.
.

Khi nào thế giới mới hòa bình?


Những ngày gần đây dư luận bàn tán xôn xao về một bộ phim tài liệu mang tên “Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến”. Có người thì đồng cảm và cho rằng ký sự hay, cảm động; một bộ phận khán giả khác lại nhận xét có sự dàn dựng, không chân thật trong các cảnh quay.

Ở đây tôi không nghiêng về bên nào mà tôi xem dưới cái nhìn tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Ký sự giúp chúng ta nghiệm lại sâu sắc hơn lời dạy về hòa bình của Đức Phật.

Nỗi đau nhân loại

Theo một thống kê không chính thức thì số nạn nhân tử vong trong chiến tranh Syria kể từ năm 2011 đã vượt hơn con số 250.000 người và hơn một nửa dân số của đất nước này phải di cư, tạo ra một làn sống di dân ồ ạt sang các nước làng giềng và Liên minh Châu Âu.

Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh đưa ra con số 270.000 người chết, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Syria nói rằng số người thiệt mạng trực tiếp hoặc gián tiếp từ cuộc chiến là 470.000. Một con số khủng khiếp cho thấy sự tàn bạo của con người đối với con người.

VANHOA 1.jpg
Em bé Syria hồn nhiên trong phim – Ảnh chụp lại từ Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến

Bỏ qua các ý kiến cho rằng Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến quá “kịch” thì ở một khía cạnh nào đó ký sự cho chúng ta thấy được những cảnh đổ nát của một thành phố từng là một đô thị yên bình và sầm uất. Ký sự cho ta thấy được những nạn nhân của cuộc chiến từ một người hiền lành nay trở nên căm phẫn và thốt lên những lời cay nghiệt trước cái cảnh khốc liệt của cuộc chiến. Chúng ta thấy được mình may mắn hơn họ vì được sống trong cảnh yên bình.

Và chúng ta còn nghe được những câu chuyện nhỏ giữa muôn vàn cảnh bi thương trong lòng cuộc chiến để từ đó ta cảm thông cho họ và thầm cảm ơn rất nhiều người đã cho đất nước chúng ta được độc lập như ngày hôm nay.

George Santayana, một triết gia, nhà thơ, nhà văn người Tây Ban Nha (1863-1952) đã từng tuyên bố: “Chỉ người chết mới được chứng kiến chiến tranh kết thúc”. Một câu nói tưởng chừng như bình thường nhưng nó ẩn chứa nỗi đau của những người đã chết vì chiến tranh, những người còn sống trong cuộc chiến phải chịu cảnh mất người thân và là nỗi đau của toàn nhân loại khi các cuộc chiến vẫn còn kéo dài.

Và nhân loại sẽ đặt ra câu hỏi rằng: “Khi nào chiến tranh kết thúc? Khi nào Trái Đất hoàn toàn hòa bình?”. Câu hỏi sẽ vẫn còn bỏ ngỏ chưa có câu trả trời một khi tiếng súng vẫn nổ, con người vẫn tham lam giành lấy quyền lợi từ thiên nhiên và những kẻ cực đoan cho rằng tôn giáo mình tôn thờ là tối cao, là vĩ đại…

Không một cuộc chiến tranh nào không có nước mắt, không một cuộc chiến tranh nào không máu đổ, đầu rơi. Và những người dân vô tội bơ vơ giữa cuộc chiến là những người đáng thương nhất bởi họ phải trực tiếp gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Không ai có quyền xâm hại, tước đi quyền được sống của bất kỳ ai khi “nước mắt cùng mặn và máu cùng đỏ”, điều mà Đức Phật đã nói cách đây 2.600 năm.

Thiết lập hòa bình

Thật ra Đức Phật đã trả lời cho câu hỏi “Khi nào Trái Đất hoàn toàn hòa bình?” từ hàng ngàn năm trước. Ngài đã xây dựng được một Tăng đoàn thật sự hòa bình trong mỗi cá thể có mặt trong Tăng đoàn, chính nguồn năng lượng từ bi và hòa bình đó đã lan tỏa đi khắp Ấn Độ thời kỳ cổ đại, làm nên nhiều vương triều thịnh vượng và yên bình.

