.
.

Lễ khai đại hồng chung ở Thiền thất Hương Vân


Sáng ngày 05/11/217, (nhằm ngày 17/09/ năm Đinh Dậu), Lễ Vía Quan Âm Bồ Tát, Lễ Khai Đại Hồng Chung và Khóa Tu ĐỜI SỐNG TĨNH THỨC lần thứ IX đã được tổ chức trang trọng, ấm cúng tại Thiền thất Hương Vân (ấp Ngã Tư, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM). Thông quan buổi lễ, mọi người được chiêm nghiệm thêm về những giáo lí Phật dạy, được chiêm ngưỡng những bậc Tôn túc đầy đạo đức, đạo hạnh. Đây sẽ là chuẩn mực, hình mẫu lí tưởng cho các phật tử học tập và noi theo.


Đến chứng minh cho buổi Lễ có: TT Thích Đạt Đức Trưởng BTS GHPGVN Q.Tân Bỉnh, Trụ trì Chùa Hải Quang; TT Thích Phước Đạt – Ủy viên HĐTS, Phó ban kiêm Chánh thư ký BGDTN T.Ư, Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại TP. HCM; TT Thích Phước Hạnh – Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long; TT Thích Viên Giác – Trụ trì Thiền thất Hương Vân; TT Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang. Ngoài ra, còn có Chư tôn đức Tăng Ni chùa Từ Tân, Thiền Tôn Phật Quang và các Tự viện xa gần, cùng hơn 1500 phật tử đồng tham dự.

Được biết, trong buổi Lễ này, Thượng tọa Thích Chân Quang sẽ là Người thuyết giảng chính cho các phật tử. Đây không phải là lần đầu tiên Người đến với nơi này bởi cách đây một năm, khi Thiền thất Hương Vân khánh thành, an vị tượng đài, Người cũng đã về đây thuyết Pháp. Vậy nên, sự kiện lần này càng có liên quan mật thiết đến Người.

Tại buổi lễ, Thượng tọa đã giới thiệu cho các phật tử về tình huynh đệ đồng đạo của mình, một loại tình cảm quý giá mà chúng ta khó thấy trong thời đại ngày nay. Nhờ đó mà Thượng tọa và Chư tôn đức kết nghĩa với nhau có thể hoàn thành tốt công việc bảo vệ, phát huy Phật giáo, cũng như tìm được niềm vui trong cuộc sống của mình.

TT Thích Chân Quang cho biết, tình cảm huynh đệ đó trước hết được xây dựng trên sự kính nể, vì đạo phong chân chính cũa mỗi Người. Hơn nữa “thiền” là nhân tố quan trọng, vô hình gắn kết mọi người lại với nhau.

Thật vậy, như TT Thích Phước Hạnh, dù không tu thiền nhưng chiêm nghiệm từ cuộc đời mình, Người thấy “Không thiền không có trí tuệ’. Vậy nên, Người đã phát nguyện lấy lại thiền cho Phật giáo miền Tây tại cơ sở chùa Phật Ngọc Xá Lợi (Vĩnh Long). Đây là một cuộc cải cách lớn, nếu không phải người trí tuệ, dũng lực thì hẳn không dám làm.

Bằng uy tín, uy đức và quyền lực của mình, lại thêm có sự hỗ trợ của các Chư tôn đức khác, TT Thích Phước Hạnh đã mạnh dạn phát huy thiền cho Phật giáo miền Tây. Nhờ đó, những khóa thiền đều đặn được mở ra hàng tháng, số  lượng phật tử tham gia ngày càng đông, đặc biệt hàng trăm vị chư tôn đức Tăng Ni tại tỉnh Vĩnh Long cũng tham gia khóa tu.

