.
.

Tình thương & giáo dưỡng của trụ trì dành cho đạo chúng


 Hôm nay, tôi xin đưa ra một số suy nghĩ cho các vị cùng tiếp tục suy nghĩ và thực hiện để tạo được nếp sống đạo ấm áp tình người với đạo chúng tu chung trong chốn thiền môn.

Việc trước nhất là vị trụ trì phải được Tăng Ni trong chùa mình chịu trách nhiệm ủng hộ. Thể hiện lý này, một thiền sư nổi tiếng Hàn Quốc mà tôi đến thăm, đã nói với tôi: “Nội hàm chúng diệu”, tức trong chùa, nếu Tăng Ni không thương kính, không hợp tác với thầy trụ trì thì vị này không thể làm được việc. Đó là điều căn bản mà thầy trụ trì phải thực hiện cho được.

Thật vậy, bước ban đầu, thầy trụ trì không được chúng thương, thì phải làm cho họ thương, mới lãnh đạo được. Vị trụ trì ở chùa được Tăng chúng thương, chắc chắn sinh hoạt ở chùa sẽ ổn định và phát triển được. Vì chúng thương, không muốn làm thầy buồn, sợ thầy lo, nên chúng mới hết lòng tu học. Nếu không, vô số việc rắc rối sẽ xảy ra.


a HT TriQuangHT.Thích Trí Quảng giảng pháp

Được chúng thương rồi, bước thứ hai, thầy trụ trì phải làm họ nể mình, phục mình. Muốn chúng nể phục, mình phải hơn họ cái đầu; những điều họ biết, đương nhiên mình biết và những điều họ không biết, mình biết. Thầy trụ trì phải biết rõ tâm tư, nguyện vọng của đạo chúng. Vị trụ trì không biết điều này thì không thể quản lý chúng.

Trụ trì thấy học trò buồn hay vui, hoặc ấm ức điều gì, tâm tư của họ ra sao, mình nhìn mặt là biết liền. Thật vậy, thầy trụ trì lên quả đường, quan sát chúng để biết diễn biến trong tâm của họ và lên chánh điện, trụ trì không tụng kinh, nhưng nghe giọng họ tụng cũng biết được tâm tư của họ. Khi tôi tu ở tổ đình Huê Nghiêm, Hòa thượng trụ trì nói với tôi rằng nghe tiếng đánh chuông, đánh mõ của họ là biết được tâm trạng họ. Khi lòng họ thanh thản, an vui sẽ đánh tiếng mõ, tiếng chuông thanh thoát; còn khi lòng họ có vấn đề, tiếng mõ, tiếng chuông sẽ khác thấy rõ.

Vì vậy, thầy trụ trì quan sát toàn chúng công phu, tụng kinh, nghe tiếng chuông mõ, nhìn nét mặt từng người đang tụng kinh, nhìn cử chỉ của họ lúc hành lễ thì biết được họ có niềm tin Tam bảo thật hay không, hay là họ hành lễ bất đắc dĩ. Nếu họ bị bắt buộc tụng thì cũng tụng, nhưng chắc chắn giọng tụng kinh và cử chỉ sẽ hiện rõ tính cách bất đắc dĩ, trong khi người quyết tâm tu thì lòng chí thành cũng hiện rõ trong cách hành lễ, đọc tụng kinh.

Trong nếp sống đạo, có thể khẳng định rằng vị trụ trì quan sát cách chắp tay, lễ lạy của học trò, cũng như nghe âm điệu đọc tụng kinh, tiếng chuông mõ của họ mà nhận biết tâm trạng họ, tức biết trình độ tu chứng của học trò để dìu dắt họ tu lên.

Từ người không tốt, vị trụ trì hướng dẫn họ trở thành người tốt, làm họ thương mình và hiểu mình, vì mình hiểu họ. Sống chung mà không hiểu lòng nhau, chắc chắn tất cả mọi việc đều không thành công. Và hiểu được lòng của từng người một rồi, thầy trụ trì theo đây uốn nắn họ tiến tu đạo hạnh, như vậy là dạy đạo.

