.
.

Cầu nguyện sám hối chân thật chính là chuyển nghiệp


Cầu nguyện sám hối khởi đầu được xem như là sự biểu hiện của lo lắng, vị kỷ, nhưng lần lần do cảm niệm, hiểu biết về bản chất và ý nghĩa của pháp này, mà tinh thần vị tha ngày được nâng cao. Cụ thể như những lời khấn nguyện, niệm hương, bạch Phật, phục nguyện, hồi hướng trong đạo Phật không chỉ đem đến sự chiêu cảm bình an cho bản thân mình, mà còn chan rải lòng từ đến cả tha nhân.


cau-nguyen-sam-hoi

Lời dẫn nhập        

Cầu nguyện sám hối nội dung và thao tác thuộc về tâm thức hay gọi là phạm trù tinh thần của con người, nhằm giải tỏa các ức chế tâm lý do áp lực của hoàn cảnh, của thất vọng trong tình cảm và những bức xúc trong các mối quan hệ xã hội như lo lắng, sợ hãi một sự viêc, một vấn đề nào đó vượt ngoài tầm kiểm soát của tự lực bản thân. Cầu nguyện sám hối còn có một ý nghĩa khác, đó là thể hiện các ước mơ, niềm hy vọng của con người về một đời sống hiện thực hay lý tưởng của mình trước một tha lưc linh thiêng. Dù với  hình thức nội dung nào thì cầu nguyện và sám hối vẫn là một biểu hiện của thiện tâm. Bời vì, khi ta chắp tay, cúi đầu hành lễ trước đấng “thiêng hóa” lòng người trở nên khiêm hạ, cái “tôi” nhỏ bé, cái bi mẫn có cơ hội lan tỏa.

Với đạo Phật, sự cầu nguyện sám hối còn là một pháp môn tu tập của người Phật tử, nhờ cầu nguyện mà nguyện lực của họ mạnh mẽ, niềm tin tăng trưởng, thiện nghiệp được phát huy, ác nghiệp tiêu trừ, thân tâm hoan hỷ trước lộ trình giải thoát.
 
Với tín ngưỡng dân gian cầu nguyện cũng là dịp để thi ân tổ tiên, thần thánh (thánh mẫu, thành hoàng) ông bà, cha mẹ qua đời và những ân nhân mà mình phải đền ơn đáp nghĩa.
 
Cầu nguyện sám hối khởi đầu được xem như là sự biểu hiện của lo lắng, vị kỷ, nhưng lần lần do cảm niệm, hiểu biết về bản chất và ý nghĩa của pháp này, mà tinh thần vị tha ngày được nâng cao. Cụ thể như những lời khấn nguyện, niệm hương, bạch Phật, phục nguyện, hồi hướng trong đạo Phật không chỉ đem đến sự chiêu cảm bình an cho bản thân mình, mà còn chan rải lòng từ đến cả tha nhân.
 
Tùy theo niềm tin tôn giáo mà có những hình thức và nội dung tín ngưỡng đặt ra đối với mỗi người và tập thể tôn giáo trong việc cầu nguyện sám hối. Với Phật giáo, thường thì chúng ta thấy có các hình thức: Cầu siêu, cầu an, cầu sám hối và cầu tiến bộ tâm linh hướng tới giác ngộ giải thoát. Đối tượng cầu nguyện sám hối, thường là các bậc xuất thế siêu tuyệt về phẩm cách đức hanh hoặc những bậc giác ngộ giải thoát. Và cao hơn nữa là các chư Phật, chư Bồ tát trong mười phương thế giới vô ngai.
 
Đối tượng cầu nguyện sám hối căn bản của người con Phật là Tam Bảo (Phật pháp Tăng) cụ thể là các Đức Phật Bổn Sư, Phật Di Đà, Phật Dược Sư, Phật Di Lặc, các vị Bồ tát, các vị Thánh hiền. Đối tượng cầu nguyện dân gian thì có tổ tiên, thần thánh, tổ sư, tổ nghề, ông bà cha mẹ đã qua đời, các linh hồn vất vưởng cho đến các gốc cây, hòn đá, linh vật cọp beo…nói chung tất cả mọi thứ nếu được coi là linh thiêng
 
Đối với người Phật tử chân chính chỉ cầu nguyện Tam Bảo, các Đức Phật, các vị Bồ tát, Thánh Tăng. Những Phật tử chưa thuần thục đạo pháp hay nói đúng hơn là chưa hiếu giáo lý và tin sâu Tam Bảo thường thì vừa cầu Phật vừa cầu thần, nếu cầu họ có thể cầu luôn cả cỏ cây đá núi…những Phật tử như thế Đức Phật và Bồ tát đối với họ không khác các vị thần bao nhiêu.

Chính vì vậy mà trong Huyền ký Đức Phật dạy ngài A Nan về việc xây dựng đền, chùa, miếu mạo và thờ phượng ở thế giới như sau: “Hiện tại trái đất này có các nơi xây cất: nhà thờ, đình, miếu để thờ Thần nơi trái đất này. Khi con người có các nơi thờ như vậy, yên lòng đem cái Tưởng và cái ham muốn của mình vào cho Thần giữ, nên cái tưởng và các ham muốn của con người có nơi an trú mà được dịu lại. Sau này, Như Lai nhập Niết bàn, các ông lập Chùa thờ Như Lai, là nhớ lời dạy của Như Lai mà Giác ngộ-giải thoát và biết quy luật luân hồi nhân quả, cũng như công thức trở về Phật giới. Nhưng những người đời sau họ không hiểu chánh pháp, mà theo (ngoại đạo) coi Như Lai như vị thần ban phước lộc và coi nhẹ việc Giác ngộ và giải thoát khỏi tam giới”.
 
