.
.

Lễ kỉ niệm ngày Đức Phật thành đạo và 18 năm thành lập Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc


Đến chứng minh và tham dự có sự hiện diện của Chư tôn đức giáo phẩm chứng minh: Hòa thượng Thích Trí Quảng – Phó Pháp Chủ HĐCM GHPGVN, Ân sư của Đạo tràng Pháp Hoa;  Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, tăng ni Ủy viên HĐTS GHGPVN, Ban Hoằng pháp T.W, trụ trì các tổ đình miền Bắc cùng về tham dự.

  
  
  
  
  
  
  
  
  
  

Mở đầu chương trình là lời phát biểu khai mạc của Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm. Hòa thượng nhấn mạnh: “hôm nay, ngày mùng 8 tháng 12 năm Ất Mùi, chùa Bằng thành kính tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Thế tôn thành đạo, trong khoảnh khắc thiêng liêng này, chúng ta cùng nhau trầm tư để chiêm nghiệm về ý nghĩa đích thực của sự kiện này để vạch hướng đi đích thức cho kiếp sống làm người. Trước hết, là biểu trưng cho vượt qua chính mình. Trải qua biết bao tháng ngày dài khổ hạnh, công phu nhọc nhằn gạn lọc chân lý cạn sâu, hy sinh thân mạng để tìm tòi mối đạo mới cảm nhận hết giá trị chói lọi của bậc Đại Giác. 
Thứ hai, một sự khai sáng tuyệt vời cho nhân loại. Ngài xuất hiện để tìm phương pháp cứu giúp chúng sanh thoát khỏi đau thương, tăm tối như chính lời Ngài phân tỏ với Xa-Nặc lúc chia tay: "chính vì đêm tối Ta mới đi tìm ánh sáng." Cho nên, trong khoảng thời gian 49 năm còn lại của đời mình, Ngài soi rọi Ánh Đạo Vàng đến khắp muôn phương và hiển thị rõ ràng rằng: "Nếu cõi đời không đau khổ tối tăm, Đức Phật đã chẳng xuất hiện ở đời." 
Thứ ba, cánh cửa giải thoát đã mở ra cho tất cả chúng sanh. Phật tánh bình đẳng là cơ sở quan trọng để sau này Ngài thâu nhận một cách rộng rãi mọi tầng lớp trong xã hội: thiếu niên, kẻ phạm tội giết người, phụ nữ, kỷ nữ, người bần tiện, ngoại đạo, hoàng tộc v.v. vào trong giáo đoàn. "Tình thương là sợi dây liên lạc giữa người với người, không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong nước mắt cùng mặn." Đức Phật đã nêu cao nhân phẩm mọi người. Sự việc Ngài đã cởi bỏ áo gấm tột bực cao sang của một Thái tử để khoác lên mình y bá nạp, cầm bát đi khất thực tận hang cùng, ngõ hẻm của đời sống là một sự hòa hợp lớn lao, thoát xác vĩ đại con người sống trong sự bình đẳng, hòa ái.
Thứ bốn, đề cao giá trị nhân bản. Ngài chứng quả ngay trong kiếp người, chứng tỏ con người có địa vị tối ưu để trở thành Phật như kinh Hoa Nghiêm dạy: "Nhân thị tối thắng, năng sinh nhất thiết chư thiện pháp cố." Ngài đã trả lại giá trị đích thực của kiếp người. Ngài lấy con người làm cứu cánh để giải quyết hết mọi vấn đề bế tắc của thời đại, cả về nhân giới, tâm giới và siêu giới. Con người tự chịu trách nhiệm đối với cá nhân mình và hạnh phúc của chính mình chứ không có vấn đề ban phúc giáng họa từ một đấng tối cao. Đức Phật đã mang đến niềm tin, trí tuệ và giải thoát cho con người. Ảnh dụ "Người cùng tử" trong kinh Pháp Hoa là Đức Phật nhắc con người đừng đánh mất chính mình, hãy tìm và trở về với con người thật nơi chính mình. 
Và cuối cùng, thiết lập một nền giáo dục toàn diện. Nền giáo dục cần phải đặt trên nền tảng của chuyển hóa, hướng thượng tinh thần, tâm thức con người. Tâm là chủ quyết định cho mọi hành động của con người. Con người là chủ thể xã hội. Vậy một nền giáo dục đích thực phải bắt đầu từ việc cải tạo tâm. Bao cuộc cách mạng xã hội đã thất bại vì chính những người làm cách mạng muốn chinh phục thiên nhiên, chinh phục xã hội trong khi chưa làm chủ được tâm mình. Đổi mới tư duy là yếu tố quyết định cho mọi công cuộc đổi mới. Hãy cảnh giác mọi sự trá hình, lẩn khuất và ngụy biện của tà tâm và ma đạo. Đạo Phật với tinh thần vô ngã, vị tha, tứ vô lượng tâm, lục độ ba la mật sẽ cung cấp chất liệu tích cực cho sự nghiệp giáo dục và đưa xã hội loài người hướng đến Chân-Thiện-Mỹ”.