Vì vậy, đạo chúng có tâm sự vui buồn, có vấn đề nan giải, thầy trụ trì phải hóa giải được gút mắc, họ mới tiếp tục tu được, tức hướng dẫn họ, chỉnh sửa thiếu sót để họ trở thành vị Tăng đúng như pháp. Thậm chí nếu nghiệp của học trò nặng quá, mình không hóa giải được, thì mình cũng có hướng giải quyết cho họ. Mình có thể chỉ rõ cho họ biết rằng con đường tu theo Phật là tốt nhất, nhưng con không thực hiện được, vì trần lao, nghiệp chướng của con nặng. Tâm trạng nặng nề như thế thì làm sao đi vào thế giới tâm linh được. Họ trở về đời thường, cũng còn thương mình.

Lý này tôi nhận thấy rõ qua tình cảm của Hòa thượng Đôn Hậu và thầy Trí Không (Trần Quang Thuận). Thầy này là đệ tử ưu tú của Hòa thượng, rất thông minh, ngoại hình dễ coi, ai cũng thương, nên Hòa thượng chọn thầy, cho du học nước ngoài. Thời đó chỉ chọn sáu người, miền Bắc thì chọn Hòa thượng Tâm Giác, Hòa thượng Thanh Kiểm; miền Trung chọn Hòa thượng Thiên Ân và thầy Trí Không; miền Nam chọn thầy Quảng Minh và thầy Huyền Dung, các vị này thuộc lớp trước tôi.

Chọn người ưu tú là chọn người thông minh, sức khỏe tốt, đường đường Tăng tướng, cho ra nước ngoài học giỏi để trở về phục vụ đạo pháp. Nhưng thầy Huyền Dung đi Anh, không trở về.

Thầy Trí Không trở về, mặc dù kỳ vọng ở thầy này rất nhiều, nhưng tâm của thầy hướng ngoại nặng. Tôi nhớ Hòa thượng Đôn Hậu từ Huế bay về chùa Ấn Quang, ngài nói chuyện với thầy Trí Không mà khóc ròng. Thầy Trí Không cũng khóc, tôi cũng khóc theo. Đó là tình cảm thầy trò thật sự như thế và đành để thầy Trí Không hoàn tục. Anh tu không được, nhưng tình thầy trò không bao giờ mất. Sau này, anh ở nước ngoài vẫn luôn nghĩ về Hòa thượng Đôn Hậu, nghĩ về đạo. Như vậy, mất người tu, nhưng không mất tâm đạo, nhờ xử sự với nhau bằng thân tình. Phải thấy và hiểu học trò, còn áp đặt suy nghĩ của mình, làm sao họ nghe.

Chúng ta tu được, chắc chắn đã từng có công phu đến mức độ nào đó mới thoát được trần lao, nghiệp chướng và vươn lên, nên mình giải quyết khó khăn thay cho họ, đó là thầy trụ trì làm đúng bổn phận. Đối với người còn uốn nắn, bảo vệ được, mình cố gắng dạy để sau họ thành tài làm lợi cho đạo, ích cho đời.

Cách xử sự của thầy trụ trì rất quan trọng. Riêng tôi đối với Hòa thượng Thiện Hòa, trụ trì chùa Ấn Quang, lưu dấn ấn sâu sắc về tình thầy trò mà tôi không bao giờ quên. Tôi còn nhớ trước khi sang Nhật tu học, tôi đảnh lễ Hòa thượng. Đến khuya hôm đó, ngài đến phòng tôi, đưa tôi một cọc vàng lá và nói rằng: “Đây là tiền của gia đình cho mà tôi chưa sử dụng. Thầy lấy số vàng này để sang Nhật ăn học, sau này gánh vác Phật sự. Vì trước thầy, có thầy Quảng Minh đi Nhật không về. Trí Quảng đi nhớ về!”. Đây là tình thầy trò rất quan trọng làm mình không quên được thầy.

