.
.

Mang thông điệp Tết sạch đến với người trẻ


Như Giác Ngộ online đã đưa tin, nhân dịp Tất niên và đón mừng năm mới, Cộng động doanh nhân An Lạc (HEC) đã tổ chức sự kiện “Tết chay An Lạc – Xuân yêu thương 2018”, tại trường ĐH KHXH&NV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận thủ đô. 


Hình 3.jpg
Nhiều bạn trẻ hăng hái đến với Tết chay…

Cùng trò chuyện với anh Vương Văn Tân, người sáng lập HEC, để lắng nghe những tâm tư về mong muốn kiến tạo một mùa Tết chay, của cộng đồng những doanh nhân trẻ.

Được biết vừa qua, HEC vừa tổ chức sự kiện Tết chay tại trường ĐH. Đây được xem là một hoạt động rất mới hiện nay, và không phải dễ để thu hút các bạn sinh viên ở Hà Nội, những người ít có thói quen ăn chay, hào hứng với “tiệc chay”. Vậy, HEC làm thế nào để trường chấp nhận liên kết, cùng tổ chức Tết chay An Lạc?

Anh Vương Văn Tân: Mình năn nỉ (cười). Thật ra mình có liên hệ với phía lãnh đạo nhà trường từ rất lâu. Ai cũng hiểu, tiệc chay tổ chức ở chùa là chuyện bình thường, nhưng trường Đại học, một môi trường bao gồm cả giáo dục, chính trị, văn hóa… thì vấn đề tổ chức tiệc chay không phải chuyện đơn giản. Tuy nhiên, mình có được một nhân duyên lớn, đó là gặp được phía Đoàn Thanh niên của ĐH KHXH&NV Hà Nội, sau khi nghe nhóm mình chia sẻ về ý nghĩa của hoạt động này, thật may là các bạn đã rất hoan hỷ, giúp thuyết phục nhà trường tổ chức, rồi CLB đồng hành cùng các bạn triển khai.

Được biết, “tiệc chay” đã diễn ra khá thành công, điều gì thu hút được đông đảo sinh viên đến với sự kiện này?

–  Đây là lần đầu tiên CLB tổ chức Tết chay ở một trường ĐH, còn gặp nhiều khó khăn, do các bạn hầu hết là sinh viên, nên khâu sắp xếp, phối hợp còn chưa được chuyên nghiệp, song mình cũng không ngờ hiệu ứng của sự kiện lại thành công như vậy. Hôm diễn ra sự kiện, trời Hà Nội vừa mưa, vừa lạnh, nhưng các bạn đến với sự kiện vẫn rất đông, có cả những bạn ở trường khác.

Để các bạn chịu đến với “tiệc chay”, bên mình đã tổ chức song song nhiều hoạt động, vừa mang tính nhân văn, lại có tính giải trí cao, như gói bánh chưng, thi nấu món mâm cỗ chay, hay tạo cho các bạn cơ hội trải nghiệm trong không gian Tết truyền thống với các trò chơi dân gian, ngắm nhìn những khung cảnh của nếp nhà xưa vào ngày Tết, lắng nghe âm nhạc truyền thống… Ngoài ra, các bạn còn được lắng nghe chuyên gia trò chuyện về giá trị của việc ăn chay, ý thức bảo vệ môi trường cho chính sự sống của mình, lòng từ bi và tình thương… Tất cả tạo ra không khí sôi nổi, ấm áp giữa cái lạnh của Hà Nội.

Đây cũng là động lực để bên mình tiếp tục triển khai, tổ chức thêm nhiều những hoạt động ý nghĩa như vậy tại các trường khác. Mình nghĩ, hơn ai hết, thế hệ trẻ cần ý thức được những lợi ích của việc ăn chay, trước tiên cho sức khỏe của các bạn, sau là để bảo vệ môi trường, sống chậm lại và từ bi với nhau hơn.

Anh có thể chia sẻ cơ duyên nào đưa đến việc thành lập Cộng đồng doanh nhân An Lạc?

– Ban đầu, trước khi thành lập Cộng đồng doanh nhân An Lạc, hay có thể gọi là CLB Doanh nhân An Lạcmình có từng mở ra một CLB tên Khai Tâm Việt, chuyên đi làm từ thiện, gieo duyên, phát quà và cơm chay tại các tỉnh miền núi. Từ đây, mình có cơ hội tiếp xúc với nhiều con người có cùng suy nghĩ hướng thiện giống mình. Rồi mình nhận ra, ở CLB có nhiều người gặp phải khó khăn, trong khi họ kinh doanh những sản phẩm rất tốt, rất chuẩn, có tâm. Những trường hợp như vậy, do họ hướng đến các tiêu chí chất lượng, buộc giá thành cao, do vậy hầu hết khó tiếp cận được với thị trường mang tính cạnh tranh. Thấy được điều đó, mình thành lập CLB, mong gắn kết những người kinh doanh có tâm, để cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong việc kinh doanh, hơn hết là đưa sản phẩm chất lượng đến gần hơn với người tiêu dùng.

Sau một thời gian sinh hoạt cùng nhau, chúng mình quyết định thành lập Cộng đồng doanh nhân An Lạcvào tháng 10-2016, tại chùa Pháp Vân (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Hình 1.jpg
Anh Vương Văn Tân (1986), GĐ công ty Tân Tân (bìa trái), tại Tết chay An Lạc – Xuân yêu thương 2018

Như vậy, có thể hiểu việc hỗ trợ kinh doanh là tiêu chí hàng đầu để anh lập nên CLB?

– Không thể nói kinh tế không quan trọng, nhưng đó chưa bao giờ là tiêu chí hàng đầu, đặc biệt là trong các CLB sinh hoạt về Phật giáo. Từ đầu, mọi người, kể cả mình, đều gặp nhau vì thích công việc được đồng hành với các chùa làm thiện nguyện. Ý nghĩa của công việc này, như mình nói ở trên, là lan tỏa lối sống an lành qua việc ăn chay, gắn kết cộng đồng, hướng đến một cuộc sống an lạc. Có thể nói, đó mới là tiêu chí hàng đầu là. Từ đây, với cái tâm của các bạn trong việc kinh doanh, mình nhận ra, ở mỗi lĩnh vực các bạn tham gia như nhà hàng, cửa hàng, cơ sở sản xuất, chế biến đồ chay, đồ khô, rau củ quả, đồ handmade, các sản phẩm dinh dưỡng cho sức khỏe… đều có thể trở thành trợ thủ đắc lực nhất cho việc lan tỏa lối sống lành mạnh.

Sau khi thành lập với tiêu chí đề cao việc ăn chay sạch, CLB của anh đã có những chương trình hoạt động gì để lan tỏa điều đó đến cộng đồng, thưa anh?

–  Trong gần 2 năm kể từ ngày thành lập, CLB mình rất vui vì tuy còn “non trẻ”, nhưng đã nhận được sự tin tưởng quý báu từ các chư tôn đức Tăng Ni tại các chùa, trợ duyên cho CLB tổ chức được 4 sự kiện lớn.

Đầu tiên phải kể đến là sự kiện Tết chay An Lạc 2017 tại chùa Tứ Kỳ (quận Từ Liêm, Hà Nội). Lúc đó, mình được biết tình hình các nhà chay ở Hà Nội đang rất khó khăn, đồng thời, người dân thủ đô cũng ít có thói quen ăn chay, nhân sự kiện này, mình mong muốn mọi người, đặc biệt là người dân Hà Nội cảm nhận được cái hay của việc ăn chay, lắng nghe những diễn giả nổi tiếng, có uy tín, chia sẻ về lợi ích thiết thực của việc ăn chay. Từ đây, bên cạnh việc được trực tiếp “tư vấn”, mọi người còn được thưởng thức, tiếp cận những món ăn thuần chay, nâng cao ý thức về việc sử dụng nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng.

Sau thành công của sự kiện đầu tiên, CLB tiếp tục tổ chức sự kiện Hội xuân An Lạc tại chùa Khai Nguyên (TX. Sơn Tây, Hà Nội). Ở đây, chúng mình được xác lập kỷ lục 1.000 nồi lẩu chay. Với mình, con số ấy không phải chỉ đơn thuần là dấu ấn của một kỉ lục, mà nó mang thông điệp, đưa mọi người đến với tâm từ bi và sự an lạc nhiều hơn. Quả thực, dịp ấy, khác hẳn không khí xô bồ của những hội xuân, phần lớn mọi người đến đây lễ Phật, rồi tham gia nấu và thưởng thức lẩu rất điềm tĩnh.

Sự kiện thứ ba là Tết chay Vu Lan 2017, trong khu đô thị Gamuda City (cạnh công viên Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội), dịp này nhóm mình kết hợp cùng chùa Tứ Kỳ, Công ty Gamuda Land Vietnam và Công ty sách Thái Hà. Cũng từ chương trình này, mong muốn có những đóng góp thiết thực để bảo vệ môi trường trong mình được thôi thúc mạnh mẽ và nhóm mình bắt đầu đặt tiêu chí môi trường lên cao mỗi khi tổ chức sự kiện.

Cuối cùng là sự kiện Tết chay An Lạc – Xuân yêu thương 2018, tại trường Đại học KHXH&NV Hà Nội như mọi người đã biết.

Như vậy, trong các sự kiện của mình, CLB có gặp khó khăn gì khi kêu gọi tài trợ không, thưa anh?

– Thật ra, bên mình không kêu gọi tài trợ bao giờ. Tất cả những gì diễn ra trong sự kiện đều là sự góp sức của mỗi thành viên trong CLB. Tụi mình có gì hùn nấy, như mình kinh doanh bên âm thanh thì mình cho mượn loa, mic, đèn đóm; các bạn khác kinh doanh ẩm thực thì góp đồ ăn, kinh doanh rau củ thì góp rau củ sạch vào… mỗi người một tay làm thành các gian hàng vui vui. Quý Thầy, quý Cô thì mình thỉnh thuyết pháp nếu tổ chức tại chùa, tổ chức bên ngoài thì mình mời các cô chú là Phật tử, chuyên gia trong các lĩnh vực về dinh dưỡng, ăn chay, môi trường… đến để trò chuyện cùng mọi người. Vậy đấy, bên mình hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc hay liên quan đến bất cứ tổ chức đoàn thể nào cả. Đơn giản là có duyên gặp nhau, hợp nhau và cùng tâm nguyện thì đến với nhau, làm nhiều hoạt động có ý nghĩa cho đời sống của chính mình và mọi người thôi, đó là cách chúng mình vui đấy.

Giao Hảo thực hiện