.
.

Bỏ vàng đúc chuông chùa: Sáng tạo để lừa dối bản thân, lừa dối giữa người với người?


Tiếng chuông ở cửa Phật mang ý nghĩa đánh thức sự u mê. Nhưng nhiều nơi, Phật tử thi nhau bỏ vàng vào đúc chuông chùa với nhiều ý muốn cho riêng mình.

Bỏ hàng chục triệu vì tiếng chuông chùa

Cuối tháng 8/2016, chùa Bảo Lâm, xã Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An tiến hành lễ đúc chuông đồng nặng 1.200 kg với kinh phí 700 triệu đồng. Trong quá trình nấu đồng để đổ vào khuôn đúc, một số phật tử đã phát tâm bằng cách bỏ vào bông tai bằng vàng hoặc nhẫn vàng với tổng giá trị lên đến cả chục triệu đồng. Tương tự, trong lễ đúc chuông chùa Chí Linh (Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An) cũng có một số phật tử bỏ vàng vào lò nấu đồng với tâm nguyện là đã làm được việc có ích. Ngoài ý nghĩa tâm linh thì họ còn cho rằng, chuông chùa nếu được bỏ vàng vào thì tiếng chuông sẽ hay hơn.

Sáng ngày 5/9, trao đổi với Phụ nữ TP. HCM, Đại đức Thích Thanh Huân – Trị trì chùa Pháp Vân (TP. Hà Nội) – Phó văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, việc bỏ vàng vào trong quá trình đúc chuông, yểm tượng Phật là do con người tự sáng tạo ra và đang tự lừa dối chính bản thân mình, lừa dối giữa con người với con người.

Trong giáo lý Nhà Phật, việc đúc chuông là 1 trong 3 việc làm ý nghĩa nhất của người tu hành (đúc chuông, tạc tượng, xây chùa). “Tiếng chuông chùa ngân vang, thanh trong sẽ đánh thức tính thiện trong lòng mỗi người, đưa con người trở về với thực tại, hồi hướng tới những điều tốt đẹp” – Đại đức Thích Thanh Huân cho biết.

Bo vang duc chuong chua: Sang tao de lua doi ban than, lua doi giua nguoi voi nguoi? - Anh 1

Nhiều Phật tử đang hiểu nhầm việc bỏ vàng vào trong quá trình đúc chuông đồng sẽ làm tăng giá trị vật chất, tinh thần của chiếc chuông.

Theo vị trụ trì chùa Pháp Vân, không chỉ ở Nghệ An mà Phật tử khắp cả nước đang hiểu nhầm việc bỏ vàng vào chuông đồng sẽ làm tăng giá trị của tiếng chuông đó và làm cho tiếng chuông hay hơn. Đại đức lý giải: “Từ lâu, vàng đã được dân gian coi đó là thứ kim loại mang đến quyền uy rất lớn. Ở đâu có vàng, ở đó có sự tôn nghiêm, sang trọng nên các Phật tử mới bỏ vàng đúc chuông hay yểm tượng Phật.
Tuy nhiên, không phải vì bỏ vàng vào chuông và tượng mà làm cho chuông và tượng có giá trị hơn. Các chuyên gia đúc chuông đồng cũng xác nhận, việc bỏ vàng vào chuông sẽ làm giảm chất lượng tiếng chuông”.

Thượng tọa Thích Đức Thiện – Trụ trì chùa Ngọc Quang (Quảng Nam) cho hay, nhiều nhà sư ở vùng nông thôn cũng bị hiểu nhầm về việc đưa vàng vào đúc chuông đồng, yểm tượng Phật. “Tôi đã từng đi dự một buổi lễ yểm tâm tượng tại ngôi chùa ở vùng nông thôn thuộc tỉnh Nam Định, các nhà sư ở đây đã tiết lộ chuyện yểm vàng vào bên trong bức tượng. Khi nghe được chuyện này tôi đã phản đối vì đó thực sự lãng phí, không đúng với giáo lý nhà Phật” – Thượng tọa kể.

Con người đang tự lừa nhau

Kể về chuyện đúc chuông chùa, ông Nguyễn Văn Tiến (53 tuổi, một nghệ nhân có kinh nghiệm đúc chuông chùa gần 30 năm ở TP. HCM) chia sẻ, hiện nay thi vì chăm chú các họa tiết của chiếc chuông người dân lại quan trọng chuyện số lượng và khối lượng của chiếc chuông. Chính vì vậy, thời gian hoàn thành một chiếc chuông nhanh hơn rất nhiều. “Trước mất khoảng 12 ngày mới xong, giờ chỉ khoảng 2 – 3 hôm đã xong một chiếc chuông rồi” – ông Tiến nói.

Còn cụ Cả (93 tuổi) cho biết: “Cái trò bỏ vàng vào chuông cho tiếng kêu hay là vô bổ nhất, nếu chịu khó để ý thì hiểu ra ngay. Vì chiếc chuông chỉ phát ra âm thanh hay khi toàn bộ là một khối đồng chất, có như vậy âm truyền đi trong nó mới tròn trịa, không bị gãy. Còn có vàng vào, nó sẽ bị gãy âm. Ngày xưa, bọn tôi vì sợ những Phật tử họ buồn, nên để cho họ bỏ vào”.

Chính vì vậy mà khi đổ đồng vào khuôn đã đầy, chờ ít nhất 10 phút, người thợ cả mới cho phép các Phật tử bỏ vàng vào khuôn đúc, lúc này, vàng nằm bên trên, ngoài mép quai chuông, khi gỡ khuôn, phần này sẽ thuộc về người thợ. “Buồn, vì trước đây, lương tâm người thợ đúc thanh thản hơn, lúc đó mình chưa phải xạo hay lừa ai, bây giờ thì…!” – người nghệ nhân đúc chùa thở dài.

Đại đức Thích Thanh Huân cũng cho rằng, việc cho vàng vào trong quá trình đúc chuông chùa không mang lại điều gì trong giá trị vật chất lẫn tinh thần nhưng nhiều người vẫn cứ làm để cảm thấy “yên tâm trong lòng”. Thay vì phí phạm số vàng đó vào việc đúc chuồng thì các Phật tử có tâm nên đưa số vàng đó đi làm từ thiện thì sẽ đem lại phúc đúc nhiều hơn cho xã hội.

“Vấn đề này không hẳn là do người dân mà còn do nơi tổ chức. Nếu tổ chức tốt, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ thì chắc chắn sẽ không có chuyện lãng phí vàng vào việc đúc đồng, yểm tượng Phật” – Đại đức Thích Thanh Huân cho hay.

Đoàn Văn ( Phụ nữ TP HCM)