.
.

Ấn Độ: Phật giáo Việt Nam tham dự hội nghị về xúc tiến du lịch hành hương Phật tích


Lúc 7h tối đêm 02/10/2016 tại Hội Trường Zarowar, New Delhi chính thức diễn ra Lễ Khai Mạc Hội Nghị “Ấn Độ – Miền đất Phật” lần thứ V.

Tham dự buổi Lễ có Tiến Sĩ Mahesh Sharma, Bộ Trưởng Bộ Du Lịch và Văn Hóa Ấn Độ, Ông Karu Jayasuriya, phát ngôn viên của Nghị Viện Tích Lan, Bà Chavanee Tongroach, Thứ Trưởng Bộ Du Lịch và Thể Thao Thái Lan, Ông Mr.Marcio Favilla, Giám Đốc Điều Hành Tổ Chức Du Lịch Thế Giới Liên Hiệp Quốc, Giáo Sư Lokesh Chandra, Chủ Tịch Hội Quan Hệ Văn Hóa Ấn Độ, Ông Vinod Zutshi, Thư Ký Bộ Du Lịch và Văn Hóa Ấn Độ cùng đại biểu lãnh đạo và giáo phẩm cao cấp, tu sĩ, cư sĩ, học giả, phóng viên báo chí, các cơ quan đoàn thể của 39 quốc gia, bao gồm 275 đại biểu tham dự. Trong đó, phái đoàn đại biểu Việt Nam do Hòa Thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự, Phó Ban Phật Giáo Quốc Tế, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Phó Chủ Tịch Hội Hữu Nghị Việt Nam – Ấn Độ dẫn đầu cùng với 10 Tãng Ni và 3 vị cư sĩ phóng viên báo chí tham dự.

Buổi lễ bắt đầu bằng việc đốt nến nguyện cầu. Tiến Sĩ Mahesh Sharma mời các vị khách danh dự cùng bước ra Lễ Đài để trang nghiêm đốt nến cầu nguyện hòa bình và phước lành cho nhân loại. Đó cũng như là thắp sáng niềm tin, nối kết tình thương yêu hiểu biết mang lại năng lượng và sức mạnh. Mọi người đều hân hoan và thành kính tham dự tiết mục nặng tính tôn giáo và thiêng liêng này.

Chương trình được tiếp tục với phần niệm chú, tụng kinh của Sư Cô Nepal: niệm Án Ma Ni Bát Di Hồng (Oṃ Maṇi Padme Hūṃ) và tụng bài kinh cho việc lắng đọng và tu luyện thân tâm theo điệu nhạc. Chắc hẳn những cử tọa không hiểu được về ý nghĩa những lời tụng nhưng âm điệu trong trẻo, ngân nga, trầm bổng khiến mọi người cảm thấy nhẹ nhàng, tâm thức rời xa thế gian xô bồ vật chất, hướng đến hòa nhập cung bậc tâm linh thanh thoát theo tấm gương thị hiện độ sanh của những đấng thiêng liêng.