Tôi sang Nhật, vẫn giữ cọc vàng lá của thầy. Ở Nhật tám năm, tôi trở về nước và đã gởi lại Hòa thượng cọc vàng này. Tôi nói: “Thầy cho, nhưng con chưa cần dùng, xin gởi lại thầy”.

Cọc vàng Hòa thượng cho nặng không biết bao nhiêu, nhưng tấm lòng của Hòa thượng nặng vô cùng. Tôi nhớ Phật dạy rằng hạt cơm của thí chủ nặng hơn núi.

Lời dặn dò của Hòa thượng tuy đơn giản, nhưng làm tôi nhớ mãi và nguyện làm tròn sự mong muốn của ngài. Vì vậy, năm 1975, nhiều người ra nước ngoài và cũng thắc mắc tại sao tôi trở về. Tôi nghĩ học xong mình phải trở về, vì Hòa thượng đã nhắc nhở điều này và tôi cũng tự hứa với  lòng mình là phải về.

Thiết nghĩ Phật đạo dài xa mà không có thầy để mình đặt hết niềm tin, chúng ta khó vượt qua chướng ngại và đi lên được. Các thầy trụ trì  phải ghi nhớ điều này, trong Phật giáo gọi là tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức. Vì vậy, đối với tôi, quyết định về nước và xả thân làm đạo được cũng nhờ các bậc thầy dành trọn sự quan tâm chăm sóc cho tôi.

Phải khẳng định rằng tình cảm giữa ta và đệ tử, giữa ta và đạo chúng vô cùng quan trọng cho sự tiến tu đạo hạnh của họ. Phải hiểu đạo chúng thì họ hết lòng với chùa; không hiểu mà ta rầy la thì hỏng, vì rầy la là thầy đã khởi ý niệm tham sân sẽ vô cùng bất lợi cho trò và thầy.

Xưa kia, ở Phật học đường Nam Việt, Hòa thượng Thiện Hòa không bao giờ rầy học trò, nhưng ai cũng sợ là sợ Hòa thượng buồn, sợ Hòa thượng lo. Còn ta rầy la vì ta giận, mà giận là phiền não. Ông thầy để phiền não nổi dậy rồi trút phiền não lên đầu đệ tử, thì đệ tử cũng sẵn có phiền não cộng thêm phiền não của thầy, đến lúc thầy trò không thể nhìn nhau, thì có tu cũng chống nhau, dẫn đến hoàn tục, đệ tử không bao giờ về chùa nữa.

Thực tế cho thấy những người tu hoàn tục, bỏ đạo, vì không có thiện cảm với thầy, với chùa, không có gì gắn bó với thầy. Đối với tôi, có thể mất tất cả nhưng đừng đánh mất tình người. Ông thầy làm trụ trì nhưng mất tình người là mất tất cả. Sự nghiệp mất nhưng còn tình người là còn tất cả. Còn cố gắng giữ sự nghiệp, nhưng mất cảm tình với Tăng Ni, Phật tử, với chính quyền thì sớm muộn gì cũng sẽ mất sự nghiệp.

Tôi thành công trên đường đạo cho đến ngày nay là nhờ nuôi dưỡng được hai chữ tình người. Những người có duyên với ta mới được gặp gỡ, tiếp xúc trong kiếp này, ta phải giữ gìn thiện duyên đó và phát triển thêm, đừng để duyên lành này mất đi sẽ khó kiếm lại được.

 Phải biết cơ hội mà ta được ở với đạo chúng trong sáu đường sinh tử này không dễ kiếm chút nào. Còn tình cảm giữa ta với đạo chúng, giữa ta với đạo pháp thì dù mất mạng, ta cũng gặp Phật và tái sanh, ta cũng gặp được thầy hiền bạn tốt. Vì vậy, các thầy cố gắng giữ truyền thống Phật giáo là kính trọng thầy và nuôi dạy học trò, làm tốt như thế, mạng mạch Phật giáo sẽ trường tồn và phát triển.

