.
.

Những hoạt động sau lễ Khai hội Quán Thế Âm, ngày thứ 2


Sáng ngày 26/03/2016 (nhằm ngày 18/02/năm Bính Thân ) Lễ hội Quan Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã bước vào ngày thứ hai với các chuổi chương trình diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hoá – thể thao như:Tổ chức ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân 2016; Hội cờ làng; đua thuyền truyền thống; biểu diễn võ cổ truyền của các câu lạc bộ võ thuật; hát bài chòi; biểu diễn văn nghệ; triển lãm thư pháp, tranh thủy mặc, thuyết Pháp,  v.v…

Ngoài ra, trong những ngày diễn ra Lễ hội, chùa Quán Thế Âm cũng mở cửa Bảo tàng Văn hóa Phật giáo để đón du khách đến tham quan, nghiên cứu và chiêm ngưỡng tinh hoa cổ vật Phật giáo.

Nhằm thực hiện kế hoạch số 8476 ngày 28/10/2015 của UBND thành phố Đà Nẳng  và kế hoạch số 30 ngày 22/02/2016 của UBND quận Ngũ Hành Sơn về tổ chức ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân 2016 và chương trình hoạt động Văn hoá – Thể thao của BTC Lễ hội Quán Thế Âm 19/02 – Ngũ Hành Sơn 2016.

Hôm nay, đúng 7h00” sáng, trong không khí sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/03); Kỷ niệm 70 năm ngày thể thao Việt Nam (27/03); Kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/03) và đón du khách thập phương hành hương về vãn cảnh, trẩy hội Quán thế Âm 2016, tại chùa Quán Âm, BTC Lễ hội Quán Thế Âm đã tổ chức Lễ phát động ngày chạy vì hoà bình và sức khoẻ cộng đồng năm 2016, nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của luyện tập thể dục – thể thao. Qua đó động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện nâng cao sức khoẻ, xây dựng lối sống và môi trường văn hoá lành mạnh, góp phần nâng cao tầm vóc của người dân. 

Tham dự Lễ có: Ông Phùng Văn Cưng – Phó bí thư thường trực Quận uỷ Ngũ Hành Sơn; ông Nguyễn Đình Thư – Uỷ viên Ban thường vụ Quận uỷ – Chủ tịch UB MTTQVN Quận Ngũ Hành Sơn; ông Đoàn Ngọc Độ – Phó chủ tịch thường trực  UBND Quận – Phó trưởng ban thường trực BTC Lễ hội, cùng với các vị Lãnh đạo các Ban ngành, Hội, Đoàn thể của Quận; Lãnh đạo các đơn vị lực lượng vũ trang, trường học các phường thuộc Quận; các Phóng viên, Báo đài cùng toàn thể đồng bào tham gia chạy hưởng ứng. 

Tại buổi Lễ, ông Đoàn Ngọc Độ – Phó chủ tịch thường trực UBND Quận – Phó trưởng ban thường trực BTC Lễ hội QuánThế Âm – Ngũ Hành Sơn 2016 đã phát biểu, ôn lại truyền thống của thể thao Việt Nam qua 70 năm. Và phát động ngày chạy vì hoà bình và sức khoẻ cộng đồng năm 2016.

Tiếp đến, sau tiếng trống hiệu lệnh tất cả cùng chạy. Tham gia chạy gồm các vị Lãnh đạo Quận uỷ; UBND; UB MTTVN; Lãnh đạo các cơ quan chạy dẫn đầu. Và nối theo sau là đơn vị phường; các em học sinh Khối THPT, THCS; các CBCC – VC – NLĐ; khối lực lượng vũ trang Quận; khối thanh niên; phụ nữ; nông dân, v.v…

Chương trình kế tiếp trong lễ hội Quán Thế Âm 2016 là Hội thi cờ làng, Hội đua thuyền truyền thống do Trung tâm VHTT Ngũ Hành Sơn tổ chức. Trọng tài là những kiện tướng của thành phố Đà Nẳng. Với sự công minh, dứt khoát, chuyên nghiệp đã khiến các trận đấu này trở nên hấp dẫn hơn. 

Nét mới trong hoạt động lễ hội Quán Thế Âm năm nay là có thêm biểu diễn võ cổ truyền của các câu lạc bộ võ thuật. Do đó, không khí Lễ hội ngoài sự sôi động, hào hùng còn mang tính linh thiêng, giúp cho mọi người nhớ về cội nguồn của tổ tiên, của những người đã làm nên những kỳ tích lịch sử để mang lại cho chúng ta ngày hôm nay cuộc sống phồn vinh, và hạnh phúc.