Sau khi Phật nhập diệt thì những giá trị về hòa bình và tình yêu thương của Ngài vẫn lan tỏa đi khắp năm châu bốn biển với những giáo lý hết sức thiết thực.

Đức Phật nói riêng và đạo Phật nói chung luôn nhấn mạnh tới cuộc sống hòa bình, an ổn. Đức Phật luôn hướng con người ta tới sự hòa bình mà cao thượng nhất là trạng thái Niết-bàn.

Nguyên tắc đầu tiên mà một người theo đạo Phật phải ghi nhớ đó là tôn trọng sự sống (không sát sanh). Để làm được điều đó chúng ta phải quan chiếu ta không phải là duy nhất mà trong người kia (có thể họ khác chủng tộc, tôn giáo, giới tính…) cũng có mặt ta trong đó và ngược lại trong bản thân ta có sự hiện hữu của người kia. Bởi dù sao đi nữa tất cả chúng ta được sinh ra trên Trái Đất này, được nuôi dưỡng bởi “bàn tay đất mẹ” chỉ khác là chúng ta chọn con đường đi khác nhau nhưng khi kết thúc kiếp sống ai cũng phải trở về với lòng đất.

Khi chúng ta quán chiếu được như vậy thì chúng ta dần dần thiết lập được tình yêu thương đối với mọi người xung quanh và giúp cho công cuộc phản đối chiến tranh của những người yêu chuộng hòa bình thêm sức mạnh. Trong kinh Pháp cú, Phật dạy rằng: Oán thù không thể dập tắt được oán thù, mà chỉ có tình thương mới dập tắt được oán thù mà thôi.

Một điều quan trọng nữa mà Đức Phật luôn nhắc nhở chúng ta là xây dựng hòa bình trong chính nội tâm. Vấn đề này bản thân mỗi người hoàn toàn có thể thực hiện được từ những việc hết sức đơn giản như ăn chay để thực tập hạnh từ bi, làm việc thiện để nuôi dường sự yêu thương với mọi người, mọi loài và thực tập khống chế sự sân hận để xây dựng nền hòa bình từ chính nội tâm.

Khi đã xây dựng được hòa bình trong ta thì năng lượng hòa bình ấy sẽ lớn dần rồi từ từ lan tỏa ra với mọi người xung quanh để họ thấu hiểu và cùng thực tập tạo một nền hòa bình như thế.

Kết thúc ký sự, các phóng viên của VTV24 đã hiện một dòng chữ: “Không có đức thánh Allah, đức chúa trời nào dạy người ta giết người” và Đức Phật của chúng ta không những không dạy chúng ta giết người mà còn ngăn cấm các hàng đệ tử xâm hại sự sống của mọi loài đi đôi với hành động bảo vệ sự sống.

Những giá trị nhân đạo, nhân văn mà Phật đã truyền trao phải được các hàng Phật tử thực tập và truyền bá để đánh thức bản tính từ bi, tình yêu thương còn ngủ quên trong tâm thức. Tương lai vì một Trái Đất xanh, vì một thế giới không còn mùi khói súng nằm trong tay của mỗi người.

Giữ được màu xanh hòa bình hay không là trách nhiệm và lương tri của mỗi chúng ta.

>> Bạn đọc có thể xem ký sự TẠI ĐÂY.

Ngày quốc tế Hòa bình, cũng gọi là Ngày Hòa bình thế giới, viết tắt IDP (International Day of Peace), diễn ra hàng năm vào ngày 21-9. Ngày này được cống hiến cho Hòa bình, và đặc biệt là sự không có chiến tranh, chẳng hạn như có thể là do việc ngừng bắn tạm thời trong một khu vực có chiến tranh.

Ngày quốc tế Hòa bình được nhiều quốc gia, dân tộc, các nhóm chính trị và quân sự tuân thủ. Ngày quốc tế Hòa bình đầu tiên được tổ chức lần đầu trong năm 1981.

 

Tấn Khang (GNO)