Tôi quan sát những chùa có hồn dù nhỏ, nhưng tình thầy trò trong chùa đó sâu đậm, tình người đối với Phật tử bên ngoài mát mẻ thì chùa này lên được. Khi ngôi chùa vật chất chưa có, nhưng chùa tâm linh là cái hồn với đạo đã có thì chẳng bao lâu, chùa hiện hữu. Còn chùa lớn mà hồn không có, thì chùa lần lần hiu quạnh, dẫn đến tan rã.

Thầy trụ trì giữ chùa tâm linh là chính và cái hồn có thì chùa vật chất sẽ dần dần phát triển lên, khỏi cần vận động, vì thầy trò trong chùa hòa hợp với nhau, hết lòng vì đạo, Phật tử sẽ đến đông. Thật vậy, họ đến chùa, nhìn thấy thầy và đạo chúng an lạc tu hành, họ cũng được bình an theo.

Và tiến thêm bước nữa, cánh tay trái của các thầy phải có phương tiện, nghĩa là các thầy phải biết chút xíu nghi lễ. Kinh nghiệm tôi tu học ở Phật học đường Nam Việt, vì không có nghi lễ, nên chùa không có tiền  nuôi đạo chúng, nên chúng tôi mỗi tháng phải đóng 30 đồng học phí. Số tiền này làm sao có được. Thầy nào có cha mẹ khá giả cho tiền đóng học phí; nếu không thì thầy tổ nhờ đi cúng mà có tiền cho học trò đi học.

Nếu mình chỉ tu học thì đâu gắn liền với ai. Vì vậy, Phật tử có người thân mất, mình không đáp ứng được, họ sẽ tới chùa khác. Có thể nói cánh tay trái của mình là cầu an, cầu siêu. Thực tế là chùa Ấn Quang về sau có cầu an cầu siêu thì Phật tử mỗi tối mới tới chùa tụng kinh, họ thấy bình an và khi người nhà của họ mất, họ cũng đến chùa tụng kinh cầu nguyện cho người thân. Và thực sự họ đến chùa thấy chư Tăng tu hành nghiêm túc khiến họ bắt đầu tăng trưởng niềm tin với Tam bảo, gắn bó với chùa.

Vì vậy, thầy trụ trì nhớ đừng bác bỏ nghi lễ cầu an cầu siêu. Ngày nay, một số thầy có học nghĩ rằng chỉ cần học và bác bỏ việc cúng kính, đó là điều không nên. Riêng tôi nhờ trải qua kinh nghiệm tu học ở Phật học đường Nam Việt như đã nói trên, nhận thấy việc cần thiết của nghi lễ cúng kính. Tôi không đi cúng được, nhưng nhờ các thầy đi cúng mà Phật tử mới tới chùa.

Có thể thấy rõ chúng ta có đáp ứng được nhu cầu xã hội thì những người có niềm tin vào việc cúng kính mới quan tâm đến chùa. Tuy nhiên, đừng chuyên môn hóa việc này, đi cúng có nhiều tiền, một số thầy dễ mất đạo hạnh. Tu hành nghèo một chút nhưng sống giải thoát hơn.

Nói về cầu an cầu siêu, tôi nhớ khoảng năm 1958, ngày rằm tháng 7, Phật tử bắt đầu giới thiệu, họ tới thỉnh đi cúng cô hồn ở các cửa hàng. Phật tử thấy các thầy tu ở Phật học đường Nam Việt mặt hiền lành, dù mình không chuyên môn cúng, nhưng nhờ tu hiện tướng hiền lành, nên họ mới đến chùa Ấn Quang thỉnh đi cúng. Hết tháng 7, tôi đi cúng có nhiều tiền, nhưng tôi nhắc các thầy có tiền nhiều coi chừng dính vô những việc nguy hiểm, rất hại cho con đường tu. Các thầy sống đạm bạc thì người dễ quý mến mình.

Làm trụ trì không chuyên môn đi cúng, nhưng mình phải biết nghi lễ cầu an cầu siêu. Phật tử có nhu cầu, mình đáp ứng được, họ mới tới với mình. Nếu không, cơm ai nấy ăn, nhà ai nấy ở, làm sao truyền bá đạo pháp.