Vậy cầu nguyện sám hối, tùy theo trình độ văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng mà có khác nhau, đó là một thế giới muôn màu, muôn vẻ. Dù sao đối tượng cầu nguyện thì phải thiêng liêng, phải hoàn hảo, quyền năng vô tận và có tác dụng ảnh hưởng đến Tâm thức của người cầu nguyện sám hối. Tại sao người viết bài này phải đề cập đến vấn đề nêu trên, bởi hiện nay xã hội đang lan tràn việc cầu xin lễ bái theo tín ngưỡng. Nhưng không nắm được nội dung chân thật của chính pháp, thì làm sao có được hiệu quả đem lại của việc sám hối cầu nguyện. Trong khi đó, sự cầu nguyện sám hối điều cần thiết nhất, và tối quan trọng lại là sự thành thật và hiểu biết về Chánh pháp.
 
Sự tương tác của cầu nguyện và sám hối
 
–  Tác dụng của  cầu siêu.
                                   
Cầu siêu là mong cầu vượt qua hay còn gọi là siêu thoát. Nghĩa là dùng phương thức nào đó để cho vong linh của người đã chết siêu thoát khỏi các cảnh giới khổ đau. Đó là quan niện thông thường trong thế gian. Cầu cho vong linh siêu thoát về đâu còn phụ thuộc vào tín ngưỡng và mục đích của người cầu nguyện. Đối với Phật pháp thì kết quả vấn đề cầu siêu phụ thuộc vào tâm linh và phương thức siêu độ.

Theo đạo Phật cầu siêu là cầu nguyện Tam Bảo phù hộ cho linh hồn đã mất được nhẹ nhàng siêu thoát về thế giới bên kia, tức thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà. Kinh Địa Tạng có đề cập đến tác dụng của kinh này, khi cầu nguyện cho người chết nói rằng: Khi tụng kinh Địa Tạng cầu nguyện thì công đức có được 7 phần, người tụng được sáu, người chết được một phần. Tại sao người được cầu nguyện chỉ có một phần? Điều này theo đạo Phật ta thấy, khi tụng kinh tam nghiệp thanh tịnh, công đức phát sinh, năng lực công đức này có trước hết là bởi người tụng, rồi sử dụng năng lượng công đức ấy hướng đến người đã chết, đương nhiên người chết sẽ nhận được một phần năng lượng ấy, trong khi người tụng là người suất sinh công đức.
 
Trong kinh Vu Lan đề cập đến sức mạnh chú nguyện của chư Tăng, nhờ sức mạnh Thanh tịnh của tăng đoàn mà bà Thanh Đề thoát khổ, bởi năng lượng của Tăng là năng lượng tập thể nên có tác dụng lớn, nó tạo được một ảnh hưởng mạnh mẽ vào tâm thể của bà Thanh Đề làm cho bà thay đổi tận gốc rễ nghiệp bất thiện của mính mà thoát khổ. Trong kinh Địa Tạng cũng đề cập phương pháp giúp cho người chết thoát khổ bằng cách sử dụng tài sản của họ vào việc công ích bố thí, cúng dường, hồi hướng công đức cho họ sẽ được lợi ích lớn.

Tất cả những điều diễn tả trong kinh đều muốn nói lên một thực tế rằng, nếu sử dụng năng lượng tâm linh đúng chánh pháp sẽ tạo khả năng chuyển biến và thay đổ tâm thức tới đời sống của chúng sinh cõi âm đang đau khổ là một thực tế. Theo HT Thánh Nghiêm: “Công năng của gia trì là sức mạnh của trì chú, sức mạnh của lời nguyện là sức mạnh của tâm thành. Người trì chú có công đức sâu dầy thì bản thân của câu chú sinh ra lực cảm ứng có thể thông với quỷ thần, giúp đỡ và gia trì người ta. Sức mạnh của lời nguyện có thể giúp thông cảm với sự gia hộ của chư Phật, Bồ tát và các vị Thần Hộ pháp. Sức mạnh của tâm có thể ảnh hưởng đến xu thế của tâm, làm tăng sức mạnh ý chí, thay đổi quan niệm, chuyển hung thành cát tiêu trừ tai họa”.
 
Trong cầu siêu thường trì tụng kinh Di Đà, kinh Địa Tạng, chú vãng sinh và một số chú khác. Theo cuốn Nghi thức Thập Chú của Thầy Nhật Từ biên soạn nói rằng, Chú vãng sinh Tịnh Độ là lấy ở trong kinh “Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bổn đắc sinh Tịnh độ đà la ni.” Chư tổ xưa nói về sự linh ứng của chú này: “Hễ người trì chú mà nhất tâm thì tự nhiên thấy sự linh ứng. Nếu người nào y pháp mà chí tâm trì tụng chú này, thì Đức Phật A Di Đà thường trụ và ủng hộ, không có oan gia thừa tiện nhiễu hại, mà trong lúc hiện thế đặng an ổn và đến khi mạng chung được vãng sinh”.
 
Theo tín ngưỡng dân gian thì sức mạnh của gia trì là tha lực, chứ không phải tự lực. Đó là sức mạnh thần chú, sức mạnh của lời nguyện và tâm người gia trì. Đó là sự mong cầu và niềm tin tôn giáo của con người nói chung.
 
