.
.

Thêm những điều làm Sài Gòn ấm áp…


Trên những con phố tấp nập của Sài Gòn, người  dân lại quen thuộc với hình ảnh những bình trà đá, bánh mì, vá xe, sửa nón miễn phí… như một dấu lặng đầy tình người. Trang PG-TT tiếp tục kể về những sẻ chia ấm lòng đó giữa thời buổi mà người ta có vẻ hoài nghi về lòng tốt, thiếu vắng niềm tin vào sự tử tế…

Bình trà đá miễn phí khắp các nẻo đường

Những bình trà đá miễn phí  xuất hiện như một nét đẹp tình người của Sài Gòn. Chúng tôi bắt gặp ở hầu như khắp các con đường Sài Gòn nhiều năm nay, như trên các đường Bạch Đằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), Quang Trung (Q.Gò Vấp), Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận), Hoàng Sa, Lý Thái Tổ (quận 3)… và số lượng ngày càng tăng.

thanhtra (1).jpg
Người lao động nghèo dừng chân uống trà đá
giữa trưa nắng nóng tại Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh) – Ảnh: Thanh Trà

Chủ nhân những bình trà đá đa phần không phải những người giàu có và với họ đó là những việc nhỏ – “chỉ có nước, với đá, thêm chút trà thì đáng chi đâu con”. Những bình nước mát rượi tình người ấy thường được đặt trước sân của một gia đình hay trước những cửa tiệm nhỏ. Nhiều nhất có lẽ là những bình trà đá được đặt ngay trên những ngã ba, ngã tư đường – dưới các bóng cây hay ngay trên lối đi, vỉa hè của đường phố.

Chủ nhân những bình trà đá này cũng thường không tiết lộ danh tính, chỉ biết rằng “từ sáng sớm, những bình trà đá này đã đầy nước, đến khi trời tối nước vẫn được châm mới, kể cả những ngày nắng hay mưa”.

Bình trà đá có lẽ với một số người chẳng là gì, nhưng với các cô chú lao động nghèo như bán vé số, ve chai, công nhân, người khuyết tật… thì nó có ý nghĩa rất lớn. Cô Lê Thị Bảy thu lượm ve chai trên đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh) bộc bạch: “Trên con đường này đi xa xa sẽ có một thùng trà đá, ngày nào cô cũng mang theo một chai nước suối, trời nắng nóng sẽ đẩy xe về hướng này bơm đầy chai uống để có sức mà đi tiếp, nhờ đó mà cô tiết kiệm được khá nhiều”.

Còn với bạn Đỗ Phương Thảo (sinh viên Trường Đại học Hutech) thì cho biết: “4 năm học ở trường, ngày nào mình cũng đi qua con đường có bình trà đá miễn phí, nhìn thấy cô chú lao động nghèo dừng chân uống, rồi đi – quen thuộc lắm, những mệt mỏi của cuộc sống được xua tan, vì Sài Gòn cũng còn nhiều điều tốt đẹp”.

Con hẻm nhỏ với 6 dịch vụ miễn phí

Không còn quá xa lạ, con hẻm với tên gọi thân thương “Hẻm ông Tiên” (hẻm 96, đường Phan Đình Phùng, P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã in dấu ấn đẹp trong lòng những người dân Sài Gòn. Con hẻm nhỏ nhưng rộn rã tiếng cười của những cô bán chè, bán cơm, bán bún, của những chú xe ôm, vá sửa xe… và nơi đây lại rất đặc biệt khi có cả 6 dịch vụ miễn phí dành cho người nghèo: trà đá miễn phí, cơm chay và bún chay miễn phí, bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật, dịch vụ mai táng miễn phí, xe ôm miễn phí cho người nghèo, tủ thuốc miễn phí.

Người mở đầu cho những dịch vụ này là bác Đỗ Văn Út (bác Việt), bác cho biết công việc này thường bắt đầu từ 5g30 sáng đến khoảng 8g tối.

Bình trà đá miễn phí được châm nước liên tục, luôn có sẵn những bình trà và thùng đá ngay nơi bơm vá xe của bác Việt, ban đầu chỉ là bình nhựa nhỏ, sau có mạnh thường quân giúp đỡ tặng cho bình inox như bây giờ.

