.
.

Lào: Nhà Tu Hành Phật Giáo Với Phát Triển Và Bảo Vệ Môi Trường


Một cuộc cách mạng âm thầm đang thành hình ở Lào, nơi mà những nhà sư Phật giáo ý thức về môi trường đang giảng dạy cho mọi người về đạo đức và thiền định để dẫn dầu một phong trào vận động mọi người phát triển cộng đồng và sống hòa hợp hơn là phá hủy tự nhiên dưới danh nghĩa phát triển.


Tại làng Ban Beungsanthueng ở huyện Nongbok, tỉnh Khammouane, cách thủ đô Viên Chăn khoảng 400km về phía nam, nhiều nhà sư đã dạy cho dân làng về “sila” (đạo đức Phật giáo) và cách sống tốt hơn cũng như bảo vệ môi trường. Các nhà sư giải thích cho dân làng hiểu mối liên hệ giữa con người và tự nhiên cũng như tầm quan trọng của nó đối với cuộc sống và sự thịnh vượng của họ.

“Mời người dân đến thực hành thiền định và chứng kiến bát chánh đạo là quá trình chuẩn bị tâm lý cho họ trước khi phát động bất cứ hoạt động gì… để thức tỉnh họ, giúp họ nhận ra sự tác động của những hành động hay thực hành của họ đối với môi trường cũng như những ảnh hưởng của nó đối với đời sống hằng ngày, sự an thịnh của họ”, Phra Phithak Somphong, nhà sư của một ngôi chùa địa phương, giải thích.

Dec-17-B12-H01

Các tăng ni đang tổ chức một khóa đào tạo “Tinh thần Phật tử tình nguyện” tại Wat Nakhoun Noi, huyện Nasaythong, Viên Chăn.

Phra Phithak là một trong những nhà sư đã được đào tạo bởi “Dự án Phật giáo vì sự phát triển” (BDP) của Tổ chức Hữu nghị Phật giáo Lào (LBFO) với mục đích khuyến khích công tác phát triển dân thường. Phra Phitak đã bắt đầu công việc từ trước khi thầy hoàn thành khóa đào tạo năm 2013 của mình ở Viên Chăn và thầy đã mời nhiều dân làng đến để chứng kiến các nghi thức Phật giáo, thực hành chánh niệm vào mỗi ngày rằm hàng tháng. Thầy cố gắng khắc sâu đạo đức Phật giáo vào mỗi người dân, trong đó có trẻ em và thanh thiếu niên.

Phra Phithak nhấn mạnh rằng việc tu tập này theo phong cách giảng dạy hay đào tạo của Đức Phật (Buddha witheenaikarnsone).

Đồng thời, nhà tu hành Phra Phithak cũng đã tổ chức một nhóm “Tinh thần Phật tử Tình nguyện vì Cộng đồng”. Hoạt động của nhóm gồm có làm vệ sinh đường sá, tái chế phân bón hoặc phân bón hữu cơ cho hoạt động nông nghiệp, thí điểm nuôi trồng hữu cơ, trồng rừng, bảo vệ rừng và bảo vệ sinh thái.

Phật giáo và Phát triển

Trong nhiều thế kỉ, Phật giáo đã có mối liên hệ với sự phát triển ở Lào. Phật giáo đã được truyền vào và phát triển ở quốc gia này từ thời vua Fangum Maharaja ở thế kỉ 14 khi vương quốc Lanxang (vương quốc triệu voi) được thống nhất. Kể từ đó, nhiều ngôi chùa Phật giáo đã đóng một vai trò thiết yếu như các trung tâm giáo dục (các trường học – chùa hay “hong hien wat” trong tiếng Lào) và những nhà sư Phật giáo đã tiếp tục đóng vai trò giáo dục trong xã hội cho đến tận ngày nay.

Ngoài ra, các nhà sư Phật giáo ở Lào đã có nhiều hỗ trợ quý báu cho quá trình giành được và tuyên bố độc lập của Lào từ tay thực dân Pháp cũng như thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (Lao PDR). Các nhà tu hành đạo Phật đã cổ vũ tinh thần và thúc đẩy người dân tham gia đấu tranh cho độc lập tự do của Lào.

Sau khi thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2/12/1975 sau khi kết thúc chiến tranh Đông Dương, vai trò của các nhà sư đạo Phật đối với sự phát triển có dấu hiệu giảm sút. Tuy vậy, các giá trị Phật giáo vẫn còn được duy trì, gắn bó trong phong cách sống, truyền thống và văn hóa Lào. Các nhà sư tiếp tục giữ vai trò giáo dục của mình.