Là Phật tử qua kinh điển chúng ta đã biết, và khoa học ngày nay đã khẳng định: người chết vẫn còn mối quan hệ với nhân gian. Sống và chết chỉ là tạm gọi, vì thực chất sống hay chết đều dang chuyển biến. Chấm dứt thân thể vật lý này gọi là chết, tâm thức đang đi vào một thế giới mới. Khổ đau hay hạnh phúc thì do nghiệp quyết định, tất cả chúng sinh là sản phẩm của nghiệp: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt có ưu.” (kinh Trung bộ số 135)
 
Tất cả chúng sinh đều từ nghiệp mà sinh ra, nghiệp ấy do tâm tạo, chuyển nghiệp cũng từ tâm mà chuyển. Do vậy, ý nghĩa siêu độ, cứu giúp người âm thoát khỏi khổ đau có hiệu quả hay không là do tâm lượng con người quyết định
 
Người phát tâm làm nghi thức cầu siêu phải có tâm thương xót vong linh, âm linh cô hồn nói chung và lòng thành kính với chư Phật, Bồ tát và hiền thánh tăng. Trong kinh dạy rằng, chư Phật và Bồ tát thường ứng thân vào trong các loài chúng sinh mà cứu độ. Nghi thức chuẩn tế hay cúng thí thực, trước thỉnh Phật và Bồ tát chứng minh, sau đó thỉnh các chân linh, vong linh và cô hồn về thọ nhận phẩm vật. Chúng sinh do nghiệp lực sai biệt nên thọ dụng thức ăn cũng sai biệt. Hương hoa phẩm vật trần gian nhờ Phật lực gia trì mà biến thành cam lồ khiến cho họ được no đủ. Phương pháp này thường dùng khoa Du già (yoga) Phật giáo Đại thừa thực hiện.

Dù biểu hiện dưới hình thức nghi lễ nào, chúng ta phải có lòng thành thanh tịnh, (tam nghiệp thân- khẩu- ý tương mật mới nhập vào cảnh giới nhất tâm). Tâm cảm được Phật lực mới có sự lợi ích cho việc cầu siêu độ thân nhân quá vãng và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp. Đó là điều chắc thật mà Đức Phật từng dạy trong kinh Du già tập yếu cứu A Nan đà la ni diện khẩu quỹ nghi như sau: “Hãy phát tâm rộng lớn vì cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp đến nay, khắp vì muôn loại chúng sinh ở tinh tú thiên tào, âm ty địa phủ, diêm ma quỷ giới, côn trùng nhỏ nhí máy động, tất cả hàm linh mà bày ra sự cúng dường vô giá quảng đại, mời đến phó hội, để nương oai quang của Phật, gột rửa ruộng thân được lợi thù thắng, hưởng vui nhân thiên.” Qua đoạn kinh trên ta thấy, cúng thí thực âm linh cô hồn gọi là vô giá quảng đại, nương oai đức của Phật, Bồ tát mà chúng sinh đều lợi lạc, dựa trên cái tâm rộng lớn. Nếu hình thức nghi lễ nào mà thiếu cái tâm cao thượng thì đi ngược lại xu hướng giác ngộ của Phật dạy.
 
Trong kinh điển Đức Phật còn dạy các hình thức siêu độ khác nữa. Phát tâm tu học cũng là phương thức siêu độ vong linh có hiệu quả cao. Niệm Phật và tụng kinh cầu nguyện là đem tâm Phật để điều phục tâm mình và đem tình thương của Phật chia sẻ cho muôn loài. Những người đã khuất hay người đang hiện hữu họ có duyên mới tiếp cận được với giáo lý đạo Phật. Trong giáo lý Mật tông và Tịnh độ khuyên hành giả cần tu niệm Phật, trì chú, tụng kinh để hồi hướng siêu độ cho người âm được siêu thoát. Tâm giúp đỡ vong linh chính là lòng từ bi. Từ bi tam muội mới biến thức ăn thành cam lồ giúp chúng sinh cõi âm được siêu thoát. Ta nên nhớ cõi âm cũng như cõi dương. Chúng sinh đang đói về lòng bố thí nên bị đắm trong địa ngục đói khổ; đang đói về tình thương nên chìm sâu trong sân hận (nóng giận); đang đói về trí tuệ nên sống trong địa ngục vô minh. Chúng ta phải hiểu như vậy để y pháp cúng dường bố thí với nhiều phương diện, như tài thí, pháp thí và vô úy thí cho chúng sinh.
 
Đối với Phật tử tại gia, ngoài vấn đề bố thí tiền tài, cần bố thí pháp thông qua chia sẻ kinh nghiệm tu học cho bạn đạo, giáo dục con cháu và khích lệ thân nhân họ tộc quy y Tam bảo, ấn tống kinh sách Phật giáo, ủng hộ Tam bảo trường tồn là điều phước đức lớn để siêu độ thân nhân. Người đang hiện hữu (còn sống) muốn giúp vong linh thân nhân siêu thoát phải có tâm lực. Tức đời sống có đạo đức, như phát tâm quy y Tam bảo thọ trì pháp giới. Là Phật tử chúng ta đều biết, con đường Giới-Định-Tuệ là lộ trình giải thoát khổ đau của chúng sinh. Chúng ta sống có đạo đức để làm ngọn đèn soi đường cho người cõi âm đi ra khỏi bóng tối vô minh u ám. Đức Phật dạy, “Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức”. Địa ngục khổ đau do tâm tạo, giải thoát giác ngộ cũng do tâm khởi. Cho nên sống có đạo đức là biểu hiện một phương thức siêu độ rất cao. Cổ đức có câu “Nhất nhân hành đạo, cửu huyền thăng”. Tu học thành đạo mới cứu giúp được thân tộc nhiều đời nhiều kiếp đọa lạc.
 
