.
.

Vấn đáp: gieo nhân như thế nào mà một người có tâm sân nhiều, người có tâm sân ít…


14462968_2101908126701137_4905475806353936549_n_570845438

1. Kính thưa Thầy, gieo nhân như thế nào mà có sự khác biệt giữa người hiếu động và người không hiếu động?

Đáp: Hiếu động là do cấu tạo của bộ não. Như trẻ em mà hiếu động là do cơ cấu sinh lý phải như vậy thì nó mới lớn. Ngược lại đứa nào ngồi một chỗ là không tốt.

Trong khoảng độ tuổi sơ sinh tới hai hoặc ba mươi mấy tuổi, não luôn luôn gây xung động, buộc cơ thể phải hoạt động chứ không đứng yên được. Do đó con nít mà bắt ngồi một chỗ là không được, tại não cứ trút cái xung động vào buộc phải đứng lên, chạy tới chạy lui cho nó lớn. Giống như cây, nếu không có gió làm lung lay thì cây không lớn. Tuy nhiên qua ba mươi tuổi, bỗng nhiên cái xung động nó giảm lại, nên con người đầm hơn, như vậy là đúng.

Dù vậy, thường nó có cái đà. Có người tuổi nhỏ hiếu động đến chừng hai mươi mấy, bắt đầu đầm lại từ từ. Nhưng có người qua ba mươi rồi mà không chịu đầm lại, vẫn tiếp tục hiếu động. Bởi vì những môn mà họ sinh hoạt, những trò giải trí không đem đến cho họ sự trầm tĩnh. Bởi thế qua tuổi hiếu động mà không đầm, vẫn loai choai như con nít. Trường hợp này rất nguy hiểm cho bộ não, dễ bị stress, lên tăng xông, do hiếu động làm cho não căng. Vì vậy đối với trẻ em, chúng ta biết đến độ tuổi nào phải dừng lại sự hiếu động để giữ bộ não. Lúc nhỏ cần hiếu động để cơ thể lớn, nhưng lớn rồi thì nên trầm tĩnh nhằm giữ bộ não bền cho tuổi già, chứ lớn lên mà căng thẳng, hiếu động là tiêu bộ não.

Vì vậy, đối với trẻ em, khoảng mười mấy tuổi là bắt đầu cho nó ngồi Thiền, phải kiềm chế từ từ, để chuẩn bị cuộc đời có nhiều cuộc vui lôi kéo nó. Hoặc cái đà của xung động còn kéo dài thì lúc đó cái Thiền quán cũng từ từ tăng trưởng kiềm nó lại, làm nó trầm tĩnh hơn để giữ bộ não lâu dài.

2. Thưa Thầy, gieo nhân như thế nào mà một người có tâm sân nhiều, người có tâm sân ít?

Đáp: Hễ cái ngã chúng ta lớn thì mình dễ nổi nóng. Người hay nổi nóng thường kiêu mạn nhiều. Chúng ta thấy một người thường hay cự cãi người khác thì biết rằng ông nghĩ ông hơn người đó. Nhưng khi đụng chuyện phải đứng trước người công an thì mặt mày xanh như tàu lá, nói gì cũng vâng dạ. Thấy vậy biết ngay là trước mặt công an, ông dìm cái ngã mình thấp xuống. Tức là nơi khung cảnh nào cái ngã nhỏ xuống thì ông không sân. Ngược lại rất dễ nổi sân.
Khi biết vậy, trong mọi hoàn cảnh, hay đối với mọi người, chúng ta đều kiềm cho cái ngã nhỏ xuống thì dù trái nghịch cách mấy mình cũng không sân.

3. Bạch Thầy, thí dụ như có một người nhà giàu cho người nghèo một triệu đồng thì trong một kiếp nào đó, người nghèo có phải trả lại số tiền đó không?

Đáp: Luôn luôn phải trả, và cách trả như thế nào còn tùy theo tâm của người nghèo. Nếu người nghèo đó tâm tốt, luôn quý mến và nhớ ơn người giàu, và khi gặp lại ở một kiếp khác, họ vui vẻ trả quá một triệu cũ. Cứ gắn bó vay trả, trả vay trong nhiều kiếp luân hồi. Nên những người tốt gặp nhau, cứ gắn bó mãi. Trường hợp nếu người nghèo tâm xấu, luôn luôn tránh né không muốn trả số nợ cũ thì họ cũng bị bắt buộc phải gặp lại người giàu kia trong một kiếp nào đó, và phải trả số nợ cũ bằng cách làm nô lệ cho người giàu đó, mà qua nhiều kiếp, số nợ đó tăng lên. Lúc nhận chỉ một triệu, nhưng đến lúc trả, sẽ trả gấp mười lần hoặc hơn.