Trong diễn văn khai mạc, Tiến Sĩ Mahesh Sharma, Bộ Trưởng Bộ Du Lịch và Văn Hóa Ấn Độ nhấn mạnh về sự quan tâm lớn của quý vị cử tọa khi nhiệt tình tham dự, về chủ trương của chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hành hương, du lịch tâm linh Phật Giáo và về những cơ hội hợp tác giữa chính phủ Ấn Độ và các cơ quan đoàn thể để cho Du Lịch Tâm Linh Phật Giáo được diễn ra ngày càng tốt đẹp hơn. Mục tiêu chính của Hội Nghị là làm sống dậy cuộc đời và lời dạy của Đức Phật, chia sẻ kinh nghiệm hành hương tham quan và bảo tồn di tích văn hóa lịch sử các Thánh Tích tại Ấn Độ. Đây là cơ hội để trao đổi với nhau về những suy tư và khả năng về lợi ích và tham quan Thánh Tích, tạo duyên hỗ tương nhau trong việc kết nối du lịch, tham quan thông qua bài phát biểu, gặp mặt trực tiếp theo nhóm, theo bàn tròn và cá nhân của các cơ quan đoàn thể Phật Giáo và công ty du lịch,tham quan chiêm ngưỡng các Thánh Tích để cảm nghiệm được tính thiêng liêng và thu hút nơi các Thánh Tích đó…Đây là cuộc Hội Nghị lớn nhất so với 4 lần trước đó tổ chức vào các năm 2004, 2010, 2012, 2014. Phật Giáo chiếm 7% dân số thế giới, với vị trí số 4 trong các tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất thế giới. Đạo Phật một tôn giáo với Từ Bi và Trí Tuệ để lại dấu ấn khắp châu Á và khắp nơi trên thế giới. Du lịch văn hóa tâm linh là mối quan tâm rất lớn của chính phủ Ấn Độ. Du lich tâm linh đã mang lại ích lợi cho kinh tế Ấn Độ, giao lưu văn hóa, tôn giáo, ổn định cho đời sống xã hội. Chính phủ Ấn Độ quan tâm đến việc nâng cao hạ tầng cơ sở, tiện nghi, tôn tạo trùng tu các Thánh Tích và trợ duyên cho các cơ quan đoàn thể tổ chức du lịch hành hương tâm linh tiến hành tốt hơn vì lợi ích tâm linh chiêm ngưỡng Thánh Tích, nhu cầu văn hóa tôn giáo của quần chúng. Thông điệp về Hòa Hợp và Hòa Bình của Đức Phật cần được làm sống dậy và áp dụng vào thế giới hiện đại của chúng ta. Tôi hy vọng quý vị có 4 ngày Hội Thảo và Tham Quan thư thái, thuận tiện và hạnh phúc cũng như góp phần tạo mọi điều kiện cho những mục tiêu chung của chúng ta về bảo trì, nâng cấp, tạo duyên cho những ai có nhu cầu hành hương tham quan, cho họ được tròn tâm nguyện trong Ánh Từ Quang của Đức Phật. Xin kính chào và tri ân tất cả quý vị.

Sau lời phát biểu của Tiến Sĩ Mahesh Sharma, Tổng Thư Ký của Tổ Chức Du Lịch Thế Giới Liên Hiệp Quốc, Ông Taleb Rifai, gửi thông điệp qua vệ tinh đến Hội Nghị. Ông nhấn mạnh, Ấn Độ là một nơi với nhiều di tích quan trọng và ý nghĩa mà du lịch thế giới cần ưu tiên quan tâm. Văn Hóa và tinh thần Đạo Phật cần phải được bảo trì và tôn trọng để cho việc du lịch hành hương tham quan có sự kết nối hỗ tương chặt chẽ hơn nữa mang lại lợi ích quốc tế và cho mỗi cá nhân hành giả hành hương trong hành trình Theo Dấu Chân Phật.

Tiếp lời Ông Taleb Rifai, Ông Vinod Zutshi, Giám Đốc Điều Hành Tổ Chức Du Lịch Thế Giới chia sẻ thêm quan điểm: “Ấn Độ với sự phong phú về di tích lịch sử văn hóa tôn giáo hấp dẫn thế giới đến du lịch, tham quan, đầu tư. Đây là lần thứ 3 tham dự cuộc Hội Nghị này, tôi vui mừng nhận thấy số lượng cử tọa ngày một tăng lên. Sự hiện diện quý vị tại đây hứa hẹn sẽ thúc đẩy du lịch, hành hương đến Ấn Độ lên một tầm cao mới. Năm 2015, Ấn Độ tiếp đón 8 triệu lượt khách du lịch và đưa đến doanh thu 21 triệu đô la cho quốc gia Ấn Độ. Năm 2016 là năm kỷ lục mới cho du lịch Ấn Độ. Các phương tiện kỹ thuật được áp dụng hỗ trợ cho du lịch như là dạng E-visa và nhiều cách khác thúc đẩy rất nhiều cho du lịch Ấn Độ càng thêm phát triển. Du lịch là một phần không thể thiếu được trong cách sống của con người ở thế kỷ 21 dù cho bao nhiêu vấn đề về kinh tế, thiên tai, an ninh và chính trị đang xảy ra trên thế giới. Mỗi năm có hơn 300 triệu người trên thế giới viếng thăm các Thánh Tích Tôn Giáo. 3 lợi ích mà chúng ta có thể đạt được : 1/ Sự quan tâm bảo trì các di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, 2/ Du lịch tâm linh đóng vai trò quan trọng trong ý thức và lối sống của con người, góp phần vào ổn định và phát triển xã hội, 3/ Du lịch tâm linh đóng vai trò kết nối hiểu biết yêu thương, đến gần nhau hơn, vượt qua khoảng cách và xây dựng hòa bình thế giới. Bên cạnh đó chúng ta đối diện với 3 thử thách : 1/ Bảo đảm du lịch bảo trì chứ không phải là phá hủy di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, 2/ Bảo đảm không phá vỡ truyền thống phong tục của cư dân vùng đó và quốc gia đó, 3/ Bảo đảm rằng lợi ích của du lịch cần đến với những người dân sở hữu vùng di tích đó. Để kết thúc tôi muốn lưu ý 2 điều : 1/ năm vừa rồi trong Hội Nghị các nhà lãnh đạo thế giới đã đề cập du lịch là một yếu tố quan trọng góp phần cho ổn định và phát triển xã hội, 2/ Hội Đồng Liên Hiệp Quốc công bố năm 2017 là năm cho du lịch thế giới, vậy tất cả chúng ta hãy tận dụng cơ hội duy nhất và tốt nhất này để phát triển du lịch, xây dựng hiểu biết và hòa bình cho thế giới chúng ta.”