Muốn hiểu rõ người đã qua đời mong mỏi điều gì và đời sống con người sau khi chết sẽ ra sao thì nên đọc kinh Vu Lan, kinh Địa Tạng, văn Thủy Sám và Lương Hoàng Sám. Khi đọc những kinh văn này, bản thân chúng ta biết đau xót, biết rung cảm, biết phát khởi tâm chính đáng cho mọi hình thức siêu độ. Nếu có tâm lành đó rồi thì chỉ bông hoa và chén nước cúng ở chùa cũng có công đức không thể nghĩ bàn.

Bởi khi chúng ta có sức quán tưởng chân thành rằng, các Đức Phật và Bồ tát đang sống hiện hữu trong đời này, như vậy sẽ có giao cảm tâm chúng sinh và tâm Phật. Tâm chúng sinh mà giao cảm được tâm Phật thì gọi là đạo cảm thông không thể nghĩ bàn. Tâm ấy là tâm thanh tịnh và siêu thoát mọi khổ đau. Vậy cầu siêu cho người qua đời là nếp sống nhân bản rất đáng quý và đáng tôn trọng. Đó là thông điệp giúp con người nhận thức sâu sắc rằng, sống không phải là bắt đầu, và chết không phải là kết thúc. Đó là nền tảng đạo đức Phật giáo mà mỗi cá nhân, gia đình, xã hội và nhân loại đều quan tâm.
 
2-   Tác dụng của cầu an
 
Trước khi chúng ta muồn cầu an cho mình và gia đình, thì đầu tiên ta phải tìm hiểu nguyên nhân nào làm cho chúng ta bất an, (vì không an nên chúng ta mới đi cầu an). Trong kinh tạng và rải rác trong giáo lý, Đức Phật dạy: “Tâm bất tham luyến, ý bất điên đảo”. Trong bài (Sám nhất tâm) có nói, dĩ không an do tâm tham luyến và ý lúc nào cũng điên đảo vọng tưởng. Vì do lòng tham dục luyến ái và vọng tưởng, kết quả bị khổ đau. Theo giáo lý Đạo Phật, tham có 5 loại: Tham tài, tham sắc, tham danh, tham thực, tham thùy. Vì những dục tham này, mà đưa đến sự bất an của con người. Ví dụ: Tham tài, chỉ tiền bạc, vàng ngọc vật chất các thứ này nó cám dỗ con người không biết sao cho đủ, bởi có một đòi mười, có mười đòi một trăm, lòng tham không cùng. Khi lòng tham dấy khởi, thì ý nó phải mơ ước vọng tưởng để đạt cho kỳ được. Nếu không đạt được thì lo nghĩ quên ăn, mất ngủ…lâu ngày thần trí bất minh, sinh bệnh tật. Đây là nguyên nhân bất an do lòng tham tài không biết đủ gây nên.
 
Tham sắc: Chữ sắc ở đây theo pháp tướng tôn thì có hai thứ sắc đó là sắc đẹp của người ta về thể xác, do lòng tham nên so sánh đẹp xấu. Đã có vợ chồng rồi, nhưng lòng ham muốn vô bờ bến muốn chiếm hữu để thỏa mãn cá nhân mà bất chấp luật pháp, thuần phong mỹ tục tìm mọi cách chiếm hữu…nhưng khi không đạt được ham muốn do đối tượng từ chối hoặc gia đình ngăn cản, thì sân si giận dữ, lòng dạ mê mờ, lâu ngày trở nên kháu bó làm cho gia đình xào xáo bất an mất hạnh phúc, đó là do tham sắc đẹp.

Còn sắc pháp chỉ chung cho mọi hình tướng như: nhà cửa, xe cộ, phương tiện thuộc về vật chất, nếu tâm không biết đủ, ý dấy lên so sánh ước muốn không thực tế với điều kiện hoàn cảnh của mình như: xây nhà to, mua xe cộ đắt tiền và các ham muốn khác do đua đòi mà nợ nần chồng chất, mất ăn mất ngủ…Bởi lòng tham muốn dẫn đến khổ đau, đó là nguyên nhân bất an về tham sắc nói chung. Cùng với những nguyên nhân bất an nêu trên, những nguyên nhân mà chúng ta thường gặp mang tính phổ biến của bất an đó là: Gặp thày tà (ngoại đạo) khi chúng ta đi coi số cách, điền trạch, nhà ở; xem mồ mả cha mẹ, ông bà.

Khi gặp điều vui vẻ không sao, nhưng khi gặp “xui xẻo” do thày “tà” phán xét hù dọa mà đem lòng sợ hãi bất an; với người không hiểu biết chánh pháp, đụng đâu tin đó, rồi nghe thày ngoại đạo, cúng kiến quàng xiên mà chuốc lấy phiền não không dứt. Kết cục hao tổn tiền bạc tâm trí, gia đình bất an mất đi hạnh phúc. Vậy Đức Phật dạy về vấn đề này như sau: “Người mê tín dị đoan có 4 cái mất: mất chính mính, mất sáng suốt, mất hạnh phúc gia đình và cái mất thứ tư lớn hơn đó là, nếu quốc gia nào có nhiều người mê tín, thì quốc gia đó mất sự hùng cường”. Cùng với những nguyên nhân bất an dẫn chứng nêu trên, trong đời sống chúng ta còn nảy sinh biết bao điều bất như ý khác nữa, nên con người tìm đến sự cầu an,
 
Vậy thực tế cầu an có an không?
 