Tại đây, Khóa tu tập trung, ưu tiên cho những điều căn bản, cốt lõi trước. TT Thích Chân Quang tâm niệm, chỉ cần mọi người tu cho chắc, cho vững, rồi từ từ phát huy. Lịch sử sau này nhất định sẽ ghi lại sự tình cao quý cho Phật giáo, vì trước đến giờ không ai nghĩ đến việc thay đổi, mà có nghĩ thì cũng chỉ để trong lòng, không dám nói ra. Còn TT Thích Phước Hạnh lại dám đứng ra làm một cuộc cải tổ, tiên phong đứng mũi chịu sào. Ngoài uy đức, hẳn Thượng tọa phải được chính quyền địa phương và phật tử yêu mến thì mới được ưu thế như vậy.

Tại buổi lễ, Người đặc biệt tôn vinh công đức của gia đình Bí thư Thành ủy TP HCM ông Nguyễn Thiện Nhân khi đã phát tâm, cúng dường gần như toàn bộ chi phí cho việc đúc Đại Hồng Chung. Tuy nói tiền và công sức của nhiều người cùng góp lại, nhưng tinh thần, chủ trương chính vẫn là của phu nhân Bí thư Thành ủy.

Được biết, việc thiết kế, đúc chuông lần này tốn rất nhiều công sức và tâm huyết. Từ việc chọn nguyên liệu, trộn đồng cho đến khi thành phẩm. Nhờ đó, chuông có màu ngũ sắc, âm trầm ấm, khác với những chuông màu tươi, âm vang khác.

Nghe tiếng chuông vang ghềnh, ấm dày vang lên, Người khẳng định từ đây Thiền thất Hương Vân sẽ ngày một nổi tiếng. Tuy nhiên, nổi tiếng thì phải có lõi tu hành. Ngoài việc mở Khóa tu định kì, Người cho rằng HT Thích Viên Giác cũng cần tạo cơ hội cho mọi người đến tĩnh tu. Nghĩa là bất cứ ai, bất cứ khi nào đều có thể đến Thiền thất tu được hết.

Không chỉ Thiền thất Hương Vân, tương lai chùa Phật Ngọc Xá Lợi cũng đi theo hướng này, thậm chí quy mô còn lớn hơn. Với cái hướng là mở trung tâm thiền, chùa Phật Ngọc Xá Lợi sẽ là nơi mà bất cứ ai hay phái đoàn nào cũng có thể đến tu được. Chúng ta tin rằng với cái nhìn đầy trí tuệ của TT Thích Phước Hạnh thì thiền – con đường cốt lõi của đạo Phật – sẽ được phục hồi, mở mang, chín chắn và ngày càng sâu sắc.

Người nhấn mạnh, chúng ta không khoe khoang, phóng đại khi nói về điều này bởi ai thực hành thiền mới thấy được hết cái vi diệu của nó. Ta cũng không trù dập cái này hay cái kia để tôn vinh mình, chỉ cần đi đúng con đường chánh pháp, chánh đạo, chánh nhân thì hương thơm sẽ bay ra. Nếu hương thơm của hoa chỉ bay theo chiều gió thì hương thơm của người đức hạnh có thể ngược gió, bay khắp nơi. Tức là khi các thiền viện đi đúng con đường của Phật, người về tu sẽ được lợi ích.

Trước những lời chia sẻ đầy chân tình, trí tuệ của TT Thích Chân Quang, TT Thích Phước Hạnh rất đồng tình và ủng hộ. Người nhắc lại 3 lời nguyện trong buổi kết nghĩa tình linh sơn pháp lữ Đại thừa: Một là tuyệt đối trung thành, hai là tuyệt đối bảo vệ đạo Pháp, ba là tuyệt đối phát huy dòng thiền trên khắp mọi miền đất nước, Người nhận định chắc chắn mọi người sẽ dốc hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chấn hưng, phát triển Phật giáo.