Chủ Tịch Hội Quan Hệ Văn Hóa Ấn Độ, Ông Vinod Zutshi đề cao vai trò của Thiền Định, Từ Bi, Trí Tuệ của Phật Giáo cho đời sống hạnh phúc và phát triển nhân loại. Ông kể lại câu chuyện Đức Phật cảm hóa Vô Não và tính ôn hòa bất bạo động của Phật Giáo. Những trụ đá Vua A Dục và những ký sự của Ngài Huyền Trang để lại những dâu tích quý giá để chúng ta lần theo cuộc đời Đức Phật và Tăng Đoàn. Quan điểm và lối ứng xử tích cực của Đức Phật đối với nhân loại có ảnh hưởng sâu rộng khắp thế giới. Thủ Tướng và những cơ quan chức năng Ấn Độ tạo mọi điều kiện để trồng hạt giống Bồ Đề trong tâm mọi người để trổ nên những hoa quả tốt đẹp cho thế giới này.

Ông Karu Jayasuriya, phát ngôn viên của Nghị Viện Tích Lan đánh giá cao về Hội Nghị này: “lãnh đạo thế giới bày tỏ sự hiểu biết và tôn kính Phật Giáo. Cùng với các tiến bộ về các ngành khoa học kỷ thuật khác, tại Tích Lan, chúng tôi xác định triêt học Phật Giáo định hình cho sự phát triển quốc gia. Ngay từ thời Vua A Dục, Phật Giáo rất phát triển và Vua đã cho con trai và con gái của Ông đến Tích Lan truyền bá Phật Giáo. Chúng tôi luôn trịnh trọng nhớ ơn về điều này. Đến thế kỷ thứ 12, di tích Phật Giáo Ấn Độ bị tàn phá bời Hồi Giáo. Đến năm 1891, Tăng sĩ Tích Lan, ngài   đã sáng lập nên Tổ Chức Đại Bồ Đề (Maha Bodhi Society) và tổ chức này cũng như Phật Giáo Ấn Độ được phục hưng vào năm 1945. Ấn Độ là nơi đến ưa thích của du lịch Tích Lan trải qua nhiều thời kỳ. Các tổ chức, cơ quan và chính phủ Tích Lan đầu tư các hạ tầng cơ sở phương tiện cho du lich Ấn Độ tại Delhi, Bodhgaya, Calculta và nhiều nơi ở Ấn Độ. Trong lịch sử Tích Lan, chính bản thân Đức Phật đã đến Tích Lan 3 lần. Đức Phật để lại dấu chân trên núi rừng Tích Lan, chặng đường Ngài đi qua. Tích Lan tích cực phát triển hành hương du lịch tâm linh Phật Giáo. Răng Đức Phật và Cây Bồ Đề là những di sản vô giá Đức Phật đang được trân trọng và chiêm ngưỡng bởi hàng triệu triệu người đến tham quanTích Lan. Tôi hy vọng rằng du lịch tâm linh Ấn Độ sau cuộc Hội Nghị của chúng ta cũng sẽ được nâng lên tầm cao mới.”

Ông Vinod Zutshi, Thư Ký Bộ Du Lịch và Văn Hóa Ấn Độ nhận định rằng Đức Phật là nhân vật kiệt xuất từ Ấn Độ và chúng ta sẽ đi theo các dấu tích của Ngài tại Bodhgaya, Sanarth, Nalanda, Ragir và Varanasi. Đạo Phật là một tôn giáo lớn trên thế giới. Trí tuệ của quý vị Tăng Ni, học giả, cử tọa tại đây chúng ta sẽ thúc đẩy Phật Giáo và du lịch tâm linh lên tầm cao mới.