Cổ đức có câu: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Khi ta có niềm tin ta sẽ có sức mạnh. Sức mạnh tinh thần ấy gọi là năng lượng tâm linh, nếu ta cố ý chuyển năng lượng tâm linh ấy đến một người nào đó thì có tác dụng ảnh hưởng vào người ấy, đó là điều khó tin nhưng có thật. Mối quan hệ tinh thần và thể xác, giữa tâm linh và thế giới khách quan là mối quan hệ duyên sinh tương tác lẫn nhau. Người ta có thể dùng sức mạnh tâm linh để tác động hay cảm hóa đến vật chất hay sinh vật, các vị thiền sư có thể cảm hóa hổ báo hung dữ, ngay cả loài thảo mộc nếu được thương yêu chúng cũng tươi tốt hơn, đã có nhiều cuộc thí nghiệm của các nhà khoa học hàng đầu thế giới chứng minh cho sức mạnh tinh thần này. (Do giới hạn bài viết không nêu ở đây).

Khi một người phóng ra một năng lượng tâm linh qua sự tập trung cầu nguyện, luồng năng lượng ấy sẽ tạo ảnh hưởng lên thể chất và tinh thần của người bị bệnh, bị tai nạn hay đối tượng được cầu nguyện. Người phát ra một năng lượng tâm linh mà năng lượng ấy thuộc xu hướng nào, thì nó sẽ tạo ra một lực hấp dẫn thu hút nguồn năng lượng tương ứng trong không gian (có thể gọi là năng lượng của các Đức Phật hay Bồ tát) mà ta gọi là tha lực. Tùy theo sự tương tác ở mức độ nào mà khả năng, hiệu quả lớn hay nhỏ.
 
Cầu nguyện cho người khác được bình an thể hiện tính tích cực của từ bi, vị tha, do đó mà tạo nên “đức độ”. Tâm ta càng xu hướng về vô ngã vị tha thì mối quan hệ tương tác (cảm ứng) giữa tâm ta và tâm Phật, Bồ tát (tha lực) sẽ càng chặt chẽ. Do đó, có tác động mạnh đến người hay hoàn cảnh mà mình cầu nguyện. Đó là sức mạnh vô hình nhưng có thực. Dĩ nhiên không phải ai cầu cũng ứng, cũng được an. Mọi tác dụng cảm ứng đều có điều kiện, bởi nhân duyên có đủ hay không; cũng như một ngọn lửa bùng cháy phải có đủ các điều kiện. Vậy không nên coi cầu an là phương pháp tối thượng mà chỉ là một “trợ duyên”. Điều quan trọng vẫn là “nội lực” hay “nghiệp lực”.
 
Cầu nguyện không phải muốn gì được nấy, không phải là xin ơn trên thỏa mãn các yêu cầu “bất thiện” của mình. Điều chính của sự cầu nguyện trong đạo Phật đó là sự chuyển hóa nghiệp lực. Nếu mình tạo tác ác nghiệp thì cầu nguyện là vô ích. Cầu nguyện theo hướng chuyển ác thành thiện thì sự cầu nguyện ấy được đạo Phật dung hợp khuyến khích.
 
Thông thường khi nói đến cầu nguyện ta thường nghĩ đến tha lực của Phật, Thánh…nhưng cầu nguyện trong Phật giáo không phải thuần túy nhờ vào tha lực mà nhờ vào tự lực là chính. Vậy mới có chuyện, có người cầu nguyện thì linh ứng, người khác lại không? Điều đó tùy thuộc vào tự lực hơn tha lực. Không phải Phật không thiêng mà chính là “tự lực” của chúng ta chưa đủ, hay nói cách khác là lòng thành kính, sự thành tâm, nhất tâm và nghiệp lực chư đủ. Trở lại câu cổ đức: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” có nghĩa rằng, cầu an để được an là phải y theo Chánh pháp, ngược lại theo (ngoại đạo) tức tà đạo chỉ chuốc lấy phiền não không ngày cùng.
 
3-  Tác dụng của sám hối
                                   
Chúng ta sống trên đời này, không ai dám nói mình là người hoàn toàn trong sạch, nên Phật thường dạy: “Phàm xuống lên ba cõi, lăn lộn trong sáu đường, thì không một loài nào được hoàn toàn trong sạch, không một giống nào dứt hết tội lỗi”
 
Thế nên sống trên cuộc đời cát bụi này, thì làm sao trong sạch được, vậy ở trong cát bụi tất phải có bụi. Bụi đời bên ngoài, bụi trong tâm ý gây nên bao ác nghiệp từ nhiều đời nhiều kiếp. Nó làm cho ta không thấy được con đường chánh, xa dời chân tâm, đắm mình trong tội lỗi. Vậy chúng ta muốn được trong sạch thảnh thơi, muốn trút bỏ tội lỗi, thì tất nhiên chúng ta phải tìm phương pháp để tẩy trừ bụi nhơ, tẩy trừ tội lỗi. Trong đạo Phật, phương pháp tẩy trừ ấy gọi là sám hối.
 