Nhờ vào vị thế sơn thủy hữu tình, các nội dung phong phú của Lễ hội đã thu hút rất đông khách hành hương cùng khách du lịch trong và ngoài nước đến với phía Tây thắng tích Ngũ Hành Sơn. Dù vậy, công tác giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được bảo đảm trước, trong và sau Lễ hội.

Đặc biệt, với quyết tâm về một Lễ hội "5 không" do BTC đề ra gồm: không có trộm cắp, cướp giật, móc túi, không có lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng; không xả rác bừa bãi, không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; không nâng giá giữ xe, không bán hàng rong, chèo kéo khách, ép giá; không bán chim, cá và các loại thủy sản khác phóng sinh; không phát tán tài liệu, hoạt động mê tín dị đoan cơ bản đã được thực hiện khá nghiêm ngặt, khiến cho Lễ hội trở nên văn minh hơn, nhất định Lễ hội của những năm sau sẽ dần dần đi vào nền nếp, khuôn khổ. Lễ hội Quán Thế Âm năm nay tại Ngũ Hành Sơn, theo đánh giá chung đã có nhiều sự đổi mới so với mọi năm, đã tạo được ấn tượng rất tốt trong lòng những người tham dự. 

Cùng ngày, nhân dịp kỉ niệm ngày Lễ khánh đản Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, HT Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN – Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư  – Trưởng BTS GHPGVN Tp.Hà Nội đã quang lâm tham dự và thuyết Pháp cho Hội chúng. Thời Pháp thoại đã thu hút đông đảo Phật tử lắng nghe. 

Tham dự buổi thuyết Pháp có: Chư tôn đức BTS Phật giáo Đà Nẳng; TT Thích Từ Nghiêm – Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN thành phố Đà Nẳng; TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài Chánh T.Ư GHPGVN; cùng Chư tôn thiền đức Tăng, Ni Ttrụ trì các Tự viện và đông đảo khách thập phương, Phật tử các tỉnh thành về dự Lễ hội.

Mở đầu, Hòa thượng đã nói về tín ngưỡng về Bồ tát Quán Thế Âm đối với các nước Phật giáo Đại thừa, đặc biệt nhất là tại Việt Nam. Có ba danh lam thắng cảnh phụng thờ Bồ Tát Quán Thế Âm lớn nhất của Việt Nam đó là chùa Hương (xã Hương Sơn – huyện Mỹ Đức – HN); chùa Hương Tích (huyện Can Lộc – tỉnh Hà Tĩnh) cũng như là Lễ đài Quán Thế Âm của Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) là những nơi tổ chức lễ bái Bồ tát Quán Thế Âm vào dịp 19/02 lớn nhất trong đất nước. Lễ hội chùa Hương cũng là một lễ hội của Phật giáo gắn liền với dân tộc, thu hút đông đảo người dân và thời gian diễn ra dài nhất trong các lễ hội của Việt Nam.

Qua đó, Hòa thượng cũng đã giới thiệu tới Hội chúng các kinh điển Đại thừa Phật giáo nói về hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm. Và Hoà thượng đã trả lời các câu hỏi của tín chúng. Tại Pháp hội, những lời đối đáp nhạy bén, sâu sắc của Hòa Thượng đã giúp mọi người khai mở trí tuệ, có sự hiểu biết hơn đối với việc học, việc tu và công việc hoằng Pháp của một người Phật tử trong thời đại mới. 

Hòa Thượng luôn tâm niệm làm bất cứ việc gì cũng phải nhớ rằng phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật. Nhiều lúc Phật sự đa đoan, công việc khó khăn vất vả nhưng Hòa Thượng đều lấy đó làm một phương pháp tu, tu ngay chính trong cuộc sống của mình. Hòa Thượng đã học được bài học đó từ nơi các vị Thầy của mình, tuy các vị đã tuổi cao sức yếu, nhưng mỗi bước đi, mỗi cử chỉ đều có sự tu hành miên mật ở trong đó.

Ngoài ra, Hòa Thượng còn nhắc nhở Phật tử rằng: “Lễ Phật giả, kính Phật chi đức”, nghĩa là khi lễ lạy Phật là ta đang kính ngưỡng ân đức cao cả của Đức Phật. Vì Đức Phật là vị thầy vĩ đại của nhân loại, được tôn vinh là đấng Đại giác Thế tôn, là bậc Từ phụ của chúng sinh bốn loài. Khi kính ngưỡng Ngài, mỗi một lạy ta lạy xuống là phải nguyện dấn thân hi sinh vì đời, mang lại hạnh phúc an lạc cho chúng sinh. 