Để thực hiện được mục tiêu ấy thì thiền vừa là phương tiện vừa là mục tiêu. Sau hơn mấy chục năm tu tập Pháp môn Tịnh độ, Người chỉ nhận ra điều đó khi gặp TT Thích Chân Quang. Nhờ duyên gặp gỡ này, Người ngộ ra rằng pháp môn nào cũng là phương tiện để đưa chúng sinh từ bờ mê về bến giác, nhưng chỉ có thiền mới đưa con người đến bờ giác ngộ giải thoát. Và cũng chỉ khi có thiền thì mới có trí tuệ sinh. Vậy nên, Người đã xoay chiều từ bản thân cho đến môn hạ, phật tử. Hy vọng, trong tương lai cả chư Tăng Ni miền Tây cũng tu tập theo pháp môn thiền.

Theo Người, ngoài sự quyết tâm của Chư tôn đức thì sự ủng hộ của Lãnh đạo chính quyền cũng là nhân tố hết sức quan trọng trong việc mở rộng, củng cố các trung tâm thiền, phục vụ việc tu tập, mọi lúc, mọi nơi cho Tăng Ni, phật tử khắp chốn. Vì vậy, Người rất mang ơn Chính quyền địa phương và hy vọng mọi người rốt ráo tu tập thiền để sớm tìm được ánh đạo vàng của Đức Thế Tôn.

Nghe những lời đạo từ của TT Thích Phước Hạnh, HT Thích Viên Giác vô cùng hoan hỷ, ủng hộ, bởi từ đây, dòng thiền được lan tỏa rộng khắp, trước mắt thiền giúp mọi người tiết giảm được áp lực của cuộc sống thường ngày và làm thanh tịnh tâm hồn. Tuy nhiên, nổi bật trong những lời đạo từ đó là nhiệm vụ bảo vệ Phật pháp. Điều này nghe thì thấy bình thường, nhưng quan điểm bảo vệ này lại rất có ý nghĩa. Với chức năng của người con Phật, được thừa hưởng những giá trị nơi Phật pháp, thì vun bồi, xây dựng, củng cố đạo Pháp là chuyện ta phải làm. Nếu không làm gì hết thì rõ ràng, ta là người ngoại đạo. HT Thích Viên Giác hết sức nhấn mạnh việc này.

Lại thêm, trên con đường hoằng Pháp, đạo Phật gắn bó chặt chẽ với văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Nghĩa là, đạo Pháp và dân tộc là một. Nên nói đến bảo vệ đạo Pháp đồng nghĩa với việc bảo vệ dân tộc. Vậy mới có từ “hộ quốc an dân”.

Hòa thượng khẳng định đây là vấn đề rất lớn nhưng cũng rất nhỏ bởi nó thể hiện công đức bảo vệ Phật pháp sâu rộng nhất. Ai có khả năng làm cho ánh sáng của Phật lan tỏa một cách sâu sắc thì đó là cách toàn diện. Nói thì vĩ đại nhưng thực sự, nó đòi hỏi ta phải bảo vệ Phật pháp bằng cái nghĩa cử nhỏ bé của mình.

Tại buổi lễ, TT Thích Đạt Đức khẳng định đây là một duyên lành. Người cho rằng công đức đúc chuông rất lớn nhưng đúc chuông mà không có người thỉnh chuông, không có người nghe chuông thì cũng không được. Nghe chuông sẽ giúp mọi người xóa tan mọi phiền não, tâm trở nên thanh thản, nhẹ nhõm, miệng lúc nào cũng mỉm cười.

Lại thêm, việc chọn ngày Vía Quan Âm để thỉnh chuông thật là một quyết định đúng đắn, vì Bồ tát luôn trở về để nghe chính mình. Mọi người cũng vậy, nghe tiếng chuông để hiểu rõ tâm và bản chất mình hơn. Đôi khi trong cuộc sống ta không nhìn lại mình mà cứ nhìn người khác để rồi đau khổ. Vậy nên, chỉ mong tiếng chuông sẽ giúp ta kiểm soát, sửa đổi thân mình hằng ngày. Được vậy thì người tạo chuông, người thỉnh chuông và người nghe chuông đều có công đức như nhau.