Vậy sám hối đem lại lợi ích như thế nào? Theo kinh Sám hối của đạo Phật: Sám hối để tỏ lòng ăn năn, để trở về hành động chính kiến. Chữ “sám” tiếng Phạn gọi là sam ma; tiếng Hán gọi là “hối quả”.Kinh nói “Sám giả sám kỳ tiền khiên, hối giả hối kỳ hậu quả”. Nghĩa chữ sám là ăn năn lỗi trước, còn hối là chừa bỏ lỗi sau. Nếu dùng một chữ sám hay một chữ hối thì chưa đủ ý nghĩa, nên các cổ đức xưa ghép hai chữ lại thành danh từ “sám hối”, dịch theo tiếng Việt là “ăn năn chừa lỗi”. Như thế trong chữ sám hối có hàm nghĩa là ăn năn, hối hận vì những lỗi lầm trong quá khứ và bây giờ cho đến về sau mình nguyện là không tái phạm.
 
Theo giáo lý chữ sám hối là danh từ riêng của đạo Phật, nhưng trong đời sống thế tục, hình thức sám hối, nhận lỗi cũng được áp dụng phổ biến theo tín ngưỡng dân gian, Ví dụ như có lỗi với ông bà, làng xóm, thường dùng trầu rượu, heo gà, tiền bạc để tạ lỗi. Theo HT Thiện Hoa, hình thức tạ lỗi sám hối trên cũng được, nhưng chưa hoàn hảo và còn thô thiển chấp kiến. Bới nó chỉ áp dụng để đối phó với bên ngoài, chứ bên trong tội lỗi xảy ra ở nội tâm, thì khó có thể áp dụng hình thức nói trên. Đơn cử như có đạo dùng máu thú vật để xin rửa tội với thần linh. Có đạo chủ trưng xuống tắm ở những sông, suối mà người ta cho là linh thiêng thì hết tội; có đạo lại đem phẩm vật để xin thánh thần tha tội; có đạo lại chủ trương khổ hạnh, ép xác như đánh đập mình, nhịn đói khát…để được giải thoát tội lỗi. Những cách chuộc tội như thế đều sai lầm mang mầu sắc mê tín.

Theo đạo Phật, tội lỗi thuộc về tâm lý (duy thức tôn) không có hình tướng rất vi tế. Vậy làm sao có thể lấy vật chất như nước, máu huyết phẩm vật hay xác thân làm sạch tội lỗi được. Cho nên Đức Phật dạy: Tội lỗi do tâm của ta tạo ra, không ai có thể thưởng phạt được. Tội lỗi đã từ tâm tạo, thì cũng phải từ tâm mà diệt. Vậy chúng ta muốn hết tột, phải y theo những pháp sám hối chân chính của đạo Phật mà thực hành mới tiêu được nghiệp chướng vi tế.
 
Theo luật nhân quả, kẻ gieo giống xấu thì phải ăn quả dở, người trồng giống quý thì hưởng quả ngọt ngon. Tội lỗi do mình tạo, thì cũng từ mình mà sám hối. Muốn hết tội, phải tuân theo chánh pháp (tức không theo tà ma ngoại đạo). Trong đạo Phật có 4 pháp sám hối, có pháp thuộc về sự, có pháp thuộc về lý dưới đây:
 
a –  Tác pháp sám hối: Pháp sám hối này thuộc về sự, phải lập giới đàn và phải thỉnh thanh tịnh tăng chứng minh, nên gọi là tác pháp. Khi vào giới đàn mình phải thành thật tỏ bày tội lỗi một cách thành khẩn, chí tâm ăn năn và nguyện về sau không tái phạm nữa. Một lòng thành kính sám hối như vậy, khi giới thể được thanh tịnh, tức là hết tộị.

b – Thủ tướng sám hối: Pháp này thuộc về sự và khó hơn pháp trước. Phật chế pháp này, là sám hối thuộc quán tưởng, cho những người tu hành có trình độ cao, hoặc ở chỗ không có Tăng, hay có nhưng không được thanh tịnh. Muốn tu pháp này, hành giả phải đến trước tượng Phật hay Bồ tát, thành tâm lễ bái, trình bày những tội lỗi đã phạm, và nguyện ăn năn chừa bỏ. làm như thế 1 ngày, 3 ngày, 7 ngày, 49 ngày và mãi đến khi nào thấy được hảo tướng: như thấy hào quang, hoa sen báu, thấy Phật, Bồ tát đến xoa đầu.v.v. thì mới thôi.

c –  Hồng danh sám hối:  Pháp này thuộc về sự, do Ngài Bất Động Pháp Sư đời Tống (Trung Hoa) soạn. Ngài rút 53 danh hiệu Phật trong kinh “Ngũ Thập Tam Phật, tức là từ Đức Phật Phổ Quang cho đến Đức Nhứt Thế Pháp Tràng Mãn Vương Phật và rút 35 danh hiệu trong kinh “Quán Dược Vương, Dược thượng” với pháp thân Đức Phật A Di Đà, sau đó thêm vào kệ Phổ Hiền Đại Nguyện, thành nghi thức sám hối này, tổng cộng là 108 lạy, để ám chỉ 108 phiền não. Nghi thức sám hối này, nếu ai chí thành lễ, thì sẽ diệt trừ được những phiền não và tội lỗi đã tạo trong đời hiện tại cũng như nhiều đời quá khứ. Đức Phật Tỳ-Bà-Thi nói: “Nếu chúng sinh nào nghe danh hiệu 53 vị Phật này, thì trăm ngàn ức kiếp không đọa vào ba đường ác”. Đức Phật Thích Ca nói: “Thủa xưa thời Phật Diệu Quang, Ta đi tu nhằm đời mạt pháp, nhờ được nghe danh hiệu 53 vị Phật này, và thành tâm lễ bái mà tránh khỏi những đau khổ trong đường sinh tử luân hồi nhiều kiếp”. Còn 35 danh hiệu Phật sau, từ Đức Phật Thích Ca cho đến Đức Phật Bửu-Liên-Hoa-Thiện-Trụ-Ta-La-Thọ-Vương, thì trong kinh Bửu Tích nói: “Nếu tất cả chúng sinh, hoặc phạm tội ngũ nghịch hay thập ác, đến muôn kiếp…chỉ xưng danh hiệu 35 vị Phật này và lễ bái, thì bao nhiêu tội chướng đều tiêu trừ”.

