.
.

Mông Cổ: Sứ Mệnh Phục Hưng Phật Giáo


Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới và hiện nay vận mệnh của tôn giáo này ở Mông Cổ đang đặt trên đôi vai của những người trẻ tuổi.


June-18-B08-H01

Nhà sư Lobsang Tayang, 29 tuổi, đang kiểm tra khả năng ghi nhớ kinh Phật của một trong hai cậu học trò. (Ảnh: Reuter TV)

Nhiều tự viện trong cả nước chủ yếu đang được điều hành bởi các nhà tu hành lớn tuổi – những người thuộc thế hệ đầu tiên xuất hiện sau hàng thập kỉ kiểm soát tôn giáo dưới chế độ Xô Viết.

Chỉ cần bốn năm tu học, Lobsang Tayang, 29 tuổi, đã có thể dạy hai chú tiểu trong khi theo thường lệ thì anh phải trải qua khoảng 20 năm mới có thể đạt được vị trí này.

“Tôi thấy mình hình như mình chưa trau dồi đủ kiến thức”, Lobsang Tayang chia sẻ. “Tôi đã từng đặt ra câu hỏi, trở thành giảng sư khi chính tôi còn đang cần tu học liệu có đúng không?”.

Vào thời kì tôn giáo bị kiểm soát, bắt đầu từ những năm 1930, hầu hết người Mông Cổ đều theo một hình thức Phật giáo tương tự với Phật giáo được tu tập ở Tây Tạng.

June-18-B08-H02

Các nhà tu hành trẻ tuổi ra khỏi Chùa Amarbayasgalant sau giờ kinh trưa. Chùa Amarbayasgalant nằm ở huyện Baruunburen, tỉnh Selenge, Mông Cổ. (Ảnh: Thomas Peter)

Sau khi chế độ dân chủ được thiết lập ở Mông Cổ vào năm 1990, nhiều tự viện và chùa chiền đã được xây dựng trở lại bởi các nhà tu hành tồn tại qua thời kì sóng gió trước đó và hầu hết họ đã ở tuổi 70.

Ngôi chùa của Lobsang Tayang, Amarbayasgalant, là một tổ hợp nằm sâu trong một đồng cỏ bất tận, cách con đường gần nhất đến 35 km. Nơi đây đã từng là nhà của khoảng 800 nhà sư nhưng rồi do biến động lịch sử, nhiều nhà tu hành đã ly tán. Hiện nay, chùa có khoảng 40 người, người lớn tuổi nhất trong số này là trụ trì ngôi chùa mới chỉ 35 tuổi.

Các nhà tu hành trẻ tuổi đang cố gắng để bảo tồn các công trình kiến trúc của chùa có tuổi đời từ thế kỉ 18 và đã được công nhận là Di sản Văn hóa UNESCO. Hiện nay, chỉ còn lại 28 trong số 40 ngôi chùa cổ ở Mông Cổ.

Tương lai mờ mịt

Lobsang Tayang đánh thức hai học trò của mình – Batkhan Tuul 10 tuổi và Temuulen 11 tuổi – dậy lúc 7 giờ sáng để kiểm tra kinh kệ và sau đó dành cả buổi sáng để tụng kinh.

Buổi trưa, hai chú tiểu nhỏ tuổi có thể học nhiều chủ đề khác nhau như toán học hoặc văn học nếu tìm được giáo viên.

Lựa chọn một “nghề” tu học như thế này không hề phổ biến ở thế giới hiện đại và tìm được những đứa trẻ sẵn lòng tham gia tu học có thể không dễ dàng. Lựa chọn này hầu hết thường do cha mẹ bọn trẻ quyết định và nó hiếm khi là một nhiệm vụ dễ dàng.

“Thằng bé không thích tu học vì nó sợ các bức tranh và bệ thờ”, mẹ của Temuulen, bà Badamkhand Dambii, nhớ lại phản ứng của đứa con trai khi lần đầu tiên bà đề cập đến chủ đề này. “Thằng bé nói những thứ ấy thật đáng sợ”.

Phải mất một thời gian thằng bé mới làm quen được, bà Badamkhand nói thêm.

June-18-B08-H03

(Nguồn: Reuter TV)

Tuy nhiên, giúp cho đứa trẻ đến chùa chỉ mới là một nửa của “cuộc chiến”. Giữ chân chúng ở lại chùa mới là thử thách thực sự. Nhiều chú tiểu không giữ được bổn phận tôn giáo của mình, Lobsang Tayang chia sẻ. Chúng sống trong tự viện nhưng sao nhãng bởi thế giới bên ngoài – nơi mà chúng được phép đến hai lần trong năm, mỗi lần khoảng một tuần. Chùa cũng có 3G để truy cập internet nhưng những người dưới 25 tuổi thì bị cấm sử dụng điện thoại.

“Chặt một cánh rừng thì rất dễ, đúng chứ?”, Lobsang Rabten, phó trụ trì Chùa Amarbayasgalant, nói. “Nhưng phải mất nhiều thời gian để những cây khác mọc lên”.

Nhà tu hành này hy vọng đưa ngôi chùa của mình trở về thời hoàng kim của nó. Hiện giờ, Temmuulen được gắn bó với Amarbayasgalant và hy vọng sẽ phục hưng ngôi nhà tôn giáo của mình trong tương lai.

“Khi tôi lớn, nếu ngôi chùa trở nên lớn hơn và nổi tiếng hơn, hy vọng sẽ có nhiều trẻ em đến chùa”.

Dân Nguyễn

(Dịch từ Reuter)