Việc cúng kính là nghề tay trái để trợ giúp người bước ban đầu, còn tay phải là đạo thì mình càng chuyên tâm tu, tướng Phật, tướng giải thoát, hiền lành hiện ra, chắc chắn sẽ được người quý mến.

Đối với các thầy đi cúng, tôi rất quý trọng. Điển hình là thầy Lệ Trang chuyên cúng, nhưng việc cúng kính của thầy này bên trong có chất tu, nên hiện ra bên ngoài cũng có chất tu làm người dễ phát tâm. Vì vậy, thầy Lệ Trang qua chùa Huê Nghêm cúng thí thực, Phật tử đạo tràng Pháp Hoa thấy thầy cúng trang nghiêm đều phát tâm. Vì vậy, mỗi khi có lễ, tôi giao cho thầy Lệ Trang và tôi bổ nhiệm thầy Lệ Trang làm trụ trì, vì tôi thấy Phật tử chùa Huê Nghiêm kính trọng và thương thầy Lệ Trang, nên thầy Lệ Trang làm trụ trì thì họ sẽ tiếp tục tới chùa tu học. Bây giờ, Phật tử đến chùa này vì thương tôi, nhưng sau khi tôi về Phật, phải có thầy trụ trì mà Phật tử thương mến thì họ mới tiếp tục tới chùa.

Ở Nhật, khi vị trụ trì già, họ lên tổ đình tìm ông thầy nào mà họ thương, mới mời về chùa, cho tiếp xúc với bổn đạo và bổn đạo cũng chấp nhận, thương thầy này thì họ mới làm giấy bổ nhiệm thầy này làm trụ trì. Không nhứt thiết truyền chức vụ trụ trì cho đệ tử, vì thầy được quý trọng nhưng học trò bị xem thường thì không thể quản lý chùa phát triển được.

Thiết nghĩ thầy trụ trì muốn chọn người kế vị cũng phải chọn theo cách này. Ban đầu giao cho họ cầu an cầu siêu và bổn đạo chấp nhận là người này có thể thay thế trụ trì. Và tiếp theo, giao cho thầy này quan hệ với chính quyền, họ ủng hộ mới làm đạo được.

Tôi xây dựng Việt Nam Quốc Tự cũng nhờ chính quyền ủng hộ, cấp đất, cấp giấy phép xây dựng.

Chọn trụ trì phải được bổn đạo thương và chính quyền ủng hộ thì mọi việc chắc chắn  phải tốt. Muốn sinh hoạt chùa phát triển, điều này rất quan trọng. Nếu chính quyền nghịch với chùa, họ sẽ kiếm chuyện, cuối cùng trụ trì phải ra đi, đương nhiên là như vậy.

Ngoài ra, giữa trụ trì và Tăng chúng phải có mối thân tình, anh em thương mình mới tính tiếp là mở rộng bước nữa, đối với Phật tử có sự quyết lòng hỗ trợ. Có được hai sự đồng thuận này, thứ ba là chính quyền ủng hộ. Đối với tôi, chính quyền đã nói rằng tôi ủng hộ Hòa thượng vì Hòa thượng có Tăng Ni, Phật tử thành phố thương. Nếu Tăng Ni, Phật tử không thương thầy, chính quyền cũng không dám ủng hộ thầy.

Như vậy, lấy lòng chính quyền bằng cách lấy lòng Tăng Ni, Phật tử. Còn lấy lòng chính quyền trước, tuy được trước mắt nhưng thua về sau. Thật vậy, thực tế cho thấy một số trụ trì bị rút bổ nhiệm, vì Tăng Ni, Phật tử tố khổ và cao hơn nữa, là rút cả Tăng tịch, không còn là thành viên của Giáo hội.

Tôi gợi một số ý để Tăng Ni đang trụ trì và sắp trụ trì suy nghĩ, làm tốt chức năng trụ trì.

HT.Thích Trí Quảng

(Bài giảng tại Khóa bồi dưỡng trụ trì ngày 12-10-2017 do Phật giáo TP.HCM
tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự ngày 12-10-2017 – 15-10-2017)