Hồng danh của chư Phật có công đức không thể nghĩ bàn như vậy, nên Ngài Bất Động Pháp Sư mới soạn ra để làm nghi thức sám hối. Pháp hồng danh sám hối hiện nay, hầu hết các chùa đều thực hành. Về sau Ngài Từ Vân Pháp Sư vì những người yếu đuối, hoặc không quen lạy nhiều, nên đã soạn ra một nghi thức sám hối rất gọn dễ và đầy đủ ý nghĩa, gọi là pháp tiểu sám hối, để cho Phật tử hàng ngày có thể sám hối tội lỗi của mình.

d –  Vô sanh sám hối:  Pháp này thuộc về lý sám hối, rất cao và khó, bậc thượng căn mới có thể thực hành được.

– Quán tâm vô sanh: Nghĩa là quán sát tự tâm mình hiện tiền không sanh. Như kinh Kim Cang nói: “Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại chẳng có, tâm vị lai cũng không”. Quán trong ba thời gian đều không có tâm, thì vọng niệm từ đâu mà có, nếu vọng niệm không có, thì các tội lỗi cũng không. Kinh nói: “Tội từ nơi tâm sinh mà cũng từ tâm diệt. Nếu tâm này không sanh, thì tội cũng chẳng còn, thế mới thật là sám hối.”

– Quán pháp vô sanh: Nghĩa quán sát thật tướng (chân tánh) của các pháp không sanh. Chữ “thật tướng”, nghĩa là cái tướng ấy không sanh không diệt, không hư dối; từ xưa đến nay nó vẫn thường như thế, không bị thời gian thay đổi, hay không gian chuyển dời, suốt xưa thấu nay, nên gọi là thật tướng. Nó cũng có tên là chân như hay chân tâm. Khi nhận được thật tướng rồi, thì các giả tướng đều không còn. Lúc bấy giờ những tội lỗi (giả tướng) kia, không còn gá nương vào đâu mà tồn tại. Trong kinh Quán Phổ Hiền có chép: “Muốn sám hối, phải quán thật tướng của các pháp, thì tội mới hoàn toàn tiêu diệt.”
 
Luận về tội lỗi và thời gian: Ta thấy tội lỗi xưa là rất nhiều, bởi sự tiếp nối liên lạc với nhau từ đời nọ đến đời kia, như một xâu chuỗi dài vô tận. Rồi đến mỗi đời, từ sinh đến tử, từ tử đến sinh, chúng ta cứ tạo thêm tội lỗi lớn nhỏ không dứt, cứ cái đà tăng trưởng mãi ấy, mà tạo thành một sức mạnh gọi là nghiệp lực, dẫn dắt chúng ta vào những đường khổ não, mê lầm, tức là dòng sinh tử mà chúng ta đang thọ vậy.

Trong kinh Hoa Nghiêm Đức Phổ Hiền Bồ tát có nói hết: “Nếu tội lỗi chúng sinh có hình tướng, thì tất cả hư không cũng không chứa hết”. Thật thế, tội lỗi của chúng sinh chất chồng từ muôn vạn kiếp và truyền nối qua thời gian, bởi di truyền, phong tục, thói quen.v.v.chẳng hạn như tánh tham, chúng ta mới sinh, nào có ai dạy thế mà vẫn biết! Cũng không ai bảo chúng ta giận hờn, vậy mà gặp điều gì trái ý, là cau có chửi bới om sòm. Những tánh xấu ấy có một lần với thân mà rất sâu sắc khó dứt trừ.

Trong kinh gọi chúng là “câu sanh phiền não”, hay “bổn hữu chủng tử” nghĩa là hạt giống có từ lâu. Những hạt giống xấu này lại làm duyên sinh ra các tội lỗi khác, mà trong kinh luận gọi là “phân biệt phiền não” hay“thỉ khởi chủng tử”, nghĩa là hạt giống mới nhiễm ô do ảnh hưởng thời đại, tập quán, phong tục chi phối.

Theo các tổ thầy dạy: “Phân biệt phiền não” thì có thể dễ trừ, nhưng “câu sanh phiền não” rất khó trừ.. Chúng như cỏ cú (cỏ ấu) đâm sâu gỗ rễ rất xa; nếu người làm vườn khinh thường thì không dễ gì dọn đất sạch cỏ. Cho nên chúng ta không nên sám hối lấy lệ, lấy được. Muốn dứt tuyệt chúng, nếu không có phương pháp thích hợp, thì chả khác nào lấy đá đè cỏ: nó nằm bẹp tạm thời, nhưng dời đá đi, nó sẽ mọc lên mạnh hơn trước. Vậy phương pháp thích hợp trong sự sám hối là: Phát triển hạnh lành, để tiêu trừ tội lỗi cũ.
 