4. Thưa Thầy, vậy thì mình không nên nhận của bất kỳ ai cho mình?

Đáp: Trường hợp người cho là người tốt thì mình nhận cũng được, nếu bị ngặt nghèo quá. Còn nếu không cần số tiền đó nhưng mình nhận để sử dụng vào việc lợi ích, cũng tốt cho cả hai. Trong cuộc đời, nhìn lại mình sẽ thấy là đã nhận ân nghĩa của rất nhiều người, có những ân lớn mà mình không thể trả nổi. Vì vậy, để đền trả một phần nào cuộc đời đã cho mình thì phải ráng nỗ lực làm nhiều việc lợi ích, việc tốt hơn nữa để phước càng sâu dầy thì những người giúp mình lúc trước cũng được hưởng chung phước với mình.

Nhưng có những người mình không nên nhận bất kỳ một chút gì, đó là những người xấu ác. Vì nếu mình thọ ơn những người này thì chắc chắn một kiếp nào đó người này sẽ sai mình làm việc sai trái mà mình không thể cưỡng lại được. Đây cũng là lý do một tên cướp có rất nhiều tay chân thuộc hạ, vì kiếp trước tên này cũng cho rất nhiều người, mặc dù biết tên này rất ác, nhưng họ vẫn cứ nhận thì kiếp sau, bắt buộc phải trả nợ bằng cách làm tay sai cho tên cướp đó.

5. Thưa Thầy, người tạo nghiệp ác sẽ lãnh quả báo ác. Do họ tạo nghiệp thì lãnh nghiệp là đúng rồi. Nhưng nghiệp của họ lại có thể làm cho người khác tạo nghiệp. Như vậy nhân quả nằm ở chỗ nào?

Đáp: Để làm sáng tỏ vấn đề này chúng ta hãy nghe câu chuyện:
Có một gia đình bị nghiệp “Lấy cướp và giết người”, thì đúng ngày đó, tự nhiên có hai người đến gõ cửa. Người trong nhà vừa mở cửa ra, họ ùa vào bắt trói mọi người, cướp của rồi giết chết hết. Sau đó, công an phát hiện và bắn chết những tên đó.

Qua câu chuyện như vậy chúng ta thấy:

– Một bên tới lúc phải trả nghiệp ( gia đình bị cướp).
– Một bên tới lúc tạo nghiệp ( mấy tên cướp).

Nếu nhìn cạn chúng ta hiểu: “Tội của người này tạo thì họ lãnh, nhưng sao bắt mấy tên cướp phải tạo nghiệp để cho người đó trả. Như vậy nó thành ra cái tội của nó nữa”?

Sự thật chúng ta phải hiểu thế này, gia đình đó đến lúc trả quả, còn tên cướp đến lúc gieo nhân. Như vậy việc gieo nhân có ngẫu nhiên không? Không ngẫu nhiên. Mà nó do một cái nhân nào trước đó nữa, nên mới tạo thành hành động. Đó là cái nhân tư tưởng trước. Tên cướp này trước đó đã suy nghĩ về cướp của giết người (nhân) thì tới kết quả là họ phải hành động. Đồng thời, sự sắp xếp của vũ trụ vạn hữu, của luật nhân quả, khiến cho người này phải trả quả, đúng vào thời điểm người kia phải tới lúc tạo hành động, do ý nghĩ trước kia của họ.

Luật nhân quả rất logic, nó sắp xếp cho người trả quả và người gieo nhân ăn khớp lại với nhau. Và người gây nhân, không phải là ngẫu nhiên mà là trước đó, họ đã gây cái nhân tư tưởng rồi. Cũng vậy, chúng ta cứ nuôi tư tưởng từ bi, bố thí thì tự nhiên sẽ có lúc làm được điều đó. Trong nhân quả là vậy, nếu chúng ta nuôi những tư tưởng lành thì sẽ có dịp làm được những điều lành, trùng với việc người đang đến lúc hưởng quả.

6. Theo Thầy nói, luân hồi quả báo tác động lên tất cả chúng sinh. Có những người không tin nhân quả báo ứng và những người theo đạo khác cũng không tin. Như vậy khi chết những người nầy có bị quy luật trên chi phối hay không?

Đáp: Chân lý không phụ thuộc vào niềm tin. Như nước sẽ sôi khi đun nóng lên 100 độ C. Tin hay không tin thì khi đun nóng ở nhiệt độ đó nước vẫn sôi. Luật quả báo đi theo quy luật riêng của nó và tác động lên tất cả, không tùy thuộc vào tin hay không tin. Nhưng có một điều làm cho con người không tin vào quy luật trên. Ví dụ: Có người trong cơn túng quẫn, chợt nhớ đến người quen biết cũ giàu có, quyền thế, nên đến cầu khẩn xin giúp cho một triệu và đã được người kia giúp. Hoặc có người đến một đền thờ nào đó, cầu xin thần linh giúp đỡ cho một việc gì thì được toại nguyện. Những người này thấy đâu cần phải tin vào Luật Nhân Quả, đâu cần phải làm phước mà vẫn được toại nguyện. Họ đâu biết những cái có được của họ ngày hôm nay cũng đều do nhân quả kiếp quá khứ tạo thành.

