trước hết là tạo ra một xã hội để mọi người nói thật và dám nói thật, đó là cải cách giáo dục, bỏ xa bệnh thành tích trống rộng, vô hồn…
 
Sự vô nghĩa lúc đó sẽ không còn phải bàn cãi mà xã hội sẽ nảy sinh các “mẫu chuẩn mực” không giống ai, “chỉ chúng ta mới có”, một thứ “bản quyền” không phải là tôn trọng sáng tạo mà là “bản quyền” của tụt hậu, của u mê… 
Phan Hữu Dương (Hà Nội)/ Phatgiao.org.vn