Thức tế trong mỗi chúng ta, không phải toàn chứa đựng những tánh xấu xa. Nếu tánh xấu đã có từ muôn đời, thì tánh tốt đã có từ vô thỉ. Chúng ta mỗi người đều có Phật tánh là cái mầm của hạnh lành, cái mầm ấy đã bị chôn vùi dưới bao lớp dục vọng, si mê. Bây giờ muốn tiêu trừ dục vọng thì chúng ta phải tạo điều kiện cho cái mầm Phật tánh trổ lá, lên hoa, kết trái Bồ đề. Điều kiện làm cho mầm Bồ đề ấy phát triển là hạnh lành: Từ bi, Hỷ xả, Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn. Nếu chúng ta phát triển những tính tốt ấy, tất nhiên những tính xấu ác không có đất để mọc lên nữa.
 
Qua thực tế trên, chúng ta thấy người thế gian hay các tôn giáo đều có cách thức ăn năn ngừa lỗi cả. Song, chỉ có pháp sám hối thứ nhất của Đạo Phật đã nêu, mới dứt trừ được tội lỗi, do chỗ lấy sự cải ác, tòng thiện làm cốt yếu. Trong bốn pháp sám hối của đạo Phật, có pháp về sự, có pháp về lý, có pháp cao, có pháp thấp. Vậy tùy theo căn cơ và hoàn cảnh của mỗi người mà áp dụng. Người thượng căn, thì quán pháp vô sanh sám hối.

Người không gặp cảnh thuận tiện, không có giới đàn, không có cao Tăng, thì dùng pháp thủ tướng sám hối. Người được cảnh thuận tiện có giới đàn thanh tịnh, có cao tăng Đại Đức thì dùng tác pháp sám hối. Còn thấy mình tội chướng nặng nề, và thấy các pháp trên khó thực hành được, thì cứ mỗi đêm, hay trong bữa ăn chay và ngày sóc vọng, tùy tiện đến chùa hay ở nhà chí tâm lạy Hồng Danh sám hối, hoặc Tiểu sám hối cũng lần lần nhẹ nghiệp xấu ác đã tạo.
 
Trong các pháp sám hối của đạo Phật, mặc dù có lạy có quỳ, có lễ bái, nhưng không phải để cầu cạnh van xin được tha tội như tín ngưỡng dân gian.  Trong cái lạy, cái quỳ (tự lực) ấy, có chứa không biết bao nhiêu ý nghĩa và lợi ích. Vẫn biết lạy và quỳ, nhất là trong pháp Hồng Danh sám hối, thật là tổn hơi mệt xác, nhưng trong cái mệt xác thân ấy, có cái vui tinh thần, trong cái sự tướng bên ngoài có cái ý nghĩa bên trong. Tóm lại các pháp sám hối của đạo Phật, nếu thực hành một cách đúng đắn, thành thật, sẽ đem lại những kết quả quý báu: Làm phát triển lòng thành thật; trau dồi đức tánh kiên quyết trong sự diệt trừ tánh xấu; dứt được tội, sanh phước đức; mau đến chỗ giải thoát an vui.
 
Thay lời kết
                       
Khi con người chưa làm chủ hoàn toàn thân tâm, chưa vượt qua được những nỗi lo âu, sợ hãi, chưa đạt được trình độ tu chứng tự tại vô ngại, thì cầu nguyện sám hối có tác dụng hỗ trợ cho mình vững tiến trên con đường đạo. Qua các phương cách và đối tượng cầu nguyện, con người có thể bày tỏ được niềm thương, nỗi nhớ sự biết ơn và báo ơn đối với ông bà, cha mẹ và những người thân của mình. Như vậy cầu nguyện là một nét đẹp văn hóa, giầu tính nhân văn đem lại niềm tin và củng cố đạo đức, nhằm thuần hóa tính ác và sự  tiêu cực nói chung, trả lại bản tính thiện lành của con người. Hơn nữa, cầu nguyện làm tăng thêm nghị lực, phát khởi niềm tin, trí tuệ về tâm linh, hướng tới chân lý và mục đich cao thượng là Giác ngộ- giải thoát.
 
Trong cầu nguyện sám hối, chỉ cần chúng ta có được lòng tin, đức tin và sự thành thật, nhất tâm cho một mục đích trong sáng cao thượng vì lợi ích tha nhân, và sự thành khẩn của lòng mình, thì sự cảm ứng của Phật lực và Bồ tát chắc chắn sẽ xảy ra. Điều cần thận trọng khi thực hiện pháp này là, chúng ta đừng có lòng vị kỷ bản thân, đừng để rơi vào cuồng tín (mê tín) cực đoan, thân tâm phải luôn luôn thanh tịnh sáng suốt. Nếu cầu nguyện không đúng chánh pháp hoặc lạm dụng cầu nguyện để thực hiện tham vọng riêng tư, thì không những không linh ứng mà còn phản tác dụng, tạo thêm ác nghiệp. Nếu chúng ta thật lòng y pháp phụng hành cầu nguyện sám hối, thì mọi điều mong muốn đều có thể viên mãn bất khả tư nghị.
 


Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh
Số: 18. Phố Quang Trung, P.Quang Trung
TP. Uông Bí – Quảng Ninh.
ĐT: (0165.8091688.)

———————-

Tài liệu tham khảo

– Tám quyển sách quý- HT.Thích Thiện Hoa (Nxb.Tp HCM-1989)
– Tu là chuyển nghiệp – HT.Thích Thanh Từ (Nxb-TG -2002)
–  Hiển mật viên thông – Cữ si Trần Giác, Thích Đạo Chân, Thích viên Đức. (Chùa Dược Sư- Ban mê thuộc- ân tống-  PL 2515- DL 1975)
– Bài : Ý nghĩa của sự cầu nguyện – Tác giả: Thích Đức Trí-Viên giác.