.
.

Mỹ: Đạt Lai Lạt Ma – Không Có Cái Gọi Là “Khủng Bố Hồi Giáo”


Trước sự trỗi dậy của nhiều vụ tấn công khủng bố do ISIS gây ra cũng như do ảnh hưởng của nhóm này, Islamophobia* ngày càng gia tăng một cách đáng lo ngại; ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump thậm chí đã kêu gọi “chấm dứt hoàn toàn và triệt để” những người Hồi giáo đến nước Mỹ. Tất nhiên, “vơ đũa cả nắm”, gán Hồi giáo với chủ nghĩa khủng bố là vô căn cứ và phi lý: ISIS chỉ chiếm khoảng 0.00625% dân số Hồi giáo toàn cầu.

29-h01

(Nguồn: Getty Images)

Thực tế, theo Đạt Lai Lạt Ma, thủ phạm của những hành động bạo lực không phải là tất cả những người Hồi giáo. Phát biểu trước Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp, hôm thứ năm, ngày 15/9/2016, ông lập luận rằng những cuộc tấn công khủng bố về bản chất là mâu thuẫn với Hồi giáo.

“Khủng bố Hồi giáo, nói như vậy là sai”, ông bắt đầu bài phát biểu.

Bất cứ người nào muốn lạm dụng bạo lực đều không còn là một Phật tử chân chính hay một người Hồi giáo chân chính, bởi lẽ một giáo lý Hồi giáo dạy rằng, một khi bạn can dự vào cuộc đổ máu thì thực ra bạn không còn là một tín đồ chân chính của Hồi giáo nữa”, Đạt Lai Lạt Ma nói.

“Tất cả mọi truyền thống tôn giáo lớn đều mang cùng một thông điệp như nhau: thông điệp của tình yêu thương, lòng từ bi, sự bao dung, độ lượng, mãn nguyện và tự giác – nó tồn tại ở mọi tôn giáo”, ông tiếp tục.

Nhận xét của Đạt Lai Lạt Ma được đưa ra trong cùng một tuần với kì lễ thánh của người Hồi giáo, Eid al-Adha, và tròn 15 năm sau vụ tấn công khủng bố 11/9.

Nhiều ý kiến cũng được đưa ra trong bối cảnh ngày càng gia tăng Islamaphobia. Không chỉ là luận điệu chống Hồi giáo của Donald Trump, tuần trước, một phụ nữ Hồi giáo mặc trang phục truyền thống đã bị thiêu cháy trong một tội ác căm phẫn ở New York City. Cũng hồi tháng này, một phụ nữ ở Brooklyn đã đấm vào mặt hai phụ nữ Hồi giáo và cố gắng xé hijab (mạng che mặt) của họ.

Trước đó, vào tháng tám, một người đàn ông Hồi giáo và trợ lý của ông này đã bị bắn chết ở Queens.

Phân biệt Hồi giáo với chủ nghĩa khủng bố cùng với việc tìm kiếm một nền tảng chung là hết sức quan trọng để hòa hợp và dẹp yên bạo lực, Đạt Lai Lạt Ma đề nghị. “Đạt đến mức độ đó chúng ta có thể xây dựng một nền hòa hợp chân chính trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau, ngưỡng mộ lẫn nhau”, ông chia sẻ.

Ghi chú: Islamophobia là những định kiến và phân biệt đối xử đối với những người Hồi giáo vì tôn giáo của họ, vì xuất thân tôn giáo, quốc gia hay dân tộc gắn với Hồi giáo.

Giống như chủ nghĩa chống Do Thái, phân biệt chủng tộc, kì thị đồng tính luyến ái, Islamophobia biểu thị những tâm tính và hành động hạ thấp toàn bộ một tầng lớp người. Người Do Thái, người Mỹ gốc Phi và nhiều quần thể cư dân khác trong suốt các thời kì lịch sử đã phải đối mặt với những định kiến và phân biệt đối xử. Islamophobia chỉ đơn giản là một hình thức khác của xu hướng cố chấp bất hạnh này. (Tham khảo: http://bridge.georgetown.edu/what-is-islamophobia/)

Dân Nguyễn

(Dịch từ World Mic)

Theo Pháp bảo