Người nhà giàu kia giúp cho người nọ một triệu, biết đâu kiếp trước đã thọ ơn của người nọ một việc gì, đến kiếp này phải trả lại. Hay người mà đến vị thần linh cầu xin được toại nguyện thì cũng do trong một kiếp nào đó, người này với vị thần linh kia cũng có một chút duyên lành, đến kiếp này cầu xin thì vị ấy cũng phù hộ được. Vì vậy thoạt nhìn thì tưởng không có nhân quả, thật sự quy luật trên bí mật chi phối trong đời sống mỗi người.

7. Thưa Thầy, khi gặp một chuyện khổ hay bệnh nặng có người xuống tóc để cầu nguyện cho hết khổ hay hết bệnh. Như vậy có đúng nhân quả không?

Đáp: Không đúng nhân quả. Phải làm việc gì đó có lợi ích cho chúng sanh như phóng sinh, bố thí, đắp đường, xây cầu, v.v… rồi cầu nguyện hồi hướng mới đúng nhân quả, chứ xuống tóc thì việc này không có lợi cho ai.

8. Thân xác của ông mất sau thì rã, còn thân xác của bà mất trước nhưng vẫn còn nguyên. Bạch Thầy giải thích hiện tượng trên cho con được biết.

Đáp: Trước hết giải thích theo khoa học, tức là xác bà chôn trước nhưng nằm ở vùng đất có tính bảo quản được xác. Vùng đất đó có thể có nhiều chất vôi, ít bị virus tấn công v.v… đại khái như vậy. Còn xác của ông chôn nhằm hố rác gì đó, xui nên bị mối đục. Nhưng sự thật nằm ở chỗ khác có liên quan đến nhân quả con người. Tức là mọi cái đều liên quan tới nghiệp. Nghiệp hiện ra hết, thí dụ: Xác bà chôn lâu rồi mà không bị hư thì thường là nguyên nhân của nhân quả và tâm linh.

Nhân quả tâm linh nói theo địa lý là xác kết, huyệt kết tức là đắc khí thì con cháu nhờ vào huyệt đó mà làm ăn khá lên. Tức là xác cha mẹ lâu không rã thường là huyệt kết, con cháu làm ăn được , và người đó đang còn ở một cõi hơi cao nên còn tồn tại chưa đi đầu thai qua một kiếp mới, cái ngã vẫn còn tồn tại. Thường cái xác đó không rã lắm, nó hay tồn tại lâu một chút. Còn xác ông rã trước, có nghĩa là, có thể gọi phước ông kém hơn phước bà. Ông đã đi đầu thai rồi, con cháu làm ăn không nhờ vào cái đức của ông. Đó là nói trên nhân quả.

9. Thưa Thầy, con có cô bạn nhờ con kính bạch lên Thầy, cô này không biết kiếp trước gieo nhân gì mà kiếp này bị bệnh bạch tạng biến thể, tức là màu da bị trắng lên, mà loang lổ chỗ trắng chỗ đen, rất xấu. Cô này cũng khá đep mà bây giờ gương mặt bị như vậy, nên cô rất khổ tâm, hay mặc cảm.

Đáp: Thật ra có nhiều nhân quả rất tế nhị và cũng khó đoán. Bệnh bạch tạng thì tự nhiên da bị trắng bốc lên. Thường cái xấu của mình do nhiều nguyên nhân: Do chê bai, do làm xấu và xúc phạm người khác.

Nguyên nhân thứ nhất là do chê bai. Ví dụ như gặp ai xấu mình cũng chê, hay gặp ai cùi mình cũng coi thường hay chê, coi chừng kiếp sau mình bị cùi. Hay chê mặt này giống ma, kiếp sau sinh ra mặt mình có cái bớt đen để giống ma một chút, tức là do chê bai.

Nguyên nhân thứ hai là mình làm xấu ai đó. Ví dụ như mình tạt axit, hay là tượng Phật, Thánh hoặc tượng của ai đó mình vẽ bậy bạ rằn ri lên trên

Nguyên nhân thứ ba là xúc phạm bậc Thánh. Cái này mới ghê gớm, ngoài cái nhân điên loạn về sau còn thêm quả báo xấu nữa.

Phải ráng làm phước, sám hối. Vừa lạy Phật, sám hối, vừa làm nhiều việc phước, lâu ngày sẽ hết. Có bà vợ một ông bác sĩ ở Canada, bà bị giựt dây thần kinh số mấy không biết, miệng bị méo qua một bên, bác sĩ nói bị hư dây thần kinh số bảy gì đó, y khoa không chữa được. Khi về đây, bà lạy Phật, sám hối theo lời chỉ dạy. Một thời gian bà bình phục hoàn toàn như người không bị gì hết.

10. Kính thưa Thầy, một người gián tiếp làm cho người khác phải uống thuốc độc tự tử vì mình thì quả báo người đó ra sao?

Đáp: Ví dụ có người nào đó mà họ nói yêu mình mà mình thì không thể yêu được, và người đó tự tử chết. Hoàn toàn lỗi không phải tại mình, vì không phải mình yêu người ta rồi bỏ. Ngay từ đầu mình đã từ chối, mà người ta chết mình không có lỗi.

Thượng Tọa Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang BRVT