Lại nữa, Tổ có dạy: “Cốt sao chuyên nhất cho tinh/ Chớ ngờ rằng Phật với mình cách xa”. Hoặc đức Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng nói: “Phật chẳng đâu xa, Phật tại lòng ta”. Nếu tất cả chúng ta ai cũng có Phật ở trong lòng, luôn an trú chính niệm, luôn tỉnh giác trong mỗi lúc đi đứng nằm ngồi; từng giờ phút, từng tháng năm, rồi cả cuộc đời không bao giờ để mất chánh niệm trong tâm thì chính nơi cuộc sống an lạc đó mà chúng ta đã có Phật hiện diện trong tâm mình.

Nói về Lễ hội, Hòa Thượng chia sẻ: Lễ hội là một nghi thức sinh hoạt trong đời sống của con người, loài người văn minh luôn cần tổ chức Lễ hội để đáp ứng nhu cầu về mặt tâm linh. Lịch sử của xã hội loài người cũng như của các tôn giáo luôn gắn liền với Lễ hội. 

Lễ hội có hai yếu tố: lễ và hội. Hội là tổ chức vui chơi giải trí mang lại niềm an lạc phấn chấn, phấn khởi cho những người có mặt tại đó. Lễ là nghi thức tâm linh của tín ngưỡng tôn giáo. Và phần “lễ” bao giờ cũng được cử hành một cách trang trọng. 

Tại Việt Nam, trong phạm vi gia đình có lễ cúng giỗ ông bà tổ tiên, trong phạm vi làng xã thì có lễ cúng thành hoàng làng, trong phạm vi cả đất nước thì có ngày giỗ của quốc tổ Hùng Vương. Còn trong phạm vi tôn giáo, lễ hội thu hút đông người nhất là lễ hội Quan Âm. Đức Bồ tát Quan Âm là vị Bồ tát có hạnh vô úy thí, luôn cứu giúp chúng sinh qua khỏi khổ nạn cấp thời để chúng sinh có cơ hội tu tập, gây tạo phước lành mà đền bù ác nghiệp trong quá khứ.

Trong Lễ hội, mọi người không chỉ vui vì các hoạt động vui chơi, mà còn vui trong sự thể nghiệm, sự đoàn kết thương yêu trong tinh thần bao dung tha thứ. Phần “lễ” giúp chúng ta giải thoát về tâm hồn. Hòa Thượng cho rằng, một cuộc sống thăng hoa, an lạc, bình yên không phải trên trời rơi xuống, cũng không phải dưới đất vọt lên mà ở cả tâm ta, bởi Đức Phật đã dạy: “Tâm bình thế giới bình, tâm an thế giới an”. Phật luôn dạy chúng ta biết thiểu dục tri túc, biết thương yêu, biết lắng nghe. Nếu ai về tham dự đều cảm nhận được tinh thần của Lễ hội đó mà tổ tiên truyền lại thì ta sẽ có cuộc sống an lạc trong hiện tại. 

Trong quá khứ chúng ta đã gieo những nhân tốt nên ta được làm người, được sống trong một đất nước hòa bình, cuộc sống ấm no. Vậy mỗi người hãy gắng sức tiếp tục tu tập, hộ trì tam bảo, phụng sự chúng sinh thì chúng ta trong hiện tại và tương lai sẽ mãi mãi là những người đệ tử Phật chân chính, là những người có được niềm hạnh phúc, an lạc trong đời sống và trong nội tâm mình.

Cuối chương trình còn có buổi Pháp đàn Thiền toạ của Tăng đoàn Phật giáo vương quốc Thái Lan. Hòa thượng Pra Tep Man Kala – Phó BTS PG Thái Lan – Trụ trì chùa Wat Pha Nom và các vị chư Tăng thành viên cùng các Doanh nhân Phật tử đã tụng kinh chúc phúc. Và Hoà thượng đã ban Pháp, nhắc nhở các phật tử bốn điều cơ bản làm cho tâm an và con người chúng ta luôn được sống trong an lạc, hạnh phúc, đó là: thứ nhất, luôn êm ái, nhẹ nhàng trong hành động, cử chỉ, luôn từ ái với mọi người; thứ hai hãy luôn làm lan tỏa ảnh hưởng của hạnh phúc; thứ ba hãy yêu thích công việc mình đang làm (công việc là người bạn tốt, ruột thịt chứ không phải là kẻ thù đang làm chết dần chúng ta); thứ tư hãy luôn cho mình là người có nhiều thời gian chứ không phải luôn bận rộn (không có thời gian). Để có được an lạc, kể từ bây giờ chúng ta hãy luôn quan niệm như vậy.

Sau cùng, Hoà thượng hướng dẫn Phật tử tham dự tại Pháp đàn Lễ hội chùa Quán Thế Âm tọa thiền, dâng nến hoa đăng cầu nguyện cho đất nước hòa bình chúng sinh an lạc.

Được biết, xem kẽ các chương trình có phụ diễn văn nghệ./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tâm Trụ