Bà Chavanee Tongroach, Thứ Trưởng Bộ Du Lịch và Thể Thao Thái Lan cảm ơn cơ hội mà chính phủ Ấn Độ và Bộ Du Lịch và Văn Hóa Ấn Độ tạo điều kiện cho Bà được tham dự cùng với nhiều vị Guru (Hàng tu sĩ – đạo sư đáng kính) và các cơ quan tổ chức khác nhau trên thế giới. Theo Bà Chavanee Tongroach : du lịch là một trong những ngành trụ cột để mang lại sự cảm thông và thúc đẩy kinh tế. Du lịch có thể tiến hành theo các chuyên ngành lĩnh vực khác nhau như : tôn giáo, lịch sử, y khoa, thể thao, nông nghiệp,…Du lịch mang đến tình hữu nghị và hòa bình. Với tư cách là một Phật tử, tôi rất hạnh phúc được viếng thăm Ấn Độ, xứ sở của Đức Phật và được soi sáng bởi những vị Đạo Sư ở đây. Tôi xin gửi lời chúc mừng đến Bộ Du Lịch và Văn Hóa Ấn Độ, chính phủ Ấn Độ đã tổ chức thành công cuộc hội nghị này và lòng cảm ơn sâu sắc khi tạo cơ hội cho tôi được hiện diện tại đây và chia sẻ với quý vị.

Cuối cùng đại diện của Bộ Du Lịch và Văn Hóa Ấn Độ đã gửi lời cảm tạ đến quý vị quan khách và tất cả 275 đại biểu đến từ 38 quốc gia khác nhau trên thế giới khiến cho Hội Nghị được trang trọng, có nhiều chia sẻ tích cực, nhiều dự án hợp tác trong tương lai và Hội Nghị thành công viên mãn.

Là một đại biểu tham dự hội nghị tôi có cảm tưởng – và nghĩ rằng đây cũng là những cảm tưởng chung của nhiều đại biểu khác – cho dù mọi người đến từ những phương trời khác nhau, màu da, tiếng nói, xuất sứ, văn hóa khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một lòng tôn kính Đức Phật với tuệ giác tối thượng đã soi sáng cho nhân loại từ thế kỷ 6 trước công nguyên đến nay. Chúng ta cùng hội tụ về đây để làn theo dấu Như Lai, đường xưa mây trắng, có nhiều kỷ niệm tâm linh nơi xứ Phật để rồi tạo duyên cho những người khác cùng đến đây cảm nghiệm, tu học và thừa hưởng di sản văn hóa, tâm linh bất diệt truyền trao từ Đấng Giác Ngộ. Hành hương tâm linh nơi xứ Phật đóng vai trò rất lớn trong việc nối nhịp cầu cảm thông hiểu biết lẫn nhau, mang những thông điệp chân lý Đức Phật truyền trao áp dụng rộng rãi trong cuộc sống cho hòa bình và hạnh phúc của nhân loại. Những chân lý Như Lai đã khám phá và chỉ dạy có giá trị vượt thời gian và không gian, đặc biệt có tác dụng đưa ra những giải pháp thiết thực cho bao nhiêu nạn khủng bố, chiến tranh, kỳ thị, tai nạn, dịch bệnh, đời sống thiếu thốn và khổ đau …mà nhân loại trong thế giới hiện nay vẫn đang gánh chịu, Cuộc hội ngộ này sẽ mở mang hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm, kết tình hữu nghị và Pháp Lữ với Phật Giáo năm châu và những ai trân quý giá trị trong Chân Lý Đức Phật truyền trao. Cảm ơn cuộc Hội Nghị đã mang đến sự giao cảm và chia sẻ này. Đó là sự thực hành của hiểu biết, thương yêu, hữu nghị, chia sẻ góp phần cho hòa bình, ổn định, phát triển và hạnh phúc cho nhân loại trong ánh Hào Quang của Đức Phật.

Nơi diễn ra lễ khai mạc.

 

Băng rôn, pano được trang trí khắp nơi.

 

 

HT. Thích Thiện Tâm dẫn đầu đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự hội nghị.

 

Tụng chú theo điệu nhạc của một Sư cô người Nepal.

 

Toàn cảnh hội trường.

 

Tiến Sĩ Mahesh Sharma, Bộ Trưởng Bộ Du Lịch và Văn Hóa Ấn Độ phát biểu.

 

 

 

 

 

 

Ông Vinod Zutshi, Giám Đốc Điều Hành Tổ Chức Du Lịch Thế Giới chia sẻ thêm quan điểm.

 

 

 

Chụp ảnh lưu niệm.

Thích Đồng Trí