Hôm nay, chuông đã có rồi thì mọi người hãy siêng năng về đây thỉnh chuông ít nhất một tháng hai lần. Đồng thời, giúp đỡ, ủng hộ nhau trong việc tu tập, đưa Phật vào trong lòng của tất cả chúng sinh.

TT Thích Chân Quang nhận định: chỉ một vài lời của TT Thích Đạt Đức đã thâu tóm được cả đại ý Phật pháp. Đồng thời, Người cũng ra một công án là “tiếng chuông làm lòng ta khác đi”. Nghe và kiến giải được những lời đạo từ sâu sắc này, ta buộc phải thúc liễm tu hành. Một cách nói thường vị, nhẹ nhàng nhưng cực kì kĩ, đó là ép chúng ta phải tu. Thật là những lời đạo từ hết sức quý giá.

Tiếp lời TT Thích Đạt Đức, TT Thích Phước Đạt cũng khẳng định tiếng chuông làm lòng chúng ta hoan hỉ hơn. Quá trình hình thành và phát triển Phật giáo của ta từ thuở xa xưa cũng đều bắt nguồn từ tiếng chuông cả. Vậy nên mới có câu: “Rủ nhau xuống bể mò cua, lên núi hái củi, vào chùa nghe kinh”.

Ngoài nghe kinh, chúng ta còn được dạy về con đường nội tâm, tìm về giá trị của chính mình. Nghe tiếng chuông mà có thể vứt bỏ được phiền não, cho tâm thanh thản, trí tuệ khai mở. Đây cũng một phần là nhờ ta siêng tu, biết sửa sai và biết hoàn thiện chính mình. Vì vậy, Người hy vọng khi tiếng chuông vang lên, tâm hồn phật tử cũng nhẹ nhàng đi, đạo tâm càng kiên cố đi theo tâm nguyện xả thân phụng sự cho đạo pháp để mạng mạch Phật pháp được trường tồn.

Trong buổi Lễ, Chư tôn đức tuy có những lời đạo từ khác nhau nhưng những đạo lí trong đó đều là chân lí, đạo đức, là lòng từ bi gửi đến đại chúng. Được tắm mình trong những chân lí đó, các phật tử đều cảm thấy ấm lòng, hoan hỉ. Không những vậy, mọi người còn được nghe TT Thích Phước Hạnh xướng bài kệ hô chuông, và một bài thơ tán thán nhân ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm do Người sáng tác. Đây sẽ là vốn liếng để các phật tử đi tiếp trên con đường tu hành cũng như là hoằng dương Phật pháp của mình.

Buổi thuyết giảng đã diễn ra thành công, tốt đẹp trong không khí trang nghiêm, ấm cúng. Sau đó, mọi người tiếp tục tham gia chương trình an vị tôn tượng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật và khai đại hồng chung trong khuôn viên của Thiền thất Hương Vân. Cùng ngày, nhiều hoạt động ý nghĩa khác cũng được triển khai và nhận được sự hưởng ứng đông đảo của phật tử.

Đến 11 giờ, buổi lễ khép lại nhưng để lại rất nhiều ấn tượng, cảm xúc trong lòng các phật tử. Thật hiếm khi nào mọi người vừa có thể học đạo lí, vừa có thể chiêm ngưỡng cùng một lúc nhiều vị Chư tôn đức đáng kính, đức hạnh như lần này. Mỗi bậc Chư tôn đức là một hình tượng sống để các phật tử học tập, phấn đấu theo.

Buổi lễ lần này một lần nữa cho thấy vai trò đặc biệt của Phật giáo trong việc bảo vệ dân tộc cũng như đời sống tâm linh của con người. Một khi Phật giáo còn thì dân tộc còn, tinh thần còn. Phật giáo lụy tàn thì dân tộc khó mà đứng vững được. Vậy nên, bảo vệ và phát huy Phật giáo cũng chính là bảo vệ và phát huy sức mạnh tinh thần dân tộc. Đây là nhiệm vụ của tất cả mọi người chứ không của riêng ai./.

Tuệ Đăng