.
.

Thái Lan: Tu Sĩ Phật Giáo Dẫn Đầu Lễ Kỷ Niệm 40 Năm Vụ Thảm Sát 6/10/1976


Nhiều tu sĩ Phật giáo, nhà hoạt động xã hội hay chỉ đơn thuần là những người hiếu kì đã cùng nhau tụ tập hôm thứ năm, ngày 6/10/2016, để kỷ niệm 40 năm của một trong những ngày đen tối nhất lịch sử Thái Lan, khi cảnh sát đã giết hại nhiều sinh viên đại học trong một cuộc biểu tình ôn hòa cũng như chà đạp các thi thể một cách kinh tởm.

11-h01

(Nguồn: scmp.com)

Năm 1976, các sinh viên của Đại học Thammasat, Bangkok đã biểu tình phản đối sự quay trở lại của một cựu độc tài đáng ghét (tức Thanom Kittikachorn), họ bị mắc kẹt trong một đám đông phản động và cảnh sát bán quân sự được trang bị vũ khí hạng nặng. Những kẻ này sau đó đã bắn súng và lựu đạn vào đám đông sinh viên khoảng vài ngàn người không có khả năng tự vệ.

Sau đó nhiều côn đồ đã xông vào và bắt rất nhiều sinh viên. Các nạn nhân bị đưa đến một khu vực công cộng gần đó, bị đánh đập đến chết, bị treo cổ hoặc bị cưỡng hiếp với nhiều thi thể bị quẳng vào một giàn hỏa thiêu dã chiến một cách thô bạo. Con số tử vong chính thức là 46 người mặc dù có những ước tính đáng tin cậy lên đến con số hơn 100 người chết.

Biến cố này được sử dụng như một cái cớ để quân đội giành chính quyền ngày hôm sau, đẩy lùi một phong trào dân chủ do sinh viên lãnh đạo ba năm trước đó.

Lễ kỷ niệm năm nay đã thu hút sự quan tâm rộng rãi hơn thường lệ bởi lẽ một diễn giả được mời đến, nhà hoạt động dân chủ Hong Kong, Joshua Wong, đã không được chính quyền Thái Lan cho phép nhập cảnh, đã trở thành tin tức nổi bật trên toàn thế giới. Ông Wong đã được mời phát biểu tại trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, trường đại học lần đầu tiên tham gia kỷ niệm vụ thảm sát Thammasat.

Hiệu trưởng của Đại học Thammasat, Somkit Lertpaithoon, cho biết rằng trong đội ngũ nhân viên của họ còn có những người sống sót sau sự kiện năm 1976.

“Mặc dù các sự kiện của ngày 10/6 có thể không được ghi lại trong lịch sử Thái Lan nhưng các thế hệ mới vẫn cố gắng để tìm hiểu về chúng”, hiệu trưởng Somkit phát biểu tại trường nhân kỷ niệm sự kiện này.

Vụ thảm sát Thammasat luôn là một vấn đề nhạy cảm, vừa bởi những hình ảnh giết người thể hiện mặt tối của đặc điểm người Thái, vừa bởi cuộc tấn công vào trường đại học cho thấy cách chính quyền tiến hành lạm dụng nhân quyền mà không bị trừng phạt – chưa từng có kẻ nào tham gia sự kiện 1976 bị xét xử.

Lễ kỷ niệm mới đây diễn ra trong bối cảnh Thái Lan một lần nữa nằm dưới sự cai trị của quân đội kể từ cuộc đảo chính năm 2014, đồng thời cũng là một nhận thức ngày càng cao về nhân quyền kể từ năm 1976 đã dẫn đến nhiều câu hỏi về việc sử dụng bạo lực cấp quốc gia, đặc biệt là việc thỉnh thoảng xuất hiện những cuộc đấu tranh bạo lực vì quyền lực chính trị đã đẩy Thái Lan vào tình trạng rắc rối trong thập kỷ vừa qua, bao gồm cả các cuộc tấn công đường phố đẫm máu ở thủ đô Bangkok năm 2010.

“Sau 40 năm, vụ thảm sát vẫn là mối quan tâm bởi nó vẫn chưa được giải quyết một cách chính thức. Những người liên quan đến vụ bạo lực đã không bị xử lý, ngay cả khi đã có một làn sóng công lý lan khắp thế giới, và thậm chí đã mở rộng những nghi vấn và điều tra liên quan đến vụ bạo lực hồi tháng 4, tháng 5 năm 2010”, Tyrell Haberkorn, một thành viên cải cách chính trị xã hội tại Đại học Quốc gia Australia, phát biểu đầu tuần này trước khi diễn ra lễ kỷ niệm.

Patporn Phoothong, một thành viên của nhóm nghiên cứu điều tra các sự kiện của năm 1976, cho biết, một trong những mục đích của nhóm là xác định người trong một bức ảnh nổi tiếng, trong đó, một người đàn ông dùng một chiếc ghế xếp để đánh một xác chết biến dạng treo trên cây trước sự chứng kiến của đám đông. Không ai biết tên của các nạn nhân, kẻ tấn công hoặc bất kì người chứng kiến nào.

“Trở ngại mà chúng tôi phải đối mặt, tôi nghĩ rằng, là bởi vì thậm chí đã 40 năm trôi qua, mọi người vẫn sợ hãi và e ngại khi nói về nó cũng như cảm thấy rằng có nói thì cũng chẳng làm được điều gì tốt đẹp hơn”, bà Patporn chia sẻ.

Dân Nguyễn

(Dịch từ Associated Press)

Theo Pháp bảo