Các nhà tu hành ý thức được vai trò của mình, lưu lại trong cách ngôi chùa để nghiên cứu và thực hành Dhamma (các giáo lý Phật giáo) và kinh điển, chấp thuận những lời mời của người dân để có mặt trong các hoạt động/ nghi lễ tâm linh của họ, để giải trừ những đau khổ tinh thần; chấp thuận những vật cúng dường để phục vụ cho những nhu cầu tối thiểu của bản thân như quần áo, thức ăn, thuốc thang…

Vai trò cộng đồng này có tác động tâm lý đối với suy nghĩ của người dân cũng như khuyến khích họ theo đuổi, nuôi dưỡng giáo lý Phật giáo như yêu thương, bác ái, chánh niệm – những giá trị đã thúc đẩy sự hòa hợp và hòa bình cho xã hội.

Tiếp tục nghĩ về vai trò của nhà tu hành

Tuy vậy, nếu chỉ có vai trò của nhà tu hành thì nó không thể đáp ứng được những thay đổi chóng mặt và hoàn cảnh xã hội đã tác động đến suy nghĩ của con người cũng như sự an thịnh của họ. Vì vậy, Tăng già ở Lào phải suy nghĩ lại về trách nhiệm của họ. Họ nhận ra rằng, trách nhiệm của họ là phải can dự vào quá trình phát triển để giúp người dân Lào tẩy trừ khổ đau của họ. Từ quan điểm của một nhà tu hành Phật giáo, những vấn đề xã hội tác động vào sự an thịnh của con người đều có thể xem là “khổ”.

Sự xuống cấp của môi trường là một lý do của sự “khổ” này và các nhà sư, những người dân làng đã đồng tâm rằng họ phải viện đến rừng thiêng – chốn cư ngụ linh thiêng của đại tổ tiên – mà người làng gọi là “Don Hor” – như một nơi để bảo vệ và bảo tồn.

Bởi có niềm tin của người dân vào đạo Phật cùng với tinh thần tổ tiên của họ, nhà tu hành và những người dân bắt đầu hoạt động bằng cách đàm phán các nhu cầu và mục đích của họ đối với linh hồn tổ tiên, hay “Pu Ta Yaphaw” thông qua những người đồng cốt “jum ban” hay “nang thiem”. Những người này đóng một vai trò tâm linh quan trọng trong làng trong việc kết nối với Pu Ta.

“Các nhà sư và người dân đến gặp và đề nghị tôi kết nối với Pu Ta để hỏi ý kiến Ngài về việc họ sử dụng khu vực này – Don Hor – cho các hoạt động tái trồng rừng cũng như biến nó trở thành một nơi được bảo tồn, bảo vệ”, một “jum ban” của làng giải thích. “Pu Ta đã cho phép họ trồng cây ở bất cứ nơi nào họ muốn. Trong ngày phân định ranh giới, Pu Ta thông qua và chiếm hữu cơ thể tôi rồi chỉ cho các nhà sư, dân làng nơi nào làm chỗ định giới”.

Nghi thức thụ phong

Đây là cách mà môi trường luận truyền thống và hiện đại kết hợp với nhau. Rất nhanh sau khi có được sự đồng thuận từ Pu Ta, họ bắt đầu phân định ranh giới và tổ chức một buổi lễ thụ phong để xác nhận khu vực đất trồng rừng theo nghi thức Phật giáo để bảo vệ rừng trong khu vực này.

“Lý do vì sao chúng tôi phải bảo vệ khu đất và rừng chính là vì lòng tham của con người. Họ không quan tâm đến tài sản công cộng hay cá nhân; họ sẽ chiếm lấy nếu họ thấy nó có lợi. Sáng kiến này sẽ giúp bảo vệ những phân vùng, cây cối và động vật được bảo vệ trong khu vực khỏi bị xâm lấn, chặt phá và săn bắn”, Phra Phithak nói. “Tự nhiên được nối kết với sự an thịnh của con người. Nếu chúng ta nhận thức được điều này thì nó sẽ trả thành nguồn thức ăn mà chúng ta có thể thu hái quanh năm, tạo ra oxy và làm sạch không khí”, sư thầy nói thêm.

Điều này theo thế giới quan Phật giáo tức là mọi chúng sinh trên trần thế đều có mối liên hệ với nhau: con người là một phần của tự nhiên, sống nhờ tự nhiên và tồn tại được vì tự nhiên.

Dân Nguyễn

(Dịch từ The Manila Times)