Ý tưởng về tủ thuốc miễn phí xuất phát từ khi thấy con đường này thường xảy ra tai nạn, muốn sơ cứu đơn giản cho người gặp nạn trong khi đợi xe cứu thương đến cũng khó vì tiệm thuốc khá xa. Tủ thuốc hoạt động từ năm 2012 và đến nay đã được 4 năm. Ban đầu tủ thuốc nhỏ chỉ có bông băng, thuốc đỏ…, sau đó, dần có thêm thuốc cảm cúm, đau nhức, dầu gió phục vụ cho bà con. Đối với những người già còn phải mưu sinh thì vào những ngày trái gió trở trời, hay những lúc cơn đau người già đột ngột đến đều tìm tới tủ thuốc này.

Cơm chay và bún xào chay miễn phí thường được phát vào ngày 1 và 15 âm lịch mỗi tháng với khoảng 350 đến 400 suất, thường phát cho người bán vé số, ve chai, làm hồ, bảo vệ… Những công việc trên chủ yếu từ tịnh tài của bác Việt và hàng xóm trong hẻm gom góp theo tiêu chí “của ít lòng nhiều”. Dần dà, được nhiều người biết đến hơn thì có nhiều mạnh thường quân đến xin tài trợ và giúp đỡ.

Vì công việc của bác Việt là bơm vá xe nên luôn tiện, bác giúp những người khuyết tật vá xe miễn phí. “Người khuyết tật đi bán vé số, trên đường đi hay cán đinh, bể bánh, 1 lần vá xe là 10.000 đồng – bằng số tiền lời bán 10 tờ vé số chứ ít gì, thấy vậy nên tôi vá miễn phí vì chỉ tốn có chút keo, chút sức thôi. Còn như thấy vỏ ruột xe hư mà họ nghèo quá thì bỏ tiền túi ra thay luôn” – bác cười sảng khoái nói. Bên cạnh đó, bác Việt và mấy chú xe ôm gần đó cũng thường xuyên chở giúp người già, người khuyết tật đi khi họ có nhu cầu.

thanhtra (2).jpg
Cô bán vé số tìm đến tủ thuốc miễn phí để xin thuốc đau nhức và chai dầu gió – Ảnh: Thùy Vân

Đặc biệt nhất phải kể đến cơ sở mai táng trọn gói cho người nghèo vì đa số họ là dân tứ xứ nên cần xác nhận của địa phương khá khó khăn. Do vậy, khi có người bạn chủ cơ sở mai táng Vạn Phúc ngỏ ý giúp thì bác Việt trở thành cầu nối giúp người nghèo được an táng chu tất. Với bác, “cả đời họ phải bươn chải, tha hương cầu thực thì ngày về với đất cũng nên đủ đầy, để phần nào bù lại những vất vả cõi trần”. Vào những tháng lạnh hay chuyển mùa, nhiều nhất có đến 5, 6 nơi xin trong một tháng nhưng bác vẫn cố giúp và bỏ thời gian đồng hành cùng những gia đình đó.

Con hẻm nhỏ đầy tình người ấy đã mang lại niềm hy vọng cho rất nhiều lao động nghèo, những con người chung tay đóng góp cho những dịch vụ này cũng chỉ là những lao động bình dân, nhưng vì cùng cảnh ngộ nên hơn ai hết họ hiểu và cảm thông cho những số phận kém may mắn hơn cả mình.

Bạn Nguyễn Thanh Tùng (Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM) chia sẻ: “Mình cũng là sinh viên nghèo từ tỉnh lên, nhiều lần mệt mỏi trước sự bon chen từ cuộc sống, đi làm thêm không được nhiêu còn bị ăn chặn, không trả lương nên rất mất niềm tin nhưng vì có những hành động nhỏ, cảm động, đùm bọc nhau giữa khó khăn thế này của người Sài Gòn mà thấy ấm lòng, nhen nhóm lại niềm tin – cũng vì thế mà năng làm tình nguyện hơn”.

Thùy Vân – Thanh Trà (GNO)