  
  
  
  
  
  
  

Cũng trong dịp này Phật tử Pháp Thiện Nội đã thay mặt cho Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc báo cáo tổng kết một năm tu học của Đạo tràng Pháp Hoa toàn miền Bắc. Trong bài phát biểu, Phật tử Pháp Thiện Nội đã điểm lại vài nét hoạt động trong năm Ất Mùi của Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc: 
-Ngày xuân Di Lặc mùng 1 Tết cầu phúc lộc: về các chùa, các trụ xứ lễ Phật và khánh tuế Quý thầy, hành hương về các nơi thánh tích. 
-Đại lễ mừng thọ ngày 27/Giêng cho 916 cụ, có 2 cụ 100 tuổi.
-Làm Phật sự Đại Giới Đàn từ 20 -> 28/2 và 2 khóa tập huấn của chư Tăng.
-Hàng tháng tu Bát quan trai một ngày và trợ duyên Phật sự cho các khóa tu tuổi trẻ của thanh niên – sinh viên và câu lạc bộ Thanh thiếu niên.
-Tham gia Đại lễ Phật Đản tại các trụ xứ – Phân cử các Đạo tràng tháp tùng Hòa thượng Giáo thọ và đại đức Chiếu Tuệ đi thăm và cúng dàng 33 Hạ trường tại Hà Nội và các tỉnh. Cử đoàn cúng dàng một số chùa ở miền Nam.
-Ấn tống kinh sách – công đức xây chùa, đúc chuông, đúc tượng, giỗ Tổ tại các trụ xứ.
-Phật sự các Pháp Hội: Vu lan báo hiếu – Pháp hội Dược Sư – các Pháp hội Hoằng Pháp ở Vũng Tàu (160 vị), pháp hội Hoằng Pháp Yên Tử.
-Các Pháp đàn siêu độ anh hùng liệt sĩ tại Điện Biên, Hà Giang…
-Hành Hạnh Bồ Tát: Tặng 3 ngôi nhà tình nghĩa tại Sơn La – Hà Tĩnh. Cứu trợ thiên tai, chia sẻ nghèo khó với đồng bào Quảng Ninh – Thanh Hóa – Hà Giang – Ninh Bình…
-Gửi các xuất cơm, cháo chia sẻ tới các bệnh nhân nghèo tại viện K, K3 Hà Nội và các bệnh nhân Bệnh viện các tỉnh vào chủ nhật, thứ ba, thứ sáu hàng tuần.

  
  
  
  
  
  
  
  
  
  

Sau đó, toàn thể hội chúng đã được lắng nghe lời đạo từ  vô cùng ý nghĩa của Hòa thượng ân sư Thích Trí Quảng. Hòa thượng tán thán thành quả mà Đạo Tràng Pháp Hoa miền Bắc đã làm được trong năm vừa qua. Trong đó, Hòa thượng chia sẻ: “Ta có thể khẳng định thế kỷ thứ 21 là thế kỷ của Phật giáo, vì năm 1999 Liên Hợp Quốc đã nhất trí 100% công nhận ngày Vesak là ngày văn hóa của nhân loại. Và kể từ đó đến nay, Phật giáo không ngừng phát triển. Đặc biệt nhất là qua những lần Vesak. Việt Nam chúng ta có tinh thần được 2 lần tổ chức Vesak. Đặc biệt là Đạo tràng Pháp Hoa phía Bắc, trong vòng 18 năm mà đã phát triển đến 58 Đạo tràng với mấy vạn Phật tử, riêng sáng nay cũng đã có trên 2000 Phật tử phát tâm thọ pháp quy y. Chứng tỏ rằng Phật giáo chúng ta từng bước đang lớn mạnh ở thế kỷ này. Tôi nhớ lại 20 năm trước ra miền Bắc, tới thăm chùa Bằng, thì lúc đó chưa có một vị Tăng nào. Nhưng 20 năm sau, không ai ngờ được đây là Trung tâm Hoằng Pháp của phía Bắc. Mỗi năm chúng ta đã có nhiều lễ hội, quy tụ hàng vạn người về đây dự lễ. Chứng tỏ rằng Phật giáo chúng ta đang trên đà phát triển tốt. Được như vậy phải nói là nhờ sự ủng hộ của chính quyền Thành phố, của địa phương và các Cụ bô lão ở tại đây. Chứng tỏ rằng quý vị cũng có căn lành ở Đức Phật trong quá khứ. Có thể nói là Phật tử miền Bắc chúng ta sở dĩ phát tâm hôm nay là nhờ căn lành trong đó. Hơn 2000 năm về trước, ông bà Tổ tiên và cha mẹ chúng ta đều theo Đạo Phật. Tôi nhớ có một lần đi dự hội nghị tôn giáo thế giới ở tại Ý, tôi cùng một vị giám mục đại diện cho tôn giáo Việt Nam. Thì chính vị giám mục đó đã nói trước hội nghị là “tôi là con của Chúa, tin ở Chúa nhưng ông bà Tổ tiên của tôi gốc từ Đạo Phật”. Cho nên ta phát tâm được hôm nay là nhờ Tổ tiên ông bà của chúng ta. Nếu không có căn lành đó thì Đạo tràng Pháp Hoa chúng ta không thể phát triển mạnh được như ngày hôm nay. Đó là cái nhìn sâu sắc nhất mà chúng ta thấy được. Cho nên tôi nói Đức Phật có thanh tịnh pháp thân, có viên mãn báo thân và có thiên bá ức hóa thân. Thì chúng ta nguyện mỗi hành giả là một hóa thân của Đức Phật, mang tinh thần nhập thế của Đạo Phật, làm lợi ích cho chúng sinh và cho cuộc đời này. Như vậy thì mới xứng đáng là người con Phật và kỷ niệm đẹp nhất trong ngày thành Đạo của Đức Thế Tôn”.

  
  
  
  
  
  
  
  

Cuối buổi lễ chư tôn đức cùng toàn thể đạo tràng đã niêm hương bạch Phật khóa lễ Tam Bảo.

  
  
  

Cũng nhân dịp này, đáp ứng nhu cầu của những thiện nam tín nữ phát tâm thiện lành muốn quy y Tam Bảo, nương nhờ vào ba ngôi báu để sống đời tỉnh thức, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã làm lễ truyền thụ Tam quy ngũ giới cho 1254 thiện nam tín nữ.
Quy y Tam bảo là điểm khởi đầu đánh dấu cho một sự chuyển hướng tâm hồn về nẻo thiện, sau khi quy y thiện nam tín nữ chính thức trở thành người con Phật. Do đó, buổi lễ Quy y vô cùng quan trọng, vì vậy trước khi buổi lễ truyền thụ Tam quy ngũ giới diễn ra, Đại đức Thích Lệ Minh – Ủy viên Ban Hoằng pháp TW GHPGVN đã giảng giải về ý nghĩa của việc quy y Tam Bảo tới toàn thể đại chúng. Đại đức đã nói rõ ý nghĩa và lợi ích của việc thọ trì Tam quy – Ngũ giới. Tam quy giúp mỗi người có chỗ dựa tinh thần thù thắng, vững chắc, tránh bị đọa vào ba đường dữ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Ngũ giới là phương pháp thiết thực và cụ thể giúp chúng ta ngăn ngừa những hành động sai trái nơi thân, khẩu, ý, từ đó mà đạt được sự an vui trong hiện đời và vị lai. Tam Bảo là điểm nương tựa khởi đầu, là nền tảng căn bản rất quan trọng mà tất cả Phật tử tại gia cần ý thức và thể hiện tốt đẹp trong cuộc sống.
Sau đó, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã đăng đàn truyền thụ Tam quy Ngũ giới cho 1254 quý thiện nam tín nữ. Đại chúng đều thành kính nhất tâm nguyện thọ trì những lời Phật dạy, thực hiện giữ gìn 5 điều